Mọi điều về dị ứng: nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa hiệu quả

Dị ứng không chỉ gây sổ mũi, hắt hơi, phát ban mà còn có thể gây sưng cổ họng, sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng. Tìm hiểu về dị ứng để có cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

dị ứng
Tìm hiểu về dị ứng để có cách phòng ngừa hiệu quả

Dị ứng là gì?

Dị ứng là phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với một chất lạ thường không gây hại cho cơ thể. Những chất lạ này được gọi là chất gây dị ứng. Chúng có thể là một số loại thực phẩm, phấn hoa hoặc vẩy da vật nuôi.

Hệ thống miễn dịch có chức năng phòng vệ, chống lại các mầm bệnh có hại bằng cách tấn công bất cứ thứ gì mà nó cho là có thể khiến cơ thể gặp nguy hiểm. Tùy thuộc vào chất gây dị ứng, cơ thể có thể xuất hiện một số triệu chứng như viêm, hắt hơi, sổ mũi, phát ban da, thậm chí sưng cổ họng, khó thở…

Các triệu chứng dị ứng phổ biến nhất

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm có thể gây sưng tấy, phát ban, buồn nôn, mệt mỏi…

Dị ứng theo mùa

Các triệu chứng dị ứng theo mùa thường tương tự như các triệu chứng cảm lạnh, gồm: chảy nước mũi, hắt hơi, sưng mắt…

Hắt hơi, ngứa mũi, ngứa mắt thường là dấu hiệu của dị ứng
Hắt hơi, ngứa mũi, ngứa mắt thường là dấu hiệu của dị ứng

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng

Dị ứng nặng có thể gây sốc phản vệ dẫn đến khó thở, choáng váng và bất tỉnh. Dị ứng nghiêm trọng có thể xảy ra với bất kỳ thứ gì, như thực phẩm hoặc hóa chất…

Các phản ứng trên da

Dị ứng da là một triệu chứng của nhiều tình trạng dị ứng hoặc tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Các loại dị ứng da gồm:

  • Phát ban: Da bị kích ứng, đỏ hoặc sưng lên, ngứa và đau.
  • Bệnh chàm: Các mảng da bị viêm, ngứa và chảy máu.
  • Viêm da tiếp xúc: Các mảng da đỏ, ngứa.
  • Nổi mề đay: Các vết đỏ, ngứa và nổi lên với nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau trên bề mặt da.
  • Sưng mi mắt: Mi mắt ngứa, sưng lên có thể kèm theo chảy nước mắt.
  • Cảm giác châm chích trên da: Viêm da dẫn đến cảm giác khó chịu trên da.

Dị ứng khác gì với cảm lạnh, hen suyễn, viêm phế quản?

Dị ứng so với cảm lạnh

Dị ứng và cảm lạnh có nhiều triệu chứng tương đồng như chảy nước mũi, hắt hơi, ho… Cần dựa trên những dấu hiệu khác để phân biệt hai căn bệnh này.

Dị ứng có thể gây phát ban da và ngứa mắt, còn cảm lạnh thì gây đau nhức cơ thể, tăng thân nhiệt.

Tuy nhiên, dị ứng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch trong thời gian dài. Khi hệ thống miễn dịch suy giảm sẽ dễ bị virus xâm nhập gây bệnh, trong đó có virus gây cảm lạnh. Do đó, bị dị ứng làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh và khiến các triệu chứng cảm lạnh trầm trọng hơn.

Khác với dị ứng, người bị cảm lạnh thường bị đau mỏi cơ thể, có thể kèm theo sốt
Khác với dị ứng, người bị cảm lạnh thường bị đau mỏi cơ thể, có thể kèm theo sốt

Dị ứng và hen suyễn

Hen suyễn là tình trạng bệnh mà đường dẫn khí trong phổi bị thu hẹp, dẫn đến việc hít thở trở nên khó khăn hơn.
Bệnh hen suyễn có liên quan với bệnh dị ứng. Dị ứng có thể làm cho bệnh hen suyễn trở nên tồi tệ hơn. Nó cũng có thể gây ra bệnh hen suyễn ở một người chưa bao giờ mắc bệnh này. Khi 2 bệnh xảy ra đồng thời thì được gọi là hen suyễn dị ứng.

Dị ứng và viêm phế quản

Viêm phế quản có thể do virus, vi khuẩn gây ra, hoặc là hậu quả của dị ứng.

Tiếp xúc với các chất gây dị ứng thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản mãn tính. Những chất gây dị ứng này bao gồm:

  • Khói thuốc lá
  • Bụi
  • Phấn hoa
  • Khói hóa chất

Không giống như dị ứng theo mùa, nhiều chất gây dị ứng tồn tại trong môi trường sống làm cho viêm phế quản mãn tính kéo dài dai dẳng hơn.

Các nguyên nhân gây dị ứng

Các nhà nghiên cứu không chắc chắn chính xác lý do tại sao hệ thống miễn dịch gây ra phản ứng dị ứng khi một chất lạ bình thường vô hại xâm nhập vào cơ thể. Dị ứng cũng có tính di truyền trong gia đình.

Các loại chất gây dị ứng phổ biến:

  • Sản phẩm động vật: vẩy da thú cưng, chất thải của mạt bụi và gián.
  • Thuốc: Penicillin và thuốc sulfa…
  • Thực phẩm: lúa mì, các loại hạt, sữa, động vật có vỏ, trứng…
  • Côn trùng đốt: ong, muỗi…
  • Nấm: bào tử nấm mốc trong không khí.
  • Thực vật: phấn hoa từ cỏ và cây cối, nhựa từ một số loại cây như cây thường xuân độc và cây sồi độc.
  • Các chất gây dị ứng khác: mủ cao su thường được tìm thấy trong găng tay cao su và bao cao su, các kim loại như niken.
Mạt bụi, phấn hoa, bào tử nấm mốc… là nguyên nhân chính gây dị ứng
Mạt bụi, phấn hoa, bào tử nấm mốc… là nguyên nhân chính gây dị ứng

Điều trị dị ứng bằng cách nào?

Cách tốt nhất để tránh dị ứng là tránh xa bất cứ thứ gì đã từng gây ra phản ứng. Nếu điều đó là không thể, bạn có thể áp dụng một số cách điều trị sau:

Thuốc

Một số loại thuốc được dùng để kiểm soát các triệu chứng gồm:

Thuốc kháng histamine như diphenhydramine (Benadryl)

  • Corticoid
  • Cetirizin (Zyrtec)
  • Loratadin (Claritin)
  • Cromolyn natri (Gastrocrom)
  • Thuốc thông mũi (Afrin, Suphedrine PE, Sudafed)
  • Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene (Singulair, Zyflo)

Liệu pháp miễn dịch

Đây là phương pháp tiêm vào cơ thể trong vài năm để cơ thể quen với chất gây dị ứng. Liệu pháp miễn dịch có thể ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng quay trở lại.

Tiêm Epinephrine khẩn cấp

Phương pháp này áp dụng cho trường hợp dị ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Mũi tiêm chống lại các phản ứng dị ứng cho đến khi có sự trợ giúp y tế.

Tiêm Epinephrine khẩn cấp để giảm các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng
Tiêm Epinephrine khẩn cấp để giảm các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng

Ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng

Không có cách nào để ngăn ngừa dị ứng. Nhưng có nhiều cách để ngăn chặn các triệu chứng xảy ra. Cách tốt nhất là tránh các chất đã từng gây ra phản ứng dị ứng trước đó.

Với tình trạng dị ứng thực phẩm, cần ghi chép lại những thực phẩm đã ăn để xác định nguyên nhân gây dị ứng. Sau đó, hãy đọc kỹ nhãn mác thực phẩm và chú ý tránh các thực phẩm gây dị ứng, nếu đi ăn ngoài nhà hàng cần hỏi người phục vụ để lựa chọn món ăn.

Với dị ứng theo mùa, cần xác định được nguyên nhân và tìm cách phòng tránh. Ví dụ, nếu bị dị ứng với bụi, bạn nên dùng máy lọc không khí trong nhà, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, thay rèm cửa và giặt thảm thường xuyên để tránh bị bụi.

Nhìn chung, hầu hết các biện pháp điều trị và phòng ngừa đều phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra dị ứng. Trong trường hợp đã từng xuất hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để có cách phòng ngừa hiệu quả nhất.

Vân Anh