Chảy dịch mũi sau là tình trạng mũi và xoang sản xuất dư thừa dịch nhầy, có thể chảy xuống cổ họng gây ho. Người bị chảy dịch mũi sau nếu để kéo dài không điều trị có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa.
Chảy dịch mũi sau là gì?
Mũi, họng và xoang đều liên tục tiết ra chất nhầy trơn để giữ ẩm, giúp đường thở không bị khô suốt cả ngày. Tuy nhiên không khí mà chúng ta đang hít thở hàng ngày chứa đầy vi trùng, phấn hoa và các chất gây ô nhiễm khác.
Khi không khí đi vào cơ thể có thể tạo ra các vấn đề nếu chúng không được thanh lọc. Nhiệm vụ của chất nhờn là bẫy các dị vật gây hại cho cơ thể và giúp loại bỏ chúng.
Bình thường, chúng ta không để ý, vì chúng được trộn lẫn với nước bọt một cách vô hại trong suốt cả ngày và được chảy ra ngoài mũi hoặc chảy xuống cổ họng và nuốt xuống.
Tuy nhiên, nếu cơ thể sản xuất quá nhiều chất nhầy, bạn sẽ cảm thấy có sự tích tụ ở phía sau cổ họng gây ra các triệu chứng như vướng họng, ngứa họng, đau họng, ho.
Chảy dịch mũi sau biểu hiện như thế nào?
Ngoài cảm giác chất nhầy chảy xuống và tích tụ ở phía sau cổ họng, các triệu chứng khác của chảy dịch mũi sau bao gồm:
- Đau hoặc ngứa cổ họng
- Thường xuyên hắng giọng
- Khạc ra nhiều hoặc nuốt chất nhầy
- Hơi thở hôi
- Bị ho có đờm, ho nhiều về đêm
- Cảm giác buồn nôn do có thêm chất nhầy trong dạ dày
Nguyên nhân gây chảy dịch mũi sau
Bị chảy dịch mũi sau thường do những thay đổi trong môi trường sống hoặc cơ thể. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy dịch mũi sau là do dị ứng.
Dị ứng theo mùa do thực vật giải phóng phấn hoa có thể gây ra hiện tượng chảy nước mũi sau khi cơ thể tiết thêm chất nhờn để cố gắng loại bỏ các bào tử phấn hoa.
Thời tiết lạnh hoặc không khí khô cũng có thể gây chảy dịch mũi sau. Hít thở không khí lạnh hoặc khô gây kích ứng mũi và cổ họng, do đó, cơ thể sẽ tạo ra chất nhầy để làm ẩm và giữ ấm đường thở để giảm bớt những kích thích này.
Thời tiết lạnh cũng là môi trường thuận lợi cho một số loại virus phát triển, chẳng hạn như virus gây cảm lạnh, cúm và nhiễm trùng xoang. Những bệnh nhiễm trùng này có thể dẫn đến chảy dịch mũi sau.
Các nguyên nhân khác gây chảy dịch mũi sau bao gồm:
- Ăn thức ăn quá cay
- Mang thai
- Dị vật mắc kẹt trong mũi
- Hóa chất gây kích ứng từ nước hoa, sản phẩm tẩy rửa
- Do sử dụng một số loại thuốc
- Do một số tình trạng hô hấp mạn tính, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Vẹo hoặc lệch vách ngăn mũi, xảy ra khi vách giữa hai lỗ mũi bị vẹo hoặc bị tổn thương, có thể khiến chất nhày khó thoát ra khỏi cơ thể theo cách thông thường. Điều này có thể gây chảy dịch mũi sau.
Hầu hết các trường hợp chảy dịch mũi sau có thể tự khỏi. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, các biến chứng có thể phát sinh nếu chảy dịch mũi sau không được điều trị. Cơ thể có khả năng bị nhiễm trùng ở các bộ phận khác nếu tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây ra chất nhầy dư thừa làm tắc nghẽn các xoang hoặc ống Eustachian – là ống nối cổ họng với tai giữa.
Người bệnh nên đi khám nếu triệu chứng chảy dịch mũi sau kéo dài hơn 10 ngày.
Điều trị chảy dịch mũi sau ngay tại nhà
Có nhiều biện pháp bạn có thể áp dụng để giảm nhẹ các triệu chứng và giúp dễ chịu hơn.
Nâng cao đầu khi nằm
Nếu tình trạng tích tụ chất nhầy ở phía sau cổ họng có xu hướng nặng lên vào ban đêm, nên nâng cao đầu một chút so với phần còn lại của cơ thể khi nằm bằng cách kê thêm gối dưới đầu và vai để giúp lượng chất nhầy không bị ứ đọng ở cổ họng.
Uống đủ nước
Cơ thể có thể bị mất nước do chảy dịch mũi sau. Uống nhiều nước có thể giúp làm loãng chất nhầy, giúp chất nhầy dễ dàng thoát ra ngoài cơ thể và ngăn ngừa mất nước.
Uống nước lọc ấm và nước trà ấm cũng có thể giúp giảm các triệu chứng khác đi kèm như đau họng, vướng họng. Hơi nước ấm bốc lên có thể giúp thông mũi xoang. Bạn nên tránh đồ uống có chứa caffein như cà phê, trà hoặc soda, bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ mất nước.
Xịt mũi, rửa mũi
Rửa mũi có thể làm loãng và loại bỏ dịch nhầy đặc hoặc dư thừa. Bạn nên sử dụng nước đun sôi để nguội hoặc nước vô trùng để pha dung dịch rửa mũi. Tuy nhiên, tốt hơn hết là nên dùng nước muối sinh lý và bình rửa mũi chuyên dụng để rửa mũi. Dùng dung dịch vệ sinh mũi chuyên dụng, chẳng hạn như Zenko để xịt mũi giúp làm sạch mũi.
Sử dụng máy phun sương, tạo ẩm
Máy cấp ẩm giúp bổ sung độ ẩm cho không khí, giảm sự kích ứng tăng tiết chất nhờn của cơ thể. Máy cấp ẩm đặc biệt nên sử dụng trong mùa khô hoặc trong môi trường điều hòa, tuy nhiên cần thường xuyên làm sạch màng lọc của máy để vi trùng, vi khuẩn gây bệnh không có điều kiện thuận lợi phát triển.
DS Phan Thu Hiền