Các bệnh lý tai mũi họng là sự khởi đầu của nhiều bệnh. Tuy nhiên các triệu chứng ban đầu thường không mấy nghiêm trọng nên dễ bị bỏ qua. Qua thời gian, các bệnh này không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Vậy đâu là các bệnh lý tai mũi họng thường gặp?
Các bệnh thường gặp về tai
Viêm tai giữa
Là chứng bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh: nước chảy vào tai, nhiễm lạnh, ô nhiễm không khí, thiếu máu não, tổn thương từ các niêm mạc tai…
Những triệu chứng thường gặp: đau tai, sốt nhẹ, nhức đầu, suy giảm thính giác, có dịch tiết lỏng chảy từ tai, đau họng…
Chuyển sang viêm tai giữa mãn tính, có mủ gây viêm xương chũm, viêm tai xương chũm mãn tính hồi viêm có thể gây liệt mặt, viêm mê nhĩ, áp xe ngoài màng cứng – biến chứng sọ não…
Bệnh ù tai
Là chứng bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi. Người bệnh không nghe rõ được âm thanh, trong tai lúc nào cũng nghe những tiếng “ù ù”, cực kỳ khó chịu.
Nguyên nhân gây bệnh: viêm màng nhĩ ngoài, nhiều ráy tai gây tắc nghẽn, dị tật ngoài tai xơ cứng tai, thiếu máu lên não, lạm dụng nhiều chất kích thích…
Ù tai có thể khiến người bệnh thường xuyên mất ngủ, chóng mặt, mất tập trung, đau đầu, suy giảm trí nhớ…
Viêm tai ngoài
Là tình trạng viêm tai xảy ra khi ống tai do bị thương tổn, bị xâm nhập bởi vi khuẩn vào các liên kết nằm ở dưới da. Đây là hiện tượng xảy ra ở nhiều đối tượng, kể cả ở trẻ nhỏ.
Triệu chứng: ngứa, đau tai, lung bùng lỗ tai, không nghe được gì, chảy dịch vàng, cơn đau tai tăng lên khi hắc hơi, nhai thức ăn… Viêm tai ngoài có thể gây suy giảm thính lực, điếc tai; chuyển sang giai đoạn mãn tính, tổn thương não bộ, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác (viêm tai giữa, đái tháo đường…).
Chảy mủ tai
Viêm tai giữa là bệnh thường thấy ở trẻ em và người lớn. Bệnh nhân bị chảy mủ tai tương đối thường xuyên. Điều trị bệnh này tương đối khó vì dễ tái phát. Làm tai khô và điều trị kháng sinh, bệnh có thể tạm ổn.
Làm tai khô bằng cách lấy que bông cho vào tai. Khi bông thấm đầy mủ, bỏ que này lấy que khác thế vào. Phải dùng đến 5 – 7 que tai mới khô mủ. Mỗi khi thấy có mủ là phải làm khô tai. Có thể một ngày làm 2 – 3 lần. Ở nơi không có que bông có thể lấy lọ nhỏ mắt cũ có vòi sẵn. Rửa sạch, để khô. Bóp lọ nhỏ mắt cho không khi thoát ra, đưa vòi vào ống tai, nơi có mủ, mở tay ra, mủ sẽ bị hút vào trong lọ. Bóp cho mủ ra ngoài, sau đó làm lại như cũ. Phải làm như vậy 2 – 3 lần mới mong phần lớn mủ được hút ra. Nếu vòi lọ nhỏ mắt ngắn, có thể ráp vào đầu ống dịch truyền dài độ 2cm.
Chảy máu tai nhẹ
Chảy máu tai nhẹ thường do sây sát khi móc tai, hoặc có người đụng vào. Có thể cầm máu bằng nhét bông sạch vào ống tai, không cần phải đi bệnh viện
Các bệnh lý thường gặp về mũi xoang
Mũi chính là phần đầu của hệ hô hấp, có chức năng dẫn khí, đồng thời làm sạch cũng như sưởi ấm không khí trước khi đưa vào phổi. Mũi bao gồm 3 phần, đó là mũi ngoài, khoang mũi, các xoang cạnh mũi.
Cũng giống như bất cứ cơ quan nào trong cơ thể, mũi có thể là nơi khởi phát của các bệnh lý. Nhất là khi bị các tác nhân như vi khuẩn, virus… tấn công. Dưới đây là một số bệnh lý thường gặp về mũi xoang:
Viêm mũi cấp tính
Đây là một trong những bệnh rất phổ biến của đường hô hấp trên, có thể xuất hiện độc lập hay đi kèm với những bệnh nhiễm trùng cấp tính khác. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh khởi phát. Điển hình như thay đổi thời tiết, virus, vi khuẩn hay nấm xâm nhập và phát triển trong niêm mạc mũi.
Bên cạnh đó, lạm dụng thuốc nhỏ mũi hay xịt mũi trong thời gian dài cũng sẽ khiến cho niêm mạc mũi bị xơ hóa, dẫn đến xung huyết, phù nề. Ngoài ra, một số bệnh lý khác như viêm họng, amidan, VA, cảm, cúm… cũng có thể dẫ đến tình trạng viêm mũi cấp tính.
Ngạt mũi, chảy nước mũi, giảm chức năng ngửi, toàn thân mệt mỏi, đau đau đầu, chán ăn… là những triệu chứng điển hình của bệnh. Một số biểu hiện có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm hay khi thời tiết chuyển lạnh.
Viêm mũi dị ứng
Bệnh lý này thường sẽ xuất hiện khi cơ thể phản ứng thái quá với một số chất gây kích ứng trong không khí. Bệnh viêm mũi dị ứng cũng là một trong những bệnh về đường hô hấp trên rất phổ biến. Tác nhân chính gây bệnh là bụi bẩn, nấm mốc và phấn hoa trong môi trường.
Ngứa ngáy trong niêm mạc mũi, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi… là những triệu chứng đặc trưng. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như ho, ngứa cổ, chảy nước mắt, ngứa mặt, cơ thể mệt mỏi…
Viêm xoang
Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc hô hấp lót trong các xoang ở cạnh mũi. Đây chính là tình trạng phù nề làm cho niêm mạc các xoang tăng tiết nhầy khiến xoang bị tắc nghẽn.
Nguyên nhân chính gây bệnh thường là do nhiễm vi khuẩn hay virus khiến niêm mạc xoang bị tổn thương. Ngoài ra, viêm xoang cũng có thể là hệ quả của bệnh viêm mũi dị ứng kéo dài không được khắc phục.
Viêm xoang là một trong những bệnh về mũi dễ chuyển thành mạn tính nếu phát hiện muộn
Triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm xoang chính là sự xuất hiện của các tình trạng sổ mũi, hắt hơi tương tự như nhiễm cúm. Sau đó, tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi, dịch tiết mũi có màu xanh vàng sẽ xuất hiện. Khi bệnh trở nặng, bạn có thể bị ho, sốt, nặng mặt, không ngửi thấy mùi, đau nhức đầu.
Polyp mũi xoang
Đây cũng là một trong những bệnh về mũi thường gặp đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Polyp mũi xoang chính là một dạng u lành có thể xuất hiện ở hốc mũi hoặc trong các xoang. Khối polyp có cấu trúc phía ngoài là lớp biểu mô, phía trong là tổ chức liên kết với các tế bào xơ.
Những khối polyp nhỏ thường rất ít khi gây ra triệu chứng nhưng polyp lớn lại gât cản trở đường hô hấp. Chính điều này có thể khiến người bệnh gặp các vấn đề như khó thở, giảm khứu giác. Đôi khi chúng còn gây nhức đầu âm ỉ rất khó chịu. Polyp quá lớn còn có thể làm thay đổi hình dạng khuôn mặt.
Ung thư mũi
So với các bệnh lý trên thì bệnh ung thư mũi thường hiếm gặp hơn. Đặc trưng của bệnh chính là sự hình thành của các khối u có thể lành tính hay ác tính ở trong mũi xoang.
Bệnh có xu hướng xuất hiện ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ, nhất là trong độ tuổi từ 35 đến 55. Nguyên nhân gây bệnh ung thư mũi hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các yếu tố như thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, nhiễm virus HPV, hút thuốc lá… được cho là có liên quan đến sự khởi phát của bệnh.
Người bệnh sẽ thường xuyên gặp các triệu chứng như cảm giác căng cứng xoang, đau nhức vùng mặt, đau đầu… Ngoài ra, các triệu chứng khác như chảy máu cam,sưng mắt, đau răng hàm trên, đau nặng tai… cũng có thể đi kèm.
Các bệnh lý về họng thường gặp
Họng là nơi tiếp xúc đầu tiên với các yếu tố môi trường như không khí, khói bụi, các loại thực phẩm, các yếu tố dị nguyên… nên rất dễ tổn thương. Các bệnh lý về họng thường gặp (ở cả người lớn và trẻ nhỏ) bao gồm:
Viêm họng
Đây là bệnh lý về họng rất phổ biến, đặc biệt hay xảy ra ở trẻ em. Bệnh thường do vi rút, vi khuẩn gây ra, nếu để lâu ngày không chữa trị thì nó có thể có những biến chứng rất nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
- Viêm họng cấp tính: Là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời với viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang… hoặc trong các bệnh nhiễm khuẩn lây của đường hô hấp trên như cúm, sởi…
- Viêm họng mạn tính: Là tình trạng viêm họng kéo dài không được điều trị dứt điểm. Viêm họng mạn tính xuất hiện do viêm mũi xoang mạn tính, viêm amidan mạn tính, do tiếp xúc với khói bụi độc hại,…
- Viêm họng hạt: là sự tiến triển của viêm họng mạn tính, tức là do họng bị viêm nhiễm tái diễn nhiều lần khiến các thể lympho trong họng và amidan phì đại, kích ứng, phát triển thành dạng hạt, có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt.
Viêm VA
VA là một tổ chức lympho nằm ở vòm họng, là một phần thuộc vòng bạch huyết Waldeyer. VA phát triển mạnh ở lứa tuổi nhỏ và bắt đầu thoái triển từ 5-6 tuổi trở đi.
- Viêm VA cấp tính: Viêm VA cấp tính là viêm nhiễm cấp tính, xuất tiết hoặc có mủ ở VA ngay từ nhỏ, cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn (nhưng rất hiếm).
- Viêm VA mạn tính: Viêm VA mạn tính là tình trạng VA quá phát hoặc xơ hoá sau viêm
Viêm Amidan
Viêm amidan là nhóm bệnh hay gặp, đứng hàng đầu trong những bệnh lý về họng. Bệnh tiến triển có thể cấp tính hay mạn tính. Viêm amiđan rất hay tái phát và có thể gây các biến chứng nguy hiểm.
- Viêm amidan cấp: là viêm nhiễm của amidan khẩu cái do virus hoặc vi khuẩn. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 5 – 15 tuổi.
- Viêm amidan mạn tính: là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần của amidan khẩu cái. Viêm amidan mạn tính xuất hiện nếu viêm cấp không được điều trị đúng, kháng sinh không đủ liều, không đúng cách.
Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng – phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi. Ðây là loại ung thư thường gặp hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ và đứng thứ 4 trong các loại ung thư nói chung.
Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, những thức ăn lên men là yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Ngoài ra, ung thư vòm họng còn xuất hiện do nhiễm virus EBV lây lan qua đường nước bọt và chất tiết nhầy đường sinh dục.
Ung thư vòm họng thường được phát hiện muộn do bệnh tiến triển âm thầm và các triệu chứng thường không đặc thù dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Cần chú ý những gì để phòng tránh bệnh lý tai mũi họng?
- Hạn chế đồ ăn lạnh, chua cay để bảo vệ vùng họng.
- Không ở trong môi trường điều hòa có nhiệt độ quá chênh lệch trên 10 độ với môi trường bên ngoài.
- Súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để vùng mũi họng được khử trùng, làm sạch, thông thoáng mỗi ngày.
- Hạn chế tiếp xúc hoặc cần thiết phải tiếp xúc với môi trường khói bụi, hóa chất cần phải đeo khẩu trang để bảo vệ vùng mũi họng.
- Chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung các vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Khi có những triệu chứng về bệnh Tai – Mũi – Họng cần đến gặp bác sĩ để được khám, tư vấn và điều trị bệnh hiệu quả. Tránh để bệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập mà còn gây trở ngại cho việc điều trị về sau thậm chí có những bệnh gây mạn tính nặng nề cần phải can thiệp phẫu thuật.