Khám phá 7 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu mạn kinh tử

Mạn kinh tử là vị dược liệu được sử dụng phổ biến nhờ tác dụng trị đau đầu, giảm sốt. Ngoài ra, đây còn là vị thuốc giúp điều hòa huyết áp, đau mắt đỏ, sưng đau khớp…

  1. Tên khoa học

Mạn kinh tử là quả được thu hái từ cây mạn kinh tử.

Tên gọi khác: cây vạn kim tử, quan âm, từ bi biển, đẹn ba lá, thuốc kinh, thuốc ôn, mạn kinh thực…

Tên khoa học: Vitex negundo L.

Họ cỏ roi ngựa: Verbenaceae.

  1. Đặc điểm cây kinh tử

Mạn kinh tử mọc hoang ở nhiều nơi trên nước ta, phổ biến nhất là ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Cây mạn tử có một số đặc điểm nổi bật:

– Là cây thân gỗ nhỏ, cao từ 1 – 3m.

– Thân cây phân thành nhiều nhánh nhỏ, thường có mùi thơm.

– Lá kép 3 lá chét hoặc lá đơn, mặt trên nhẵn, mặt dưới nhiều lông màu trắng.

– Hoa mọc thành cụm, màu tím nhạt.

– Quả có 4 ngăn, mỗi ngăn 1 hạt.

– Hạt nhẵn, đen bóng.

  1. Thu hái và chế biến dược liệu

Theo y học cổ truyền, quả và lá mạn kinh tử đều tốt cho sức khỏe nhưng phần quả được ứng dụng phổ biến hơn.

Quả thường được thu hoạch vào tầm tháng 9 – 11 hàng năm. Sau khi thu hái về cần loại bỏ tạp chất bẩn rồi phơi hoặc sấy đến khi khô hoàn toàn. Bảo quản trong lọ hoặc túi kín tránh ẩm mốc để sử dụng dần.

Cây mạn kinh tử là cây thân gỗ cao khoảng 1 – 3m

  1. Tác dụng dược lý

Quả mạn kinh tử chứa phần lớn là tinh dầu, vitexin, tecphenilaxetat, ancaloit, vitamin A, camphen, pinen. Lá dược liệu chứa thêm một số hoạt chất khác như L-pinen, Teroinyl acetal, Flavonoid, Aucubin agnusid, Casticin, Orientin iso-orientin, Lntcolin 7 – glucosisd.

Một số nghiên cứu dược lý hiện đại chứng minh mạn kinh tử có một số tác dụng chữa bệnh:

– Cảm sốt

– Giảm đau đầu

– Giảm đau mắt

– Hạ huyết áp

– Giảm ho

  1. Tính vị, quy kinh theo y học cổ truyền

Mạn kinh tử có vị cay, đắng, tính hàn. Quy kinh can, vị và bàng quang.

  1. Công năng, chủ trị theo y học cổ truyền

Mạn kinh tử được dùng trong Đông y trị các chứng:

– Cảm mạo, viêm họng

– Nhức đầu, đau nửa đầu

– Đau mắt đỏ, mờ mắt, chảy nước mắt

– Đau răng lợi

– Giảm đau, sưng vú

– Trị tóc bạc sớm

– Các chứng phong thấp biểu hiện như đau khớp, chuột rút…

Liều thường dùng là 6 – 12 gram/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc 2 – 3 gram/ngày khi sử dụng bột dược liệu hoặc ngâm rượu.

Mạn kinh tử có tính hàn, có tác dụng hạ sốt

  1. Những bài thuốc từ mạn kinh tử có hiệu quả cao

Mạn kinh tử thường được phối hợp cùng nhiều vị thuốc khác tạo thành các bài thuốc để chữa bệnh hiệu quả.

Bài thuốc chữa cảm mạo

Thành phần: mạn kinh tử 12g, cúc hoa 12 g, phòng phong 12g, toàn phúc hoa 12g, xuyên khung 6g, khương hoạt 6g, 20g thạch cao, chỉ xác 8g, cảm thảo 4g.

Cách dùng: Rửa sạch với nước muối. Thêm 1 lít nước sắc với lửa nhỏ khoảng 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước còn lại 1 nửa. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Dùng mỗi ngày 1 thang đến khi hết bệnh.

Bài thuốc chữa cảm, sốt, đau đầu kèm mắt đỏ

Thành phần: mạn kinh tử 15g, cúc hoa 12g, bạc hà 12g, chi tử 12g, xuyên khung 4g, 10g kinh giới. Đem tất cả rửa sạch với nước muối. Cho tất cả dược liệu đun với 800ml trong ấm bịt kín khoảng 10 phút. Dùng nước thuốc để xông đầu, mắt đến khi ra nhiều mồ hôi.

Bài thuốc chữa đau đầu, cao huyết áp

Thành phần: mạn kinh tử 12g, cúc hoa 12g, bạc hà 8g, bạch chỉ 8 g, câu đằng 12 – 16g.

Lấy tất cả dược liệu trừ bạc hà cho vào 600ml đem sắc kỹ còn 300ml. Sau đó thêm bạc hà đun lửa nhỏ trong 5 phút, sau đó lấy phần nước sắc uống trong ngày. Mỗi ngày 1 thang giúp giảm đau đầu và hạ huyết áp.

Bài thuốc chữa bệnh đau nửa đầu

Thành phần: mạn kinh tử 10g, cam cúc hoa 8g, xuyên khung 4g, cam thảo 4g, tế tân 3g và bạch chỉ 3g. Sắc với 600ml đến khi còn 200ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc chữa đau mắt đỏ

Bài thuốc 1: mạn kinh tử 16gr, cúc hoa, chi tử, hoàng cầm, mộc tặc mỗi vị 12g, 4g thiền thoái. Rửa sạch với nước muối, sắc kỹ với 600ml trong 20 phút lấy nước uống.

Bài thuốc 2: mạn kinh tử, cúc hoa, thảo quyết minh, đương quy mỗi vị 12g, 8g đào nhân. Sắc với 600ml đến khi còn 200ml lấy nước uống.

Mạn kinh tử được ứng dụng điều trị đau mắt đỏ

Bài thuốc điều trị sưng đau vú

Sử dụng 100g dược liệu mạn kinh tử, rửa sạch, ngâm với nước muối loãng. Vớt ra phơi trong bóng râm đến khi khô hoàn toàn. Cho dược liệu khô vào chảo sao vàng, tán bột mịn và bảo quản trong lọ kín để dùng dần.

Mỗi ngày dùng 4g bột pha với 60ml rượu trắng, gạn lấy nước trong uống, phần cặn dùng để đắp lên vùng sưng đau. Sử dụng mỗi ngày 1 lần đến khi hết triệu chứng.

Bài thuốc chữa tóc bạc sớm, tóc yếu dễ gãy

Dùng 10g mạn kinh tử rửa với nước muối, phơi khô, tán thành bột. Trộn đều bột dược liệu với mật gấu bôi lên tóc 1-2 lần/ngày trong 10 ngày.

  1. Kiêng kỵ và chú ý khi dùng mạn kinh tử

Mạn kinh tử được xem là vị dược liệu lành tính, tuy nhiên vẫn cần lưu ý với một số đối tượng sau:

  • Người huyết hư không nên dùng
  • Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú khi sử dụng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc

Mạn kinh tử được xem là một loại dược liệu lành tính, không độc, nhưng để có thể ứng dụng hiệu quả và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng, đặc biệt khi dùng lâu dài và phối hợp với các vị thuốc khác trong bài thuốc.

DS Thanh Loan

 

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y