Nhân sâm: Loại dược liệu quý mang tác dụng đại bổ nguyên khí

Nhân sâm vẫn được xem là một vị thuốc bổ quý hiếm, đứng đầu trong 4 vị thuốc thượng hạng của Đông y bao gồm sâm, nhung, quế, phụ. Tìm hiểu công dụng và cách dùng Nhân sâm.

Nhân sâm là một trong bốn vị thuốc bổ quý hiếm nhất

Đặc điểm của dược liệu Nhân sâm

Tên gọi, danh pháp

Tên khoa học: Panax ginseng C.A.Mey (P. schinseng Nees.)

Họ: Araliaceae (Ngũ gia bì)

Tên thường gọi: Nhân sâm

Đặc điểm thực vật

Nhân sâm là loại cây sống lâu năm, cao khoảng 0,6 m. Thân cây thẳng, tròn, phân nhánh theo số tuổi.

Các vòng xoắn thân dài thường mang năm lá màu xanh đậm, thon dài, hình trứng, dài từ 7 đến 20cm.

Lá cây là lá kép mọc vòng, tạo từ nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Lá chét có dạng hình trứng, mép lá có răng cưa sâu.

Dựa vào số lượng lá có thể cho thông tin về số tuổi của nhân sâm.

Cây một năm tuổi thường chỉ có 1 lá kép và 3 lá chét, hai năm tuổi thì số lá chét là 5. Nhân sâm từ năm năm tuổi trở lên sẽ có 4 – 5 lá kép, tất cả đều có 5 lá chét.

Bắt đầu từ năm thứ 3, cây mới ra hoa và cho quả. Hoa trổ vào mùa hạ, khoảng tháng 3 – tháng 5. Hoa thường mọc tập trung thành cụm hình tán ở đầu cành và có màu xanh nhạt. Mỗi hoa thường có chứa 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ có 2 núm.

Quả nhân sâm là dạng quả mọng, hơi dẹt, kích thước cỡ hạt đậu xanh, xuất hiện vào khoảng tháng 6 – tháng 8. Quả khi chín chuyển sang màu đỏ, trong mỗi quả có chứa 2 hạt. Người ta thường dùng hạt của nhân sâm 4 – 5 năm tuổi để làm giống vì có chất lượng tốt nhất.

Rễ củ dày, nạc, hình củ carot, màu trắng kem đến vàng nhạt, có nhiều rễ phụ, dài khoảng 5-25 cm, đường kính từ 5-30 mm.


Đặc điểm thực vật của cây Nhân sâm

Địa điểm phân bố

Nhân sâm được phát hiện từ cách đây rất lâu đời và hiện đang phân bố chủ yếu tại khu vực vùng núi thuộc Viễn Đông Liên bang Nga, phía bắc CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, người ta bắt đầu thấy Nhân sâm được trồng ở Nhật Bản, Hoa Kỳ. Tuy nhiên qua nhiều lần trồng thử nghiệm, cho đến nay đều chưa thành công ở Việt Nam.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

Rễ củ (Radix Panacis) của cây Nhân sâm từ 4-6 năm tuổi có thể dùng làm thuốc. Có thể dùng ở dạng tươi hoặc khô.

Khi đến thời điểm có thể thu hoạch, đào củ rồi đem rửa sạch đất cát.

Rễ củ sau đó được chần qua nước sôi, cắt bỏ rễ con và bỏ lớp vỏ ngoài, phơi sấy khô thu được Bạch sâm.

Đem các củ chất lượng tốt đi hấp rồi phơi hay sấy khô thì thu được Hồng sâm.

Thành phần hóa học

Chứa saponin (chủ yếu thuộc nhóm dammaran thuộc nhóm protopanaxadiol và protopanaxatriol được gọi là các ginsenosid), polysaccharid, tinh dầu, hợp chất polyacetylen, gintonin….

Ginsenosid chính của Nhân sâm là G-Rg1 và Rb1. Ginsenosid Rf giúp phân biệt Nhân sâm và Sâm Mỹ.

Hồng sâm có thêm các thành phần saponin kém phân cực hơn do bị cắt đường do quá trình chế biến như G-Rg3, G-Rh1…

Công dụng của Nhân sâm

Rễ Nhân sâm từ 4-6 năm tuổi sau khi chế biến được dùng làm thuốc trong nhiều chứng bệnh.

Từ rất sớm, cách đây khoảng 2000 năm, con người đã sử dụng rễ Nhân sâm và chiết xuất của nó như một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và giảm mệt mỏi nhanh chóng.

Tại Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước Châu Á, nhân sâm luôn xem là “vua của tất cả các loại thảo mộc”, vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa có hiệu quả trị bách bệnh.

Rễ củ của cây Nhân sâm 4-6 năm tuổi

Tác dụng dược lý

Tác dụng dược lý đã được chứng minh của Nhân sâm gồm:
• Hoạt động chống oxy hoá và chống gốc tự do
• Chống viêm và điều hòa miễn dịch
• Hoạt tính kháng sinh
• Bảo vệ và chống lại các bệnh tim mạch
• Ngăn ngừa béo phì và rối loạn lipid máu
• Bảo vệ tế bào thần kinh, tăng cường khả năng học tập và ghi nhớ.
Điều trị các rối loạn thần kinh như suy giảm trí nhớ, trầm cảm, động kinh, đột quỵ, xơ cứng teo cơ bên, Alzheimer và bệnh Huntington
• Tăng cường năng lượng và khả năng tình dục
• Chống căng thẳng mệt mỏi
• Ngăn ngừa ung thư và ức chế tăng sinh tế bào

Công dụng theo y học cổ truyền

Theo các tài liệu xưa, Nhân sâm là vị thuốc có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào các kinh: tỳ, phế, tâm.

Khi nếm Nhân Sâm thì thấy “Tiền cam, hậu khổ, hậu cam, cam” (trước tiên có vị ngọt, sau đó thấy đắng rồi lại ngọt).

Tác dụng chính là giúp đại bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, sinh tân, bổ ngũ tạng, an thần kinh, chỉ kinh quý, trừ tà khí, minh mục, khai tâm tích trí.

Do đó thường được dùng để chữa các chứng bệnh:

• Cơ thể suy nhược, thiếu máu, kiệt sức,
• Biếng ăn, vị hư, nôn mửa
• Tỳ hư tiêu chảy
• Phế hư ho suyễn
• Ra mồ hôi trộm, mắc bệnh quá lâu khí hư tổn
• Hồi hộp hay quên
• Tiêu khát: đái tháo đường, mất nước
• Trẻ em kinh giật
• Phụ nữ chảy máu tử cung (băng lậu)

Cách sử dụng và ứng dụng của Nhân sâm

Nhân sâm là dược liệu đại bổ, hiệu quả cho nhiều chứng bệnh. Tùy vào mục đích mà có cách dùng khác nhau.

Cách sử dụng

Nhân sâm có thể dùng theo 2 cách:

Cách 1: Sâm thái mỏng, cho vào miệng ngậm và nhấm từng ít một, nuốt nước và cả bã.

Cách 2: Thái mỏng, cho vào ấm hay chén sứ. Thêm một tí nước đậy nắp. Đun cách thuỷ, uống nước.

Sau đó lại thêm nước và đun cách thuỷ tiếp tục uống. làm như vậy cho đến khi hết mùi vị mới thôi.

Ngoài ra có thể hãm, nấu, sắc, ninh hoặc hầm… Ngày dùng 2-6g.

Các bài thuốc có chứa Nhân sâm

• Nhân sâm bại độc tán

Thành phần: Khương hoạt 40g, sài hồ 40g, độc hoạt 40g, tiền hồ 40g, phục linh 40g, xuyên khung 40g, cát cánh 40g, chỉ thực 40g, nhân sâm 40g, cam thảo 20g.

Công dụng: Phát hãn giải biểu, khu phong trừ thấp.

Chữa cảm mạo kèm khí hư, cảm cúm ở người cơ thể suy nhược

• Thang độc sâm

Nhân sâm 4g đến 12g, chưng cách thuỷ, cho uống. Trị chứng hư thoát nguy kịch.

• Thang sâm phụ

Nhân sâm 3g – 6g, phụ tử 12g – 20g. Sắc uống. Trị các chứng như trên kèm mồ hôi ra lạnh toát, chân tay rã rời

• Nhân sâm dưỡng vinh thang

Nhân sâm 12g; Đương quy 12g; Bạch thược 12g; Thục địa hoàng 16g; Bạch Truật 12g; Phục linh 12g; Quế tâm 4g; Sinh Hoàng kỳ 12g; Trần bì 8g; Viễn chí 4g; Ngũ vị tử 4g; Đại táo 12g; Sinh khương 3 lát; Cam thảo 6g.

Công dụng: Bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần.

Dùng cho người cơ thể suy nhược, người mới ốm dậy, mắc bệnh mạn tính, thiếu máu, ăn ngủ kém.

Lưu ý khi dùng Nhân sâm

Độc tính của Nhân sâm

Nhân sâm tuy bổ nhưng nếu dùng không đúng cách thì sẽ trở thành chất độc đối với cơ thể.

Việc lạm dụng có thể gây cơn hưng cảm, chảy máu tử cung, hội chứng đoạn QT kéo dài, rung nhĩ với nhịp tim chậm, tăng huyết áp đột ngột hoặc viêm gan thùy cấp tính.

Tương tác giữa nhân sâm và các loại thuốc khác có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, đặc biệt là với thuốc chống đông máu wafarin.

Nhân sâm có độc tính mạnh khi dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ và cần thận trọng trong suốt giai đoạn mang thai.

Những lưu ý khi dùng Nhân sâm

Người có bệnh có thực tà, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thì không dùng.

Không dùng chung nhân sâm với lê lô, tạo giác, đậu đen.

Không dùng dụng cụ bằng sắt dể chế biến nhân sâm.

Dược sĩ Thu Hà