Lupus là một bệnh tự miễn có thể gây viêm và đau ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể người bệnh. Tìm hiểu các loại bệnh lupus và ảnh hưởng của bệnh lupus tới các cơ quan trong cơ thể
Lupus là gì?
Lupus là một bệnh tự miễn. Khi nhắc tới bệnh lupus thường chúng ta sẽ nghĩ ngay tới phân loại thường gặp nhất chính là bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Hệ miễn dịch chính là cơ quan giúp bảo vệ cơ thể con người chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, khi bị lupus, hệ miễn dịch sẽ tấn công các mô của chính cơ thể. Hệ quả dẫn tới tổn thương các mô và gây bệnh.
Nhiều người mắc bệnh lupus ở thể nhẹ nhưng cũng sẽ có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị phù hợp và kịp thời. Hiện nay, các bác sĩ chưa tìm được cách để chữa trị bệnh lupus vì thế mà hướng trị bệnh chỉ là tập trung làm dịu các triệu chứng và giảm viêm.
Phân biệt các loại bệnh lupus
Các chuyên gia phân loại thành 4 loại lupus.
Lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống là loại bệnh lupus phổ biến nhất. Nếu bạn nghe được ai đó bị lupus thì thường là ở phân loại này.
Lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng tới một số hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể chúng ta, bao gồm:
- Thận
- Da
- Khớp
- Tim
- Hệ thần kinh
- Phổi
Lupus ban đỏ hệ thống có mức độ từ nhẹ tới nặng. Tình trạng này gây ra các triệu chứng tăng nặng theo thời gian và có thể cải thiện về sau. Theo Tổ chức Lupus của Mỹ thì thời điểm triệu chứng lupus ban đỏ tệ hơn gọi là bùng phát. Thời gian mà các triệu chứng cải thiện hoặc biến mất gọi là thuyên giảm.
Lupus ngoài da
Loại lupus này thường giới hạn chỉ trên bề mặt da, gây ra phát ban và tổn thương vĩnh viễn trên da như mô sẹo.
Có một số loại lupus ngoài da khác nhau bao gồm:
- Lupus da cấp tính: gây phát ban cánh bướm đặc trưng. Khi vết phát ban đỏ xuất hiện trên má và mũi.
- Lupus da bán cấp: loại lupus da gây ra phát ban đỏ, nổi lên và có vảy hình thành trên cơ thể. Tình trạng này sẽ xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và thường không để lại sẹo.
- Lupus da mạn tính: loại lupus gây phát ban tím hoặc đỏ. Tình trạng bệnh này cũng có thể gây đổi màu da, sẹo và rụng tóc. Bạn cũng có thể thấy tình trạng này được gọi là bệnh lupus dạng đĩa.
Trong khi bệnh lupus da cấp tính thường liên quan tới bệnh lupus ở các bộ phận khác của cơ thể, còn bệnh lupus da bán cấp và mãn tính thường chỉ xảy ra trên da.
Lupus sơ sinh
Tình trạng này rất hiếm gặp và thường ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh có cha mẹ sinh ra sẵn có một số kháng thể tự miễn. Các kháng thể tự miễn dịch đã truyền từ cha mẹ sang thai nhi qua nhau thai.
Triệu chứng của lupus sơ sinh gồm:
- Phát ban da
- Số lượng tế bào máu thấp
- Gặp vấn đề về gan sau khi sinh
Dù một số trẻ sơ sinh mắc bệnh có thể gặp vấn đề về phát triển tim nhưng hầu hết các triệu chứng lupus sơ sinh sẽ biến mất sau vài tháng.
Tuy nhiên, đối với thai phụ có kháng thể tự miễn trong cơ thể cần theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ.
Lupus do thuốc
Một số loại thuốc theo toa có thể gây tác dụng phụ là bệnh lupus do thuốc. Bệnh thường xảy ra sau khi sử dụng kéo dài một số loại thuốc kê đơn. Thường bệnh chỉ xảy ra sau vài tháng dùng thuốc.
Một số loại thuốc có thể dẫn tới tình trạng này bao gồm:
- Thuốc chống vi trùng, như terbinafine (thuốc chống nấm) và pyrazinamide (thuốc trị bệnh lao)
- Thuốc chống co giật, như phenytoin và valproate
- Thuốc rối loạn nhịp tim, như quinidine và procainamide
- Thuốc trị cao huyết áp, như hydralazine
Triệu chứng bệnh lupus
Không có hai trường hợp bệnh lupus nào hoàn toàn giống nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển từ từ, có thể nhẹ hoặc nặng và có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lupus mà bạn gặp phải sẽ phụ thuộc vào hệ thống cơ thể nào bị ảnh hưởng bởi bệnh này. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất gồm:
- Mệt mỏi
- Sốt cao
- Đau khớp, cứng và sưng
- Phát ban hình bướm bao phủ má và sống mũi hoặc phát ban ở nơi khác trên cơ thể
- Tổn thương da xuất hiện hoặc trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Ngón tay và ngón chân chuyển sang màu trắng hoặc xanh khi tiếp xúc với không khí lạnh hoặc trong giai đoạn căng thẳng
- Hụt hơi
- Đau ngực
- Khô mắt
- Nhức đầu, nhầm lẫn hoặc mất trí nhớ
Phương pháp điều trị bệnh lupus
Điều trị lupus sẽ phụ thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng bệnh. Điều quan trọng là xác định được bạn có nên được điều trị hay không và nên sử dụng loại thuốc nào thì cần phải xem xét kĩ về những lợi ích và rủi ro nếu dùng kéo dài.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bạn bùng phát và giảm dần, khi đó bác sĩ có thể sẽ cần thay đổi thuốc hoặc liều lượng sử dụng cho phù hợp.
Một số loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát bệnh lupus bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): như naproxen natri (Aleve) và ibuprofen (Advil, Motrin IB…) có thể được sử dụng để điều trị đau, sưng và sốt liên quan tới bệnh lupus. Tác dụng phụ của loại thuốc này là có thể gây chảy máu dạ dày, vấn đề về thận và tăng nguy cơ mắc vấn đề về tim.
- Thuốc chống sốt rét: đây là thuốc có ảnh hưởng tới hệ miễn dịch và có thể giúp giảm nguy cơ bùng phát bệnh lupus. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là gây khó chịu ở dạ dày và có thể gây tổn thương võng mạc. Người bệnh nên khám mắt định kỳ khi dùng các loại thuốc này.
- Corticoid: để chống lại tình trạng viêm của bệnh lupus. Steroid liều cao thường được sử dụng để kiểm soát bệnh nghiêm trọng liên quan tới thận và não. Tác dụng phụ thường gặp khi dùng corticoid gồm tăng cân, dễ bầm tím, loãng xương, huyết áp cao, tiểu đường và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thuốc ức chế miễn dịch: thường dùng trong các trường hợp nghiêm trọng của bệnh lupus. Các tác dụng phụ khi sử dụng kéo dài thuốc ức chế miễn dịch là tăng nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương gan, giảm khả năng sinh sản và tăng nguy cơ ung thư.
Biến chứng của bệnh lupus đối với cơ thể
Tình trạng viêm do ảnh hưởng của bệnh lupus tới nhiều vùng trên cơ thể, bao gồm:
- Thận: Lupus có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng và suy thận là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người mắc bệnh lupus.
- Não và hệ thần kinh trung ương: Nếu não bị ảnh hưởng bởi bệnh lupus, người bệnh có thể bị đau đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, gặp vấn đề về thị lực và thậm chí còn dẫn tới đột quỵ hoặc co giật. Nhiều người mắc bệnh lupus gặp vấn đề về trí nhớ và có thể gặp khó khăn hơn trong việc giao tiếp hàng ngày.
- Máu và mạch máu: Lupus có thể dẫn tới nhiều vấn đề máu, bao gồm giảm số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh (thiếu máu) và tăng nguy cơ chảy máu hoặc đông máu. Bệnh cũng có thể gây viêm mạch máu.
- Phổi: Bị bệnh lupus làm tăng khả năng bị viêm niêm mạc khoang ngực, có thể gây khó thở. Đôi khi có thể xuất hiện tình trạng chảy máu vào phổi và viêm phổi.
- Bệnh tim: Lupus có thể gây viêm cơ tim, động mạch hoặc màng tim. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đau tim cũng tăng lên rất nhiều.
Những người bị bệnh lupus sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn. Lý do không phải từ bản thân tình trạng bệnh mà còn do nhiều loại thuốc sử dụng để điều trị bệnh lupus làm suy yếu hoặc ức chế hệ thống miễn dịch.
Nếu bạn bị bệnh lupus thì quan trọng nhất là cần phải tuân thủ việc điều trị của bác sĩ. Đây là cách giúp ngăn ngừa bệnh lupus bùng phát và làm tổn thương nội tạng.
Học cách sống chung với người bệnh lupus
Nếu như người thân hoặc bạn bè xung quanh bị bệnh lupus, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và các thói quen hàng ngày, thì dưới đây là lời khuyên để bạn có thể dễ dàng sống chung với người bệnh:
- Tìm hiểu kĩ về ảnh hưởng của bệnh lupus và cách điều trị. Hiểu kĩ về bệnh sẽ giúp bạn hiểu những gì đang xảy ra với người thân của mình nên sẽ có hỗ trợ kịp thời.
- Đừng xa lánh người bị lupus. Bạn nên quan tâm tới người thân của mình nhưng cũng để cho họ khoảng không gian để đối phó với bệnh và có thể tự kiểm soát cuộc sống của mình.
- Nếu có thể, hãy đi cùng người thân khám bệnh và thảo luận với bác sĩ về những gì tốt nhất cho người bệnh lupus.
- Khuyến khích người bệnh tự biết cách chăm sóc bản thân và tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ.
Đào Tâm