dược liệu phòng phong

11 bài thuốc ứng dụng điều trị từ dược liệu phòng phong

Dược liệu phòng phong là rễ của cây phòng phong, một loại cây sống lâu năm nổi tiếng với tác dụng trị cảm mạo phong hàn và đau nhức xương khớp. Cùng tìm hiểu về dược liệu này và các phương pháp ứng dụng hiệu quả.

 

Phòng phong là vị thuốc quen thuộc trong Đông y

1. Tên khoa học

Dược liệu phòng phong là rễ phơi khô của cây phòng phong có tên khoa học là Ledebouriella seseloides Wolff hoặc xuyên phòng phong Lygusticum bachylobum Franch hoặc thiên phòng phong Ledebourienla seleloides Wolff.
Họ: Hoa Tán – Apiaceae.

Một số tên gọi khác của cây phòng phong: sơn hoa trà, hồi thảo, bỉnh phong.

dược liệu phòng phong
Cây phòng phong có hoa trắng mọc thành chùm

2. Đặc điểm cây phòng phong

Phòng phong là loại cây sống lâu năm cao khoảng 1m, lá hình xẻ lông chim, hoa màu trắng mọc thành chùm, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện dược liệu này chủ yếu được nhập khẩu để sử dụng.

Xuyên phòng phong có chiều cao khoảng đến 1m. Lá bắt đầu mọc cách mặt đất khoảng 10 – 15cm. Lá kép hình xẻ lông chim. Hoa mọc thành cụm màu trắng. Quả kép dạng trứng dẹp, không có lông bao phủ.

Thiên phòng phong có chiều cao trung bình khoảng 0.3 – 0.8m. Cuống lá dài, ở phía dưới phát triển thành bẹ và ôm vào thân. Lá kép 2 – 3 lần, hình xẻ lông chim gần giống lá ngải cứu.

dược liệu phòng phong
Thiên phòng phong có lá gần giống lá ngải cứu

3. Thu hái và chế biến dược liệu phòng phong

Rễ phòng phong được sử dụng làm dược liệu, thường được thu hái vào mùa xuân và mùa thu.

Lựa chọn các rễ to khỏe, mịn, da mỏng, đầu rễ không có lông, cắt rễ thấy có màu nâu, ở giữa có màu vàng nhạt để thu hái.

Chế biến: lấy rễ rửa sạch, để ráo, cắt bỏ đầu và đuôi, loại bỏ lông trên đầu cuống, đem thái nhỏ và phơi khô hoặc sao lên dùng. Tránh ẩm mốc trong quá trình bảo quản.

4. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Theo các nghiên cứu về thành phần hóa học, phòng phong chứa nhiều hoạt chất gồm: Phenola Glucosid, tinh dầu, acid hữu cơ, đường, Manit, Phenol, Xanthotoxin, Manitol, Anomalin, Marmesin, Scopolatin, Falcarindiol, 8E-Heptadeca-1, 6-Diyn-3, Panaxynol Falcarinol, 10-diol , 8-Dien-4, Saposhnikovan,…

Các nghiên cứu dược lý đã chứng minh phòng phong có một số tác dụng sau:

  • Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc phòng phong có khả năng ức chế một số virus cúm và một số vi khuẩn gây bệnh như Staphylococus aureus, Pseudomomas aeruginosa và Shigella spp.
  • Tác dụng giảm đau trên chuột nhờ khả năng làm nâng cao ngưỡng chịu đau.
  • Nước sắc và dịch chiết cồn phòng phong có tác dụng hạ nhiệt cho thỏ gây sốt thực nghiệm. Nước sắc có tác dụng mạnh hơn dịch chiết cồn.

5. Tính vị, quy kinh

Theo nhiều tài liệu, phòng phong có vị cay, ngọt, tính ấm, không độc.

Quy kinh can, tỳ, phế, bàng quang, tam tiêu.

6. Công năng, chủ trị theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, phòng phong có công năng:

  • Giải cảm hàn, dùng với bệnh cảm mạo phong hàn xuất hiện chứng sốt rét, đau đầu, ho.
  • Trừ phong thấp, giảm đau, dùng trong các bệnh đau nhức xương khớp, đau mình mẩy, buốt cơ, đau nửa đầu.
  • Giải kinh dùng trị bệnh co quắp, uốn ván.
  • Giải độc: có thể dùng phòng phong giải độc thạch tín.
dược liệu phòng phong
Phòng phong được ứng dụng để giải độc thạch tín

7. Cách dùng, liều dùng

Liều dùng mỗi ngày dao động từ 4 – 12g.

8. Một số bài thuốc từ phòng phong

  • Bài thuốc trị cảm mạo phong hàn: phòng phong 12g, hạnh nhân 12g, hành 12g, sinh khương 12g sắc uống.
  • Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, đau cơ, đau nửa đầu: phòng phong 12g, bạch chỉ 8g sắc.
  • Bài thuốc trị chứng hàn thấp và phong thấp gây đau nhức và tê mỏi xương khớp: kê huyết đằng, hải phong đằng, quế chi, phòng phong và tần giao mỗi thứ 12g. Đem các vị sắc uống.
  • Bài thuốc trị thương hàn, phát ban, mụn nhọt: cam thảo, liên kiều, chi tử và phòng phong, mỗi vị lượng bằng nhau đem đi tán bột. Ngày uống từ 8 – 12g.
  • Bài thuốc trị ngộ độc: ô đầu, nguyên hoa, phụ tử, phòng phong lượng bằng nhau. Nấu kỹ lấy nước cốt uống để giải độc.
  • Bài thuốc trị khí hư ra màu xanh: dùng bạch phục linh 20g, cam thảo sống 20g, nhân trần 12g, sài hồ 4g, bạch thược 20g, chi tử 12g, phòng phong 12g và trần bì 4g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị mồ hôi trộm: dùng xuyên khung 40g, phòng phong 80g, nhân sâm 20g đem tán bột. Dùng 12g với nước sôi trước khi đi ngủ.
  • Bài thuốc trị đau nửa đầu: dùng phòng phong, bạch chỉ lượng bằng nhau đem tán bột. Trộn với mật làm thành viên bằng viên đạn. Mỗi lần dùng 1 viên với nước trà xanh.
dược liệu phòng phong
Phòng phong được ứng dụng chữa bệnh đau nửa đầu
  • Bài thuốc chữa đau nhức do phong thấp: gạo trẻ 60g, hành sống 2 củ và phòng phong 12 – 16g. Sắc phòng phong lấy nước. Đem gạo vo sạch và nấu với nước sắc thành cháo, khi cháo chín, đập dập hành và cho vào trộn đều.
  • Bài thuốc chữa viêm đa khớp dạng thấp: dùng phòng phong, gừng tươi và quế chi mỗi thứ 12g, ý dĩ nhân 30g và gạo tẻ 80g. Đem ý dĩ và gạo tẻ nấu thành cháo. Quế chi, gừng và phòng phong đem sắc. Khi cháo chín, cho nước sắc vào, trộn đều và đun sôi. Chia cháo thành 2 lần dùng (sáng – chiều).
  • Bài thuốc trị cảm sợ lạnh, đầu đau và sợ gió: dùng phòng phong 12g, kinh giới 10g, gạo tẻ 80g, bạc hà 6g và đạm đậu xị 8g. Đem dược liệu sắc lấy nước, dùng nước nấu gạo tẻ thành cháo. Khi chín thêm đường trắng vào, khuấy đều đun sôi ăn cho đến khi khỏi.

9. Những kiêng kỵ khi dùng phòng phong

Người âm hư hỏa vượng không có phong tà không dùng.

Phòng phong tương sát với thạch tín.

Không dùng phòng phong cho trẻ nhỏ sau khi bị tiêu chảy mà co giật, tỳ hư và phụ nữ sau khi sinh.

Phòng phong là vị dược liệu được dùng khá phổ biến trong y học cổ truyền và được xem là không độc. Tuy nhiên dược liệu có tính hơi ấm (hơi ôn) nên không nên tự sử dụng lâu dài. Việc kết hợp các vị dược liệu trong bài thuốc nên được áp dụng theo ý kiến của thầy thuốc để đảm bảo hiệu quả và tính an toàn khi sử dụng.

Ds. Thanh Loan

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y