Tìm hiểu về thục địa – Vị thuốc bổ thận âm nổi tiếng trong Đông y

Thục địa được chế biến từ sinh địa, là vị thuốc nổi tiếng với tác dụng bổ huyết, bổ thận âm được sử dụng để điều trị các chứng thiếu máu, đau mỏi lưng gối, di tinh, mộng tinh.

 

 

Thục địa là vị thuốc nổi tiếng trong Đông y

Tên khoa học

Thục địa: Radix Rehmaniae glutinosae praeparata

Cây sinh địa hoàng: Rehmaniae glutinosae Gaertn. Họ hoa mõm sói Scrophulariaceae.

Mô tả cây

  • Sinh địa hoàng là một cây thân thảo, cao từ 10-30cm.
  • Toàn cây có lông màu trắng.
  • Củ thân rễ có đường kính từ 0,4–2,3cm.
  • Lá mọc vòng ở gốc, phiến lá hình trứng, dài 3-15cm, rộng khoảng 1,5-6cm, phía cuống hẹp dần, mép lá răng cưa không đều. Lá có nhiều gân nổi ở mặt dưới, chia thành nhiều múi nhỏ.
  • Hoa sinh địa màu tím đỏ, mọc thành chùm ở đầu cành. Tràng hoa hơi cong, dài 3-4cm. Mặt ngoài tím sẫm, mặt trong hơi vàng có đốm tím. Hoa có 4 nhị, 2 nhị lớn, 2 nhị nhỏ.

Phân bố

Sinh địa là cây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau năm 1958 đã được di thực về Việt Nam, được trồng ở nhiều nơi và phân bố rộng khắp cả nước.

Sinh địa có khả năng phát triển mạnh mẽ tại các vùng đồng bằng và trung du, đặc biệt là những vùng có đất tơi xốp, đất phù sa. Có thể trồng 2 vụ mỗi năm, 1 vụ bắt đầu trồng vào tháng 1, 2 và thu hoạch vào tháng 7, 8. Vụ còn lại bắt đầu trồng từ tháng 7, 8 và thu hoạch vào tháng 2, 3 năm sau. Ở khu vực núi cao có nhiệt độ thấp, cây phát triển 1 vụ vào mùa hạ và mùa thu.

Bộ phận dùng

Bộ phận được dùng làm thuốc là rễ củ sinh địa.

Chế biến thục địa

Sau khi hái về, ủ rễ củ trong cát ẩm được sinh địa tươi hay gọi là địa hoàng tươi. Rễ củ có màu vàng đỏ như củ khoai nghệ.

Củ sinh địa tươi rửa sạch sau đó đem sấy hoặc phơi khô sẽ thu được sinh địa hay gọi là sinh địa khô.

Sinh địa chế biến theo phương pháp đặc biệt sẽ thu được thục địa.

Thục địa là dược liệu được chế biến từ sinh địa
Thục địa là dược liệu được chế biến từ sinh địa

Chế biến thục địa bằng phương pháp cửu chưng cửu sái:

  • Chọn các củ sinh địa to, ngâm nước, cạo sạch đất.
  • Lấy các củ sinh địa nhỏ, dập nát, vụn nấu lấy nước. Sau đó lấy nước tẩm đều các củ sinh địa to đã chọn, rồi đồ lên.
  • Sau khi đồ xong mang ra phơi khô.
  • Tiếp tục tẩm ướt lại và mang đi đồ.

Đồ liên tiếp 9 lần tẩm, 9 lần đồ đến khi màu thục địa đen nhánh là được.

Dùng đồ sành, không dùng đồ đồng vì nếu dùng đồ đồng sau khi thu được thục địa mang cho nam giới dùng sẽ bị bại thận, tóc bạc còn nữ dùng sẽ tổn huyết.

Chế biến thục địa theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam

Cho 80kg sinh địa vào thùng, củ to bên dưới, củ nhỏ bên trên. Cho thêm nước và 10 lít rượu trắng 40 độ đun 6-8 giờ. Cứ 1 giờ múc nước đun rưới đều 1 lần.

Vớt ra phơi khô trong 3 ngày. Sau đó, lấy 2 kg gừng giã nát, chắt lấy nước cho sinh địa vào, tiếp tục đun 6-8 tiếng. Rồi lại vớt ra phơi. Làm liên tục 5-7 lần đến khi thục địa màu đen nhánh.

Tác dụng dược lý của thục địa theo Y học hiện đại

Nghiên cứu khoa học cho thấy thục địa có những tác dụng sau đây:

  • Tác dụng hạ đường huyết
  • Tiêm tĩnh mạch sinh địa hoặc thục địa vào chó đã gây mê bằng cloral hydrat thấy có tác dụng lợi tiểu
  • Cồn chiết xuất từ thục địa có tác dụng cầm máu
  • Sinh địa và thục địa có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của một số vi trùng

Công năng chủ trị thục địa theo Y học cổ truyền

Thục địa có vị ngọt, tính hơi ôn, quy vào 3 kinh tâm, can và thận.

Theo Y học cổ truyền, thục địa có tác dụng tư âm dưỡng huyết dùng trong các trường hợp thiếu máu, chóng mặt, đau đầu, mắt khô, môi khô nứt nẻ, tóc bạc sớm, lưng đau, mỏi gối phối hợp với các vị thuốc hà thủ ô, đương quy, câu kỷ tử.

Thục địa giúp sinh tân chỉ khát dùng trong bệnh tân dịch hao tổn, cơ thể háo khát. Thường được phối hợp với hoài sơn, tri mẫu, hoàng liên, ngũ vị tử.

Thục địa giúp nuôi dưỡng và bổ thận âm, dùng trong các trường hợp thận âm kém dẫn đến ù tai, di mộng tinh, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, huyết hư gây đau đầu; dùng phối hợp cúc hoa, mạn kinh, đương quy.

Liều thường dùng: 12-20g

Thục địa có tác dụng bổ thận âm
Thục địa có tác dụng bổ thận âm

Kiêng kỵ khi dùng thục địa

Dùng thục địa lâu ngày dễ ảnh hưởng đến tiêu hóa. Do đó khi sử dụng nên phối hợp thuốc hành khí như trần bì, hương phụ để tránh hiện tượng đầy bụng. Người tỳ vị hư hàn không nên dùng thục địa.

Những bài thuốc có dùng thục địa

Từ xa xưa, các thầy thuốc đã sử dụng vị thuốc thục địa trong các bài thuốc chữa tiểu đường, thiếu máu, suy nhược cơ thể, chảy máu, yếu tim, bổ thận tráng dương…

Bài thuốc chữa đái tháo đường (tiểu đường)

Dùng Thục địa 12g, Thái tử sâm 16g, Sơn dược 20g, Ngũ vị tử 8g.

Cho tất cả vào ấm sắc thuốc cùng 600ml nước. Đun nhỏ lửa còn 300ml. Chia 3 lần uống hết trong ngày.

Thục địa được ứng dụng trong bài thuốc điều trị tiểu đường
Thục địa được ứng dụng trong bài thuốc điều trị tiểu đường

Bài thuốc lục vị địa hoàng hoàn

Đây là bài thuốc chữa đau đầu, chóng mặt, cổ khô đau, miệng lưỡi lở loét, tai ù, răng lung lay, đau lưng mỏi gối, di tinh, mộng tinh, mồ hôi trộm, phụ nữ kinh nguyệt không đều, trẻ em gầy yếu.

Nguyên liệu: Thục địa 320g; Sơn thù, Sơn dược hay Hoài sơn, mỗi vị 160g; Mẫu đơn bì, Bạch phục linh, Trạch tả mỗi vị 120g.

Thục địa giã thật nhuyễn, 5 vị thuốc còn lại sấy khô tán nhỏ. Trộn đều, thêm mật ong rây thành viên bằng hạt ngô.
Sử dụng 20-30 viên (8-12g) mỗi ngày trước bữa ăn 15 phút, dùng hàng ngày đến khi hết bệnh.

Thục địa là vị thuốc quý có nhiều tác dụng chữa bệnh. Dược liệu này cũng có mặt phổ biến trong nhiều sản phẩm thuốc Đông y. Cần lưu ý, thục địa cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách. Do vậy, việc sử dụng nên tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn để đảm bảo an toàn.

DS. Thanh Loan

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y