Hen suyễn là một bệnh mạn tính nguy hiểm và ảnh hưởng tới cả người lớn và trẻ nhỏ. Được chẩn đoán và điều trị dự phòng kịp thời sẽ giúp bạn sống khỏe mạnh cùng với bệnh.
Hen suyễn là gì?
Hen suyễn là một bệnh mạn tính ở phổi. Bệnh hen suyễn được định nghĩa như “một bệnh đặc trưng bởi sự tăng đáp ứng của khí quản và phế quản với các kích thích khác nhau và biểu thị bằng sự co hẹp rộng khắp các đường khí đạo, các khí đạo này thay đổi hoặc tự phát hoặc do điều trị”.
Hiểu đơn giản, hen khiến cho đường thở của bạn bị viêm và thu hẹp gây khó thở. Người bị hen suyễn nặng khó nói và khó sinh hoạt như bình thường. Bệnh còn được gọi là “hen phế quản”.
Cơn hen suyễn xảy ra khi các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Đường thở của người bệnh thắt lại, sưng lên và chứa đầy chất nhầy.
Triệu chứng điển hình của bệnh hen suyễn
Có ba dấu hiệu chính giúp nhận biết bệnh hen suyễn:
- Tắc nghẽn đường thở: Đối với người khỏe mạnh, khi thở thì các dải cơ xung quanh đường thở được thư giãn và không khí lưu chuyển tự do. Nhưng với người bị hen suyễn, các cơ bị thắt lại khiến không khí khó đi qua hơn.
- Tình trạng viêm nhiễm: Bệnh hen suyễn khiến các ống phế quản sưng đỏ. Tình trạng viêm kéo dài có thể nguy hiểm tới phổi. Điều trị viêm là cách giúp kiểm soát bệnh hen suyễn về lâu dài.
- Khó chịu trong đường thở: Người bị hen có đường thở nhạy cảm nên có xu hướng phản ứng quá mức với các tác nhân gây kích thích, dù nhỏ nhất.
Ba vấn đề này gây ra các triệu chứng hen suyễn điển hình như:
- Ho nhiều, đặc biệt ho về đêm và sáng
- Thở khò khè, có tiếng rít lên khi thở
- Hụt hơi
- Cảm giác căng cứng trong lồng ngực
- Khó ngủ vì khó thở
Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không?
Bệnh trở nên nguy hiểm và cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức khi kèm theo các triệu chứng bệnh sau:
- Thở nhanh
- Mặt, môi hoặc móng tay nhợt nhạt hoặc xanh
- Thở rút lõm lồng ngực
- Khó thở, khó đi lại bình thường
- Triệu chứng bệnh không giảm khi dùng thuốc.
Nguyên nhân và tác nhân gây bệnh hen suyễn
Khi bạn bị bệnh hen suyễn, đường thở phản ứng với mọi thứ ở thế giới xung quanh. Bác sĩ gọi đây là tác nhân gây hen suyễn. Chúng khiến cho các triệu chứng bệnh trở nên tệ hơn.
Điểm mặt một số tác nhân gây hen suyễn thường gặp:
- Bệnh nhiễm trùng như: viêm xoang, cảm lạnh và cảm cúm
- Chất gây dị ứng: phấn hoa, nấm mốc, lông thú và bụi bẩn
- Chất kích ứng có mùi mạnh như: nước hoa, dung dịch vệ sinh
- Ô nhiễm không khí
- Khói thuốc lá
- Tập thể dục
- Không khí lạnh hoặc do thời tiết thay đổi
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Thay đổi cảm xúc như: lo lắng, căng thẳng
- Tác dụng phụ của thuốc aspirin
- Chất bảo quản thực phẩm được tìm thấy ở tôm, dưa chua, bia, rượu,…
Bạn sẽ dễ bị hen suyễn hơn nếu như:
- Bố hoặc mẹ bị hen suyễn, đặc biệt là mẹ
- Gen di truyền có người bị hen.
Phương pháp điều trị hen suyễn
Nhiều phương pháp điều trị hen suyễn có thể làm dịu các triệu chứng của bệnh. Bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn một liệu trình trị hen suyễn bao gồm:
– Corticoid dạng hít: Đây là loại thuốc điều trị bệnh hen suyễn lâu dài. Nghĩa là bạn sẽ cần phải dùng thuốc mỗi ngày để kiểm soát bệnh hen suyễn. Thuốc giúp ngăn ngừa và làm dịu tình trạng sưng tấy bên trong đường hô hấp. Người bệnh cần được dùng một thiết bị dạng ống hít để đưa thuốc vào phổi. Một số loại corticosteroid thông thường gồm:
- Beclomethasone (QVAR)
- Budesonide (Pulmicort)
- Fluticasone
– Các chất bổ trợ leukotriene: Một phương pháp trị hen suyễn dài hạn khác, thuốc giúp ngăn chặn leukotrienes – chất trong cơ thể gây ra cơn hen suyễn. Mỗi ngày bác sĩ khuyên bạn uống 1 viên. Các loại thuốc thường dùng là:
- Montelukast (Singulair)
- Zafirlukast (Accolate)
– Thuốc giãn phế quản: Làm giãn các dải cơ bao quanh đường thở. Bạn sẽ dùng các loại thuốc này bằng ống hít, ngay cả khi không có triệu chứng. Các loại thuốc bao gồm:
- Formoterol (Foradil)
- Salmeterol (Serevent)
– Ống hít kết hợp: Thiết bị này cung cấp corticosteroid dạng hít và thuốc giãn phế quản cùng nhau để làm dịu cơn hen.
- Budesonide và formoterol (Symbicort)
- Fluticasone và salmeterol (Advair Diskus)
- Fluticasone và vilanterol (Breo)
- Mometasone và formoterol (Dulera)
– Theophylin: Giúp mở đường thở và làm dịu tức ngực. Bạn dùng thuốc này bằng đường uống, tự dùng hoặc với corticosteroid dạng hít.
– Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn: Chúng được gọi là thuốc giải cứu hoặc ống hít cứu hộ. Chúng giúp nới lỏng các dải cơ xung quanh đường thở và giảm bớt các triệu chứng. Những ví dụ bao gồm:
- Albuterol ( Accuneb , ProAir , Proventil , Ventolin )
- Levalbuterol ( Xopenex HFA)
– Thuốc kháng cholinergic: Những loại thuốc giãn phế quản này ngăn không cho các dải cơ xung quanh đường thở thắt chặt. Những thuốc phổ biến bao gồm:
- Ipratropium ( Atrovent )
- Tiotropium bromide ( Spiriva )
Các cách khắc phục bệnh hen suyễn tại nhà
Sử dụng thuốc là cách giúp kiểm soát bệnh hen suyễn nhưng bạn có thể áp dụng một số cách để giảm bớt các cơn suyễn của mình.
- Tránh các tác nhân gây hen suyễn
- Tập luyện thể dục thể thao
- Giữ cân nặng hợp lý
- Thực hiện các bài tập thở để giảm bớt triệu chứng giúp giảm dùng thuốc.
- Có thể dùng phương pháp điều trị bổ sung như: Tập yoga, châm cứu, bổ sung vitamin C.
Đào Tâm