Mẹ đã biết “Tại sao trẻ viêm họng rất dễ bị viêm tai giữa?”

Trẻ nhỏ viêm họng khi chưa được điều trị triệt để đôi khi có thể đồng thời xuất hiện thêm tình trạng viêm tai giữa. Giải thích cho mẹ mối liên quan giữa viêm họng và viêm tai giữa ở trẻ.

trẻ viêm họng dễ bị viêm tai
Trẻ viêm họng sẽ dễ dẫn tới viêm tai giữa nếu bố mẹ không để ý

Viêm họng ở trẻ nhỏ

Viêm họng là thuật ngữ y tế cho chứng đau họng – tình trạng sưng viêm lớp màng nhầy lót phía sau cổ họng hoặc hầu họng. Hệ quả dẫn tới tình trạng khô, đau rát họng và khó nuốt. Nguyên nhân dẫn tới viêm họng phần lớn là do nhiễm vi rút như cảm lạnh thông thường hoặc có thể do nhiễm vi khuẩn.

Viêm họng là một tình trạng khá phổ biến và hiếm khi gây lo ngại. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch còn non nớt nên rất dễ gặp phải đau họng viêm họng.

Thông thường bệnh viêm họng cấp ở trẻ nhỏ do vi rút thường tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây bệnh là lý do khác có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng viêm họng:

Khi bị viêm họng, triệu chứng điển hình chính là tình trạng cổ họng đau rát, khô hoặc ngứa, đau hơn khi nuốt. Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện đồng thời bao gồm:

  • Ho
  • Nhức đầu
  • Sổ mũi
  • Kích ứng mắt
  • Chảy mũi sau
  • Mệt mỏi
  • Sưng hạch bạch huyết

Viêm tai giữa là gì?

viêm họng và viêm tai giữa
Đau tai là một triệu chứng điển hình của viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa là một loại nhiễm trùng tai giữa – phần tai nằm sau màng nhĩ.

Bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới cả người lớn. Nhưng hầu hết trẻ nhỏ đều bị viêm tai giữa ít nhất một lần trước tuổi đi học. Khi trẻ lớn hơn thì nguy cơ bị viêm tai giữa cũng giảm đi.

Triệu chứng của viêm tai giữa thường bắt đầu khá giống viêm họng như cảm giác đau họng và sổ mũi.

Khi nhiễm trùng lan tới tai, trẻ có thể xuất hiện tình trạng:

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị viêm tai giữa thì có thể xuất hiện:

  • Khóc nhiều về đêm
  • Trẻ kéo tai hoặc xoa tai (do chưa nói được cảm giác đau)
  • Cáu kỉnh
  • Mất cảm giác ngon miệng

Trẻ dưới 4 tháng tuổi khi có các biểu hiện của viêm tai giữa cần đi khám bác sĩ và có khả năng cần nhập viện để điều trị và theo dõi. Bởi trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh và sẽ rất dễ gặp phải biến chứng nặng và nguy hiểm.

Nhận ra mối liên quan giữa viêm họng và viêm tai giữa ở trẻ

Ống Eustachian trong tai của trẻ nhỏ hơn nên dễ lây nhiễm vi khuẩn khi viêm họng
Ống Eustachian trong tai của trẻ nhỏ hơn nên dễ lây nhiễm vi khuẩn khi viêm họng

Thông thường tình trạng viêm tai thường xuất phát sau viêm họng. Nguyên do là tai giữa được nối với cổ họng bằng một ống gọi là ống Eustachian. Khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút thì nhiễm trùng có thể lan từ phía sau cổ họng tới tai giữa. Nhiễm trùng ở tai giữa gây tích tụ chất lỏng tạo áp lực lên màng nhĩ.

Trẻ viêm họng dễ dẫn tới viêm tai giữa hơn bởi ống Eustachian của chúng nhỏ hơn và dễ nhiễm trùng hơn so với người lớn. Trẻ có sụn vòi nhĩ còn mềm, dễ bị xẹp, vòi nhĩ ngắn và nằm ngang hơn người lớn nên dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn hơn.

Chẩn đoán viêm tai giữa như thế nào?

viêm họng và viêm tai giữa
Bác sĩ cần soi tai để kiểm tra nhiễm trùng tai giữa

Bác sĩ sẽ cần sử dụng ống soi tai để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng tai giữa. Đây là một dụng cụ nhỏ có thấu kính phóng đại và có ánh sáng để giúp nhìn rõ màng nhĩ.

Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa thì khi soi bác sĩ sẽ cảm thấy màng nhĩ căng phồng. Đối với trường hợp có mủ, bác sĩ cần trích mủ để thoát mủ ra ngoài hoặc đặt ống thông khí ở tai để dẫn lưu.

Đối với trẻ bị nhiễm trùng tai giữa nhiều lần, bác sĩ có thể cần kiểm tra thính giác.

Điều trị viêm tai giữa như thế nào?

Các triệu chứng nhiễm trùng tai thường có thể cải thiện trong vài ngày đầu. Đối với một số trường hợp trẻ lớn thì bác sĩ khuyến nghị nên thực hiện phương pháp chờ để bệnh tự khỏi như sau:

  • Trẻ nhỏ từ 6 – 23 tháng tuổi: bị đau tai giữa nhẹ ở một bên trong vòng chưa đến 48 giờ, sốt dưới 39°C.
  • Trẻ em 24 tháng tuổi trở lên: bị đau tai giữa nhẹ ở một hoặc hai tai trong chưa tới 48 giờ, sốt dưới 39°C.

Nhiều bằng chứng cho thấy điều trị kháng sinh có thể có ích đối với một số trường hợp trẻ nhỏ nhiễm trùng tai. Mặt khác, sử dụng kháng sinh quá nhiều có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh rất nguy hiểm với trẻ. Chính vì thế, bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc những lợi ích và rủi ro khi dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa.

Kiểm soát đau tai

Bác sĩ sẽ đưa ra một số loại thuốc giúp giảm đau tai do viêm tai giữa bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng acetaminophen không kê đơn (Paracetamol, Efferagal…) hoặc Ibuprofen để giảm đau. Cần sử dụng thuốc đúng hướng dẫn hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc nhỏ tai: Có thể được kê nếu màng nhĩ của trẻ không thủng hoặc rách.

Liệu pháp kháng sinh

viêm họng và viêm tai giữa
Cân nhắc sử dụng kháng sinh đối với trẻ viêm tai giữa tái phát nhiều lần

Đối với các trường hợp viêm tai giữa bác sĩ theo dõi triệu chứng thấy tiến triển nặng lên hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng nguy hiểm thì có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh.

Chú ý khi dùng kháng sinh là cần dùng hết liều theo đúng chỉ dẫn cho dù các triệu chứng đã được cải thiện. Bởi khi không sử dụng đủ liều kháng sinh có thể dẫn tới nhiễm trùng tái phát và vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Hướng dẫn cách khắc phục tại nhà

Trong trường hợp tai chảy mủ, ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định, chuyên gia khuyên các mẹ có thể áp dụng cách sau để làm khô tai cho bé bằng giấy quấn sâu kèn:

  • Gấp và cuộn tờ giấy thấm hoặc mảnh vải bông sạch lại thành sâu kèn (Không được dùng tăm bông, tăm que hoặc giấy viết vì cứng có thể gây tổn thương tai).
  • Đặt sâu kèn vào tai cho tới khi thấm ướt mủ, lấy sâu kèn ra và đặt tiếp một sâu kèn mới cho tới khi tai khô.
  • Mỗi ngày thay 3 – 4 lần sâu kèn, thường phải làm 1 – 2 tuần tai mới khô hẳn.

Biến chứng viêm tai giữa ở trẻ

Keo tai

Đôi khi trẻ đã hết viêm tai giữa nhưng vẫn đọng dịch ở trong tai giữa. Hệ quả khiến cho bé khó có thể nghe được như bình thường và cần phải điều trị. Theo dõi khả năng nghe rõ ở trẻ và bố mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ nếu trẻ nói không nghe rõ.

Rách màng nhĩ

Nếu màng nhĩ bị thủng thì thường có thể tự lành lại. Nhưng mẹ nên đưa trẻ tới khám bác sĩ sau 6 tuần để đảm bảo vết rách đã lành lại. Quan trọng nhất là cần chú ý không được để màng nhĩ có nước ướt vào khi đang trong quá trình lành.

Viêm xương chũm

Đây là biến chứng rất nguy hiểm của viêm tai giữa ở trẻ nếu không điều trị triệt để bệnh. Tình trạng này có thể xuất hiện sau viêm tai giữa 1 – 2 tuần. Nếu trẻ bị viêm tai giữa đã điều trị nhưng xuất hiện thêm các dấu hiệu cấp tính như: sốt cao trở lại, đau tai, đau lan tới nửa đầu, chảy mủ tai tăng.

Khi bố mẹ ấn vào vùng xương chũm (ở sau tai hoặc kéo vành tai) trẻ bị đau buốt hoặc khóc thét thì cần cho bé đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay. Bởi nếu viêm xương chũm không điều trị sớm và đúng cách có thể gây tử vong.

Phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ nhỏ

viêm họng và viêm tai giữa
Bố mẹ nên kiểm soát trẻ hút rửa mũi để tránh để nước chảy vào tai gây viêm tai

Viêm tai giữa có mối liên quan tới viêm họng, viêm mũi do nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn. Tuy rất khó có thể ngừa cảm lạnh nhưng bố mẹ có thể phòng ngừa viêm tai giữa bằng cách:

  • Thực hiện thói quen vệ sinh tốt cho bé để tránh nhiễm khuẩn ở môi trường bên ngoài.
  • Nên cho trẻ bú mẹ đối với bé dưới 24 tháng để tăng cường miễn dịch cho bé.
  • Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng.
  • Khi vệ sinh cho bé như khi tắm chú ý không để nước chảy vào tai. Vệ sinh mũi họng đúng cách không để nước chảy vào trong đường họng lan sang tai gây ra viêm.
  • Nếu trong gia đình có anh chị em bị viêm tai giữa, bố mẹ cần chú ý theo dõi bệnh nếu trẻ bị sốt hoặc đau tai.

Đào Tâm