Phân biệt chính xác cảm lạnh, cảm cúm và Covid để điều trị đúng

Cảm lạnh, cảm cúm và Covid là các bệnh lý hay bị nhầm lẫn do có nhiều triệu chứng tương đồng. Phân biệt chính xác các bệnh lý này để xử trí đúng cách, tránh để biến chứng nguy hiểm.

cảm lạnh, cảm cúm và Covid
Cảm lạnh, cảm cúm và Covid có nhiều triệu chứng giống nhau

Phân biệt nguyên nhân gây cảm cúm, cảm lạnh và Covid

Cảm cúm, cảm lạnh và Covid đều là các bệnh truyền nhiễm do virus tấn công hệ hô hấp nhưng do những chủng virus khác nhau.

Các bệnh lý đều lây qua đường hô hấp, qua không khí, giọt bắn hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân sau các phản ứng ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể bằng đường mũi họng. Mức độ lây lan mạnh hơn khi tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ và trong điều kiện môi trường ẩm thấp.

Nguyên nhân gây cảm cúm

Virus cúm – Influenza virus là nguyên nhân gây ra cảm cúm. Influenza virus thuộc nhóm Orthomyxoviridae có 3 type: A, B và C. Các virus này liên tục biến thể với các chủng mới xuất hiện thường xuyên.

  • Virus cúm A: Có nguồn gốc tự nhiên ở các loài thủy cầm, có khả năng gây dịch và đại dịch ở người
  • Virus cúm B: chỉ có ở người, có khả năng gây dịch nhưng không gây đại dịch
  • Virus cúm C: chỉ có ở người, bệnh nhẹ, không gây dịch

Bệnh cảm cúm thường xuất hiện theo mùa, tại Việt Nam mùa cúm rơi vào mùa xuân và mùa đông, đỉnh của dịch cúm vào khoảng tháng 3-4 và tháng 9-10 hằng năm.

cảm lạnh, cảm cúm và Covid
Nguyên nhân gây cảm cúm là virus cúm Influenza

Nguyên nhân gây cảm lạnh

Cảm lạnh gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó phổ biến nhất là Rhinovirus, nhóm virus này lại có tới hơn 100 chủng khác nhau. Ngoài ra, một số loại virus khác cũng gây cảm lạnh phổ biến như: Enterovirus, Coronavirus…

Nguyên nhân gây bệnh Covid

Bệnh Covid được xác định là do virus corona chủng mới, còn gọi là SARS-CoV-2 gây ra. SARS-CoV-2 liên tục đột biến tạo ra các biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh chóng.

Phân biệt cảm cúm, cảm lạnh và Covid-19 qua triệu chứng

Cảm cúm, cảm lạnh và Covid đều khởi phát với những triệu chứng dễ nhầm lẫn với nhau như sổ mũi, hắt hơi và đau họng.

Các triệu chứng của cảm lạnh thường phát triển chậm hơn cảm cúm và xuất hiện với mức độ nhẹ, trong khi triệu chứng cảm cúm có xu hướng xuất hiện đột ngột, rầm rộ và mức độ triệu chứng nặng hơn.

Các triệu chứng cảm lạnh phổ biến:

  • Sổ mũi, hắt hơi
  • Nghẹt mũi
  • Hơi đau họng
  • Ho
  • Sốt nhẹ

Các triệu chứng cảm cúm phổ biến:

  • Ho nhiều, ho nặng
  • Sốt, thậm chí sốt cao
  • Đau rát họng nhiều
  • Ớn lạnh, vã mồ hôi
  • Đau nhức cơ và toàn thân
  • Mệt mỏi có thể kéo dài đến 2 tuần

Các triệu chứng bệnh Covid-19 phổ biến nhất:

  • Sốt
  • Ho
  • Mệt mỏi
  • Đau họng

Một số triệu chứng ít phổ biến hơn gồm: Mất vị giác, khứu giác; đau đầu; đau nhức cơ thể; tiêu chảy, mắt đỏ hoặc ngứa…

cảm lạnh, cảm cúm và Covid
Các triệu chứng phân biệt cảm lạnh, cảm cúm và Covid-19

Điều trị cảm cúm, cảm lạnh và Covid khác nhau như thế nào?

Nhìn chung, phần lớn các bệnh nhân cảm lạnh, cảm cúm và Covid đều chỉ cần điều trị triệu chứng trong vài ngày bằng các thuốc phổ biến như thuốc giảm đau, hạ sốt, điều trị ho, long đờm, các thuốc chống nghẹt mũi như oxymetazoline, xylometazoline dùng nhỏ mũi giúp giảm tình trạng nghẹt mũi…

Các thuốc kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị cảm cúm, cảm lạnh và Covid vì nguyên nhân gây cảm cúm và cảm lạnh là do virus. Các thuốc này chỉ được sử dụng trong các trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

cảm lạnh, cảm cúm và Covid
Kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus cúm

Thuốc kháng virus cúm như Oseltamivir, Zanamivir được sử dụng để điều trị cảm cúm có tác dụng ngăn ngừa sự nhân lên của virus nên thường được dùng trong vòng 2 ngày đầu của bệnh. Thuốc cũng có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng như nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm phổi. Do vậy, với các đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng nên được điều trị sớm với kháng virus để hạn chế nguy cơ phải nằm viện. Đối với người lớn tuổi phải nhập viện điều trị cúm, một số nghiên cứu đã ghi nhận rằng việc điều trị thuốc kháng virus sớm có thể giúp làm giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân.

Với bệnh Covid-19, hầu hết mọi người chỉ cần điều trị tại nhà với các thuốc như hạ sốt, thuốc ho, long đờm, tăng cường miễn dịch, đồng thời cần theo dõi nhịp thở, chỉ số SpO2 để nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu (nếu cần).

Trong trường hợp nặng, có thể bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc kháng virus như Molnupiravir, Favipiravir; thuốc chống viêm Corticosteroid; thuốc chống đông máu… Tuy nhiên, các thuốc này cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng có thể gây nguy hại cho sức khỏe.

Biện pháp phòng ngừa cảm cúm, cảm lạnh và Covid-19

  • Rửa tay đúng cách và thường xuyên, nhất là khi chạm tay vào bề mặt công cộng
  • Che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho, ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khu vực bên trong khuỷu tay, không dùng lòng bàn tay để che. Bỏ khăn giấy vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay sau mỗi lần ho, hắt hơi.
  • Hạn chế tiếp xúc với người khác khi mắc bệnh để tránh lây lan.
  • Tránh tụ tập đám đông trong những môi trường có nguy cơ dịch bệnh.
  • Tránh để tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
  • Xử lý dụng cụ, đồ dùng của người bệnh cúm đúng quy cách. Nên vệ sinh tay sau khi xử lý đồ giặt bẩn.
  • Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm có hiệu lực bảo vệ khoảng 70%
  • Tiêm phòng vắc xin Covid-19 ngay khi đến lượt và nên tiêm các mũi bổ sung khi đến lịch

Với vắc xin cúm, theo khuyến cáo của CDC, tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng cúm vào mỗi mùa cúm. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm cần tiêm 2 mũi vắc xin cách nhau tối thiểu 1 tháng sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm. Trẻ trên 9 tuổi và người lớn tiêm 1 mũi vắc xin cúm hàng năm. Vắc xin phòng bệnh cúm giúp sinh kháng thể phòng bệnh sau khoảng 2 tuần kể từ thời điểm tiêm.

Các chủng virus cúm luôn biến đổi, vì vậy mỗi năm thường có 1 loại vắc xin cúm mới được sản xuất để chống lại các chủng được dự đoán là có khả năng gây bệnh trong mùa cúm sắp tới. Tuy nhiên, ngay cả khi loại vắc xin không hoàn toàn khớp với biến chủng, nó vẫn có khả năng bảo vệ hữu ích với cơ thể.

Với vắc xin phòng bệnh Covid-19, theo các chuyên gia, cần phải tiêm nhắc vắc xin vì kháng thể bảo vệ có được sau khi tiêm đủ liều một loại vắc xin có khả năng giảm dần theo thời gian. Mũi nhắc lại của vắc xin sẽ giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã giảm theo thời gian sau khi tiêm liều cơ bản.

Bởi vậy, tất cả mọi người, dù đã mắc Covid hay chưa, vẫn nên tiêm nhắc vắc xin theo khuyến cáo mà Bộ Y tế đưa ra.

Chủ động thực hiện vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ mũi họng, luôn đeo khẩu trang nơi công cộng, tiêm vắc xin phòng bệnh… là cách phòng ngừa bệnh cảm cúm, cảm lạnh và Covid-19 mà mỗi người có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và cả cộng đồng.

DS. Thanh Loan