Viêm xoang không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Muốn điều trị viêm xoang, cần dựa vào từng loại bệnh viêm xoang và các nguyên nhân gây bệnh.
Thông tin tổng quan về bệnh viêm xoang
Bệnh viêm xoang là gì? Nguyên nhân dẫn tới viêm xoang
Về mặt giải phẫu, mỗi người có 5 xoang mặt phân bố đối xứng ở hai bên mặt quanh hốc mũi. Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc sưng các mô lót xoang. Các xoang khỏe mạnh sẽ chứa đầy không khí. Tuy nhiên, khi bị viêm nhiễm thì xoang bị tắc nghẽn và chứa đầy chất lỏng, vi trùng có thể phát triển và gây nhiễm trùng.
Một số nguyên nhân có thể gây viêm xoang bao gồm:
- Bệnh cảm cúm
- Viêm mũi dị ứng hoặc sưng niêm mạc mũi
- Vách mũi lệch làm ảnh hưởng tới khoang mũi.
Phân loại các thể viêm xoang
Viêm xoang cấp tính
Viêm xoang cấp tính thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như cảm lạnh (sổ mũi, nghẹt mũi, có thể đau đớn trên mặt…). Bệnh thường bắt đầu đột ngột và kéo dài 2 – 4 tuần.
Các triệu chứng của viêm xoang cấp tính bao gồm:
- Đau mặt hoặc cảm thấy nóng rát
- Sổ mũi
- Không ngửi được
- Ho hoặc nghẹt mũi
- Các dấu hiệu khác như: sốt, hôi miệng, mệt mỏi, đau răng.
Người bệnh viêm xoang cấp tính thường có từ 2 triệu chứng trở lên hoặc bị chảy nước mũi đặc, có màu xanh hoặc vàng.
Viêm xoang mạn tính
Viêm xoang bán cấp thường kéo dài từ 4-12 tuần. Triệu chứng viêm xoang mạn tính kéo dài 12 tuần hoặc lâu hơn. Viêm xoang tái phát thường xảy ra nhiều lần trong năm.
Triệu chứng viêm xoang mạn thường xảy ra từ 12 tuần trở lên:
- Tắc nghẽn mũi
- Có mủ trong khoang mũi
- Chảy nước mũi trong hoặc nước mũi có màu vàng
- Sốt
- Triệu chứng khác: đau đầu, hôi miệng, đau răng và mệt mỏi.
Tuy nhiên, các triệu chứng này là dấu hiệu của nhiều loại bệnh khác nên để chẩn đoán chính xác cần có sự thăm khám của bác sĩ.
Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm xoang?
Viêm xoang là căn bệnh khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên bạn sẽ tăng khả năng bị viêm xoang khi:
- Sưng bên trong mũi như bị cảm lạnh thông thường.
- Có sự khác biệt trong cấu trúc mũi như vách ngăn mũi lệch hoặc polyp mũi.
- Hen suyễn
- Nhạy cảm với Aspirin gây ra các triệu chứng hô hấp
- Rối loạn hệ miễn dịch
- Tiếp xúc thường xuyên với môi trường ô nhiễm hoặc có nhiều khói thuốc lá.
Đối với trẻ em, nguy cơ bé bị viêm xoang khi:
- Bị bệnh dị ứng
- Lây bệnh từ các trẻ khác khi đi học
- Bú bình ở tư thế nằm ngửa
- Sống trong môi trường nhiều khói bụi.
Bệnh viêm xoang có nguy hiểm không?
Giải đáp cho câu hỏi này thì bạn nên biết viêm xoang có thể gây ra đau đớn và khó chịu khi chưa được chẩn đoán và điều trị. Tuy phần lớn bệnh được trị dứt điểm và không gây biến chứng nguy hiểm, nhưng một số ít trường hợp không điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm màng não, áp xe não hoặc nhiễm trùng xương.
Vì vậy, việc điều trị và phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng.
Các biện pháp điều trị viêm xoang phổ biến
Nếu bạn bị viêm xoang giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên rửa mũi bằng nước rửa mũi chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý. Bạn không nên dùng thuốc thông mũi không kê đơn quá 3 ngày vì có thể khiến mũi tắc hơn.
Nếu bác sĩ kê cho bạn thuốc kháng sinh, liệu trình sử dụng thường là từ 10-14 ngày. Các triệu chứng sẽ biến mất khi điều trị.
Không khí ấm, ẩm có lợi cho người bị viêm xoang mạn tính. Bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm hoặc hít hơi nước từ chậu nước ấm. Tuy nhiên, hãy cẩn thận đừng để bị bỏng.
Một số mẹo nhỏ giúp trị viêm xoang mạn tính tại nhà:
- Chườm ấm có thể giúp giảm đau ở mũi xoang.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi khá an toàn
- Có thể dùng thuốc xịt mũi để làm sạch khoang mũi
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn nếu bị đau hoặc sốt do viêm xoang.
Giải pháp ngăn ngừa viêm xoang
Không có giải pháp ngăn ngừa viêm xoang triệt để nhưng có thể áp dụng một số cách để phòng tránh hiệu quả. Đó là:
- Không hút thuốc lá và nên tránh đến những nơi có nhiều khói thuốc lá
- Rửa tay thường xuyên đặc biệt trong mùa lạnh dễ bị lây nhiễm cúm, tránh chạm tay vào da mặt.
- Tránh xa những thức ăn, đồ vật có thể khiến bạn bị dị ứng.
Minh Tâm