Viêm mũi xoang mạn tính: Chỉ rõ nguyên nhân và cách điều trị

Thời tiết thay đổi, nhiệt độ lạnh, nồm ẩm quả thực là nỗi ám ảnh của những người bị viêm mũi xoang mạn tính. Không chỉ gây ngạt mũi, khó thở, người bệnh còn có thể bị mệt mỏi, kém tập trung, vô cùng khó chịu.

viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang mạn tính có triệu chứng kéo dài tối thiểu 3 tháng

Viêm mũi xoang mạn tính là gì?

Viêm mũi xoang mạn tính là viêm niêm mạc mũi xoang với các dấu hiệu: đau nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, giảm khả năng ngửi, ho, khịt khạc đờm, soi mũi thấy khe giữa, đôi khi cả khe trên có mủ. Người bệnh có thể bị sốt, kém tập trung, người mệt mỏi. Các triệu chứng này kéo dài trên 12 tuần mặc dù đã điều trị hay chưa.

Nguyên nhân

Một số nguyên nhân chính gây viêm mũi xoang mạn tính bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Những tình trạng viêm đường hô hấp, trong đó phổ biến nhất là cảm lạnh, có thể gây viêm, làm dày niêm mạc xoang và ngăn dòng dẫn lưu dịch nhày mũi. Nguyên nhân có thể là do vi khuẩn, virus hoặc nấm.
  • Lệch vẹo vách ngăn: Vách ngăn giữa 2 hốc mũi bị lệch làm hạn chế hoặc ngăn chặn sự lưu thông của xoang mũi, làm cho các triệu chứng viêm mũi xoang ngày càng trở nên trầm trọng.
  • Polyp mũi: Sự có mặt của polyp có thể làm cản trở các khoang mũi và xoang.
  • Dị ứng: Dị ứng lông chó mèo, bụi, nấm mốc, phấn hoa,… cũng có thể dẫn đến viêm mũi xoang mạn tính.
viêm mũi xoang
Lệch vẹo vách ngăn là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi xoang mạn

Triệu chứng

Một số triệu chứng thường gặp ở người bệnh viêm mũi xoang mạn tính bao gồm:

  • Viêm mũi
  • Nước mũi đặc, không màu
  • Dịch mũi chảy xuống phía sau cổ họng (dẫn lưu sau mũi)
  • Nghẹt mũi gây khó thở
  • Đau, khó chịu và sưng vùng xung quanh mắt, má, mũi hoặc trán
  • Giảm khả năng ngửi và nếm.

Ngoài ra có một số biểu hiện khác của viêm mũi xoang mà người bệnh cần lưu tâm như:

  • Đau tai
  • Nhức phần hàm trên
  • Ho
  • Đau họng
  • Hôi miệng
  • Mệt mỏi
viêm mũi xoang
Nghẹt mũi, chảy nước mũi là những triệu chứng phổ biến của viêm mũi xoang mạn

Phân biệt cảm lạnh, dị ứng và viêm mũi xoang

Cảm lạnh, dị ứng và viêm mũi xoang thường bị nhầm lẫn do có nhiều triệu chứng tương đồng: nghẹt mũi, chảy nước mũi… Đồng thời, chúng có thể có mối quan hệ nhân quả: cảm cúm, dị ứng có thể gây nên viêm mũi xoang. Người bệnh cần phân biệt những tình trạng này để có biện pháp xử trí phù hợp.

viêm mũi xoang

Các phương pháp điều trị

Điều trị nội khoa (điều trị dùng thuốc)

  • Corticosteroid xịt mũi: Các thuốc xịt mũi này giúp giảm và điều trị tình trạng viêm.
  • Uống hoặc tiêm corticosteroid: Thuốc này được dùng để giảm tình trạng viêm mũi xoang nặng, đặc biệt khi người bệnh có polyp mũi. Lưu ý, sử dụng corticosteroid kéo dài có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
  • Kháng sinh: Giúp điều trị nếu tình trạng viêm mũi xoang gây ra do vi khuẩn, hoặc có bội nhiễm vi khuẩn.
viêm mũi xoang
Có thể dùng thuốc xịt mũi corticosteroid để điều trị viêm mũi xoang mạn

Điều trị bằng phẫu thuật (điều trị ngoại khoa)

Biện pháp này được áp dụng với viêm mũi xoang mạn tính thất bại với điều trị nội khoa nhiều lần hoặc có dị hình giải phẫu (như lệch vẹo vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa,…) hoặc có thoái hóa polyp mũi xoang.

Phương pháp điều trị không dùng thuốc

  • Nghỉ ngơi: Giúp hệ miễn dịch của cơ thể tự chống lại tình trạng viêm và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
  • Làm ẩm mũi xoang: Bạn có thể xông mũi bằng một cốc nước nóng hoặc tắm nước nóng. Không khí ấm và ẩm giúp giảm đau và làm loãng dịch mũi.
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Giúp giảm chảy nước mũi và rửa trôi các tác nhân gây dị ứng/khó chịu.
viêm mũi xoang
Rửa mũi bằng dụng cụ chuyên dụng giúp giảm ngạt mũi, chảy nước mũi

Biến chứng

Những biến chứng nghiêm trọng do viêm mũi xoang mạn tính thường hiếm gặp, bao gồm:

  • Biến chứng mắt: Suy giảm thị lực hoặc có thể mù không phục hồi.
  • Nhiễm khuẩn: Một số trường hợp viêm mũi xoang mạn tính có thể dẫn đến viêm màng não, viêm xương hoặc nhiễm khuẩn da nghiêm trọng.

Các biện pháp dự phòng

  • Dự phòng nhiễm trùng đường hô hấp: Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cảm lạnh, cúm… Rửa tay thường xuyên, đúng cách.
  • Quản lý tình trạng dị ứng: Bằng cách kiểm soát triệu chứng dị ứng và hạn chế tối đa tiếp xúc với dị nguyên.
  • Tránh khói thuốc và không khí ô nhiễm.
  • Sử dụng thiết bị tạo không khí ẩm.
  • Thường xuyên rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực.

Tài liệu tham khảo:

1. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng”, Ban hành kèm theo Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế

2. “Chronic sinusitis”, Mayo Clinic, 1st June 2019

3. “Colds, Allergies and Sinusitis — How to Tell the Difference”, American Academy of allergy Asthma and Immunology, March 2012

4. “Sinusitis”, MedlinePlus, last reviewed: 26 October 2016