Chớ chủ quan với các triệu chứng do dị ứng thời tiết

Dị ứng thời tiết có thể gây sổ mũi, hắt hơi, phát ban, mề đay, thậm chí sưng cổ họng, khó thở cần cấp cứu gấp. Nhận biết các loại dị ứng thời tiết để điều trị và phòng tránh tốt hơn.

Nhận biết các dấu hiệu dị ứng thời tiết để can thiệp kịp thời
Nhận biết các dấu hiệu dị ứng thời tiết để can thiệp kịp thời

Dị ứng thời tiết là gì?

Dị ứng thời tiết thường xảy ra vào những thời điểm chuyển mùa, do thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc độ ẩm gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các dị nguyên (nấm mốc, phấn hoa…) tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể.

Hệ miễn dịch hiểu nhầm các tác nhân này là yếu tố độc hại, dẫn đến phản ứng dị ứng, sản sinh ra hàng loạt kháng thể, chất hóa học nhằm chống lại các yếu tố này. Phản ứng của cơ thể dẫn đến hàng loạt các triệu chứng.

Triệu chứng dị ứng thời tiết

Người bị dị ứng thời tiết thường xuất hiện các triệu chứng:

  • Sổ mũi
  • Hắt hơi
  • Nghẹt mũi
  • Ngứa mắt
  • Chảy nước mắt
  • Ngứa da, phát ban
  • Ho
  • Mệt mỏi
  • Thở khò khè
dị ứng thời tiết
Sổ mũi, hắt hơi do dị ứng với các tác nhân có trong môi trường

Các loại dị ứng thời tiết thường gặp

Các loại thời tiết khác nhau có thể gây ra các loại triệu chứng dị ứng khác nhau.

Những ngày khô ráo, nhiều gió

Những ngày khô, nhiều gió có thể khiến các triệu chứng dị ứng tăng đột biến. Gió thổi mạnh khiến phấn hoa bay ra nhiều hơn. Phấn hoa là một chất gây dị ứng phổ biến.

Nấm mốc là một nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng dị ứng vào những ngày khô ráo, nhiều gió. Nấm mốc có nhiều trong môi trường sống, gió có thể thổi các bào tử nấm và phát tán ra xung quanh.

dị ứng thời tiết
Phấn hoa là nguyên nhân gây dị ứng khi trời có nhiều gió

Những ngày ẩm ướt, có mưa

Các triệu chứng dị ứng cũng có thể tồi tệ hơn vào những ngày mưa, ẩm ướt. Mặc dù các bào tử nấm mốc thường lây lan qua gió, nhưng một số loại nấm mốc lây lan khi độ ẩm trong không khí cao. Các bào tử từ các loại nấm mốc này di chuyển qua sương mù hoặc mưa.

Những ngày mưa, ẩm ướt lại không gây ra phản ứng dị ứng với người bị dị ứng phấn hoa. Bởi khi phấn hoa bị ướt, nó sẽ nặng hơn và rơi trên mặt đất nhiều hơn là bay trong gió.

Tuy nhiên, mưa đôi khi có tác dụng ngược đối với phấn hoa. Khi độ ẩm rất cao, các hạt phấn hoa có thể rò rỉ các protein gây dị ứng vào không khí. Điều này thường xảy ra khi có giông bão.

Những ngày nhiệt độ lạnh

Những ngày nhiệt độ lạnh (cả khi dùng máy lạnh) có thể gây ra mề đay lạnh.

Các triệu chứng thường gồm:

  • Da đỏ, nổi mề đay, phát ban
  • Da ngứa ngáy
  • Chóng mặt, cảm thấy lâng lâng
  • Sưng môi, cổ họng

Mề đay do lạnh có thể xuất hiện và biến mất, hoặc kéo dài suốt cuộc đời.

Mề đay lạnh thường có thể được điều trị bằng thuốc gọi là thuốc kháng histamine, giúp ngăn chặn các triệu chứng dị ứng. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể sẽ cần dùng thuốc kê đơn.

dị ứng thời tiết
Nổi mề đay khi trời lạnh là kiểu dị ứng thời tiết khá phổ biến

Những ngày trời nóng

Nhiệt độ cao cũng có thể làm tăng mức độ tiếp xúc với các chất gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa. Không khí ấm hơn mang theo nhiều hạt phấn hoa hơn, làm tăng nguy cơ hít phải chúng.

Dị ứng thời tiết theo mùa

Dị ứng liên quan đến thời tiết thường được gọi là “dị ứng theo mùa” vì các mùa khác nhau khiến một số bệnh dị ứng trở nên tồi tệ hơn.

Mùa xuân

Dị ứng mùa xuân có nguyên nhân là do chu kỳ thụ phấn của thực vật. Một lượng lớn phấn hoa từ cỏ và cây xuất hiện vào mùa xuân khi nhiệt độ mát hơn vào ban đêm và ấm hơn vào ban ngày. Mức độ phấn hoa cao nhất vào buổi tối trong mùa xuân.

Mùa hạ

Mùa phấn hoa của cỏ và cây tiếp tục vào mùa hè. Mức độ phấn hoa cao nhất vào buổi tối đầu mùa hè.

Mùa thu

Mùa thu có ít chất gây dị ứng trong không khí, nhưng phấn hoa của cỏ vẫn có thể tiếp tục phát tán vào đầu mùa thu. Nấm mốc cũng có thể xuất hiện ở những nơi ẩm ướt, chẳng hạn như gần đống lá khô.

Mùa đông

Khác với mề đay lạnh, hầu hết các dị ứng liên quan đến thời tiết không xảy ra khi nhiệt độ quá lạnh. Nhiều cây đã rụng lá và nấm mốc ngoài trời không sinh sôi cho đến khi thời tiết mùa xuân đến.

Nếu bạn có các triệu chứng dị ứng vào mùa đông, chúng ít có khả năng do thời tiết gây ra. Bạn có thể bị dị ứng với các chất gây dị ứng trong nhà như bụi, nấm mốc hoặc vẩy da thú cưng.

Kiểm soát tình trạng dị ứng thời tiết

Mặc dù không thể ngăn ngừa dị ứng hoặc kiểm soát thời tiết, nhưng chúng ta có thể thực hiện nhiều cách để giảm các triệu chứng dị ứng.

Bất cứ khi nào có thể, nên tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng như:

  • Đóng cửa sổ trong mùa có nhiều phấn hoa
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài
  • Mặc quần áo ấm, quàng khăn và đội mũ nếu bị dị ứng thời tiết lạnh
  • Mặc quần áo chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt khi thời tiết nóng
  • Hạn chế hoạt động ngoài trời nếu bị dị ứng phấn hoa trong mùa xuân và dị ứng khi trời ẩm ướt, mưa nhiều và có gió nhiều.

Các phương pháp điều trị dị ứng thời tiết

Các triệu chứng do dị ứng có thể được kiểm soát bằng một số loại thuốc không cần kê đơn như thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, thuốc xịt mũi và kem bôi da.

  • Thuốc kháng histamine ngăn chặn các hóa chất trong hệ thống miễn dịch gây ra phản ứng dị ứng.
  • Thuốc thông mũi làm giảm sưng niêm mạc mũi và xoang, do đó sẽ giúp thở dễ dàng hơn.
  • Thuốc xịt mũi cũng rất hiệu quả để điều trị triệu chứng sổ mũi, ngứa mũi.
  • Kem bôi da có thể tạm thời giảm ngứa và đau do phát ban liên quan đến dị ứng.
  • Với tình trạng dị ứng nghiêm trọng, có thể bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kê đơn như steroid dạng bôi hoặc uống.

Trong một số trường hợp, liệu pháp miễn dịch có thể được chỉ định để điều trị dị ứng. Trong liệu pháp miễn dịch, một lượng nhỏ chất gây dị ứng được tiêm vào cơ thể hoặc dùng viên thuốc tan dưới lưỡi. Theo thời gian, cơ thể sẽ học cách không phản ứng thái quá với chất gây ra các triệu chứng.

Vân Anh