Viêm xoang cấp: điều trị đúng cách để tránh biến chứng nguy hiểm

Viêm xoang cấp là tình trạng viêm các xoang cạnh mũi trong một khoảng thời gian ngắn với các triệu chứng rầm rộ như: Sốt nhẹ, chảy nước mũi, ngạt tắc mũi, đau nhức vùng mặt tương ứng… khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi. Viêm xoang cấp nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng.

viêm xoang cấp
Viêm xoang cấp kéo dài không quá 4 tuần

1. Bệnh viêm xoang cấp là gì?

Viêm xoang cấp tính hay còn gọi là viêm mũi xoang cấp tính là một nhiễm trùng/viêm trong thời gian ngắn hoặc viêm niêm mạc của các xoang. Viêm xoang xảy ra do không dẫn lưu được mủ ứ đọng trong xoang, mủ và dịch nhầy không thoát ra khỏi mũi được. Bệnh có biểu hiện kéo dài không quá 4 tuần.

2. Nguyên nhân nào gây bệnh viêm xoang cấp?

  • Nhiễm virus: Hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp là do bị cảm lạnh. Khi bị cảm lạnh, phản ứng viêm diễn ra khiến niêm mạc mũi sưng phù, lỗ thông bị nhỏ hẹp, khiến dịch ứ tắc.
  • Nhiễm vi khuẩn: Vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên cũng có thể gây viêm xoang. Ngoài ra, nhiễm trùng răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm tủy… cũng có thể lan tới các xoang kề cận như xoang hàm, gây viêm xoang cấp tính.
  • Nhiễm nấm: Hệ miễn dịch suy giảm, bất thường trong cấu trúc mũi (như vẹo vách ngăn) sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, gây viêm xoang.
  • Dị ứng: Viêm mũi dị ứng kéo dài có thể dẫn đến viêm xoang cấp.
  • Chấn thương vùng hàm mặt hoặc bất thường về cấu trúc xoang: làm hạn chế, cản trở dịch xoang thoát xuống phía dưới.
  • Yếu tố kích thích như hơi, khí hóa chất độc: có thể gây kích ứng, làm phù nề niêm mạc xoang, tăng tiết dịch gây viêm.

3. Triệu chứng của viêm xoang cấp?

Triệu chứng thường gặp của viêm xoang cấp tính là chảy dịch màu vàng hoặc màu xanh từ mũi xuống phía sau cổ họng, tắc nghẹt mũi, khó khăn trong việc thở bằng mũi. Ngoài ra, người bệnh có cảm giác đau, sưng nặng vùng mắt, má, mũi, trán, đau nhức ở hàm trên và răng.

Một số triệu chứng khác của viêm xoang cấp:

  • Đau tai
  • Viêm họng
  • Hơi thở hôi
  • Mệt mỏi
  • Khó chịu
  • Sốt
  • Buồn nôn

4. Cách chẩn đoán viêm xoang cấp

Để chẩn đoán viêm xoang cấp, các bác sỹ sẽ tiến hành thăm khám trực tiếp để xác định tình trạng của bệnh nhân. Ngoài ra, có thể tiến hành nội soi mũi, nghiên cứu hình ảnh như chụp CT hoặc MRI để xác định tình trạng viêm hoặc các bất thường khác ở xoang. Xét nghiệm vi sinh mũi xoang có thể được cân nhắc để xác định nguyên nhân do nhiễm trùng khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị và tình trạng ngày càng xấu đi. Các thử nghiệm dị ứng có thể được áp dụng nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh được kích hoạt bởi tác nhân dị ứng.

5. Các biến chứng có thể gặp phải

Viêm xoang cấp nếu không điều trị tốt có thể dẫn tới các biến chứng như viêm xoang mạn tính, viêm mũi họng mạn tính hoặc viêm đường hô hấp (viêm thanh quản, viêm phế quản, giãn phế quản) hoặc gây viêm tai giữa cấp, viêm khớp.

Một trong các biến chứng nguy hiểm là biến chứng ở mắt. Viêm xoang có thể dẫn tới viêm tấy ổ mắt, áp-xe mí mắt, viêm dây thần kinh thị giác, viêm túi lệ và có khá nhiều người giảm thị lực, thậm chí có trường hợp bị mù đột ngột.
Ở trẻ em, viêm xoang cấp gây những biến chứng nặng nề như viêm xoang sàng xuất ngoại (mủ chảy ra ngoài làm thành túi mủ ở góc trong ổ mắt) hoặc cốt tủy viêm xương hàm trên (sưng phồng ở phần má, dưới ổ mắt), đôi khi dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

6. Điều trị viêm xoang cấp tính

Điều trị bằng thuốc

  • Corticosteroid xịt mũi: giúp ngăn ngừa và điều trị viêm, ví dụ như fluticasone (Flonase®, Veramyst®), budesonide (Rhinocort®), mometasone (Nasonex®) và beclomethasone (Beconase AQ®, Qnasl®, các biệt dược khác).
  • Thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen.
  • Kháng sinh: Viêm xoang cấp do vi khuẩn có thể cần phải dùng thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể theo dõi bệnh có tiến triển nặng hoặc dai dẳng hay không để kê toa kháng sinh. Hãy tuân thủ liệu trình kháng sinh được kê, ngay cả khi các triệu chứng đã cải thiện.
  • Liệu pháp miễn dịch: nếu viêm xoang cấp tính là do nguyên nhân dị ứng, tiêm phòng dị ứng (phương pháp miễn dịch) sẽ giúp giảm phản ứng của cơ thể với các dị nguyên nhất định, từ đó giúp điều trị các triệu chứng.

Lưu ý: Để điều trị viêm xoang cấp tính hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình điều trị cần được nghỉ ngơi nhiều, có chế độ sinh hoạt phù hợp để các triệu chứng được đẩy lùi nhanh hơn.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị không dùng thuốc

  • Xịt, rửa mũi bằng nước muối sinh lý: có thể dùng nước muối sinh lý để xịt mũi hoặc rửa sạch mũi, sẽ giúp giảm viêm nhiễm.
  • Hít hơi nước ấm: cúi mặt xuống bát nước nóng hoặc ngồi trong phòng tắm có mở vòi nước nóng để hít ngửi hơi nước ấm bốc lên. Điều này sẽ giúp làm ẩm các xoang, thông đường thở, giảm nghẹt mũi, giảm đau xoang.
  • Kê gối cao khi ngủ: giúp giảm tắc nghẽn mũi xoang.
  • Uống nhiều nước: để làm lỏng dịch nhầy trong xoang, do đó sẽ giúp giảm tắc nghẽn.
  • Ăn uống đủ chất, với các thực phẩm giàu vitamin C: giúp tăng cường khả năng miễn dịch để cơ thể nhanh chóng đánh bại virus, vi khuẩn. Nên dùng thêm gừng, tỏi, hành khi chế biến món ăn bởi những loại gia vị này có tính ấm và chứa nhiều chất kháng sinh tự nhiên.

Hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp tính có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu thấy các triệu chứng tăng lên hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sưng nề, đau nhức vùng mặt nhiều, ù tai, đau tai, sốt cao liên tục… bệnh nhân cần đi khám ngay, để bác sĩ có biện pháp điều trị kịp thời.