Viêm VA và viêm amidan ở trẻ em có nhiều triệu chứng tương đồng. Nhận biết một số dấu hiệu điển hình của hai bệnh này giúp điều trị đúng cách.
VA và amidan là gì?
VA và amidan là cửa ngõ quan trọng bảo vệ đường hô hấp.
VA là 2 chữ viết tắt của cụm từ tiếng Pháp “Végétations Adénoides’’, tiếng Anh là adenotonsillar hay adenoid, y văn quốc tế gọi là amidan vòm.
VA và amidan đều là các thành phần cấu trúc của vòng bạch huyết Waldeyer của ngã tư hầu họng. Vòng bạch huyết Waldeyer là một vòng kín quanh hầu họng. Vòng này gồm 6 khối amidan:
- Amidan vòm (chính là VA): có 1 khối nằm ở vòm họng và có thể phát triển theo thành sau mũi họng.
- Amidan vòi: gồm 2 amidan, nằm ở hai bên phải và trái, quanh lỗ vòi tai.
- Amidan khẩu: gồm 2 amidan, nằm ở hai bên phải và trái, trong hố amidan của thành bên họng.
- Amidan lưỡi: chỉ có 1 khối, nằm ở đáy lưỡi.
Vòng bạch huyết Waldeyer được hình thành trong thai kỳ và phát triển đầy đủ khi trẻ chào đời. Khi trẻ 1-2 tuổi, các khối amidan phát triển nhanh về khối lượng, đạt đỉnh cao lúc 3-7 tuổi, sau đó teo dần đi.
Vòng bạch huyết Waldeyer có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây hại bên ngoài xâm nhập. Vi khuẩn, virus, dị nguyên và các chất kích thích trong thức ăn và không khí từ mũi hay miệng vào cơ thể đều phải thông qua vòng bạch huyết. Nếu vòng bạch huyết bị viêm sẽ trở thành ổ lưu trú của virus, vi khuẩn gây bệnh và ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
Viêm VA là gì?
VA chính là amidan vòm, là khối bạch huyết hình tam giác nằm trong lớp niêm mạc của nóc vòm và thành sau của vòm mũi họng, gần lưỡi gà. Bác sĩ dùng gương đặc biệt hoặc các dụng cụ đưa qua mũi mới có thể nhìn thấy VA.
Bình thường VA dày khoảng 2mm, không cản trở đường thở. VA có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tạo kháng thể và bảo vệ phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bị viêm sẽ khiến VA sưng to, có thể gây bít tắc cửa mũi sau, dẫn đến một số triệu chứng.
Các triệu chứng viêm VA:
- Nghẹt mũi
- Chảy dịch mũi sau
- Ho (do nước mũi chảy xuống cổ họng)
- Ngừng thở khi ngủ
- Thở khó khăn
- Khó ăn uống
- Có thể sốt cao
Cách điều trị viêm VA:
Nếu các triệu chứng viêm VA nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng các biện pháp chăm sóc như:
- Đánh răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày
- Xịt mũi, rửa mũi để giảm tình trạng nghẹt mũi
- Ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường khả năng miễn dịch, chống lại bệnh
- Xịt họng thảo dược giúp giảm ho, ngứa họng
Các loại thuốc điều trị viêm VA:
- Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nếu trẻ bị sốt cao
- Dùng thuốc kháng viêm giúp giảm viêm và phù nề
- Dùng thuốc nhỏ mũi giúp giảm sung huyết, cải thiện tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Dùng thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân là do vi khuẩn gây ra. Lưu ý thuốc kháng sinh cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Một số trường hợp viêm VA nặng gây tắc nghẹt mũi khó thở có thể được chỉ định phẫu thuật để nạo VA.
Viêm amidan là gì?
Viêm amidan chính là amidan khẩu cái, là những khối mô màu hồng hình ô van ở cả hai phía của họng. Khi dùng đèn chiếu, có thể nhìn thấy 2 amidan khẩu cái ở phía sau họng.
Các triệu chứng viêm amidan:
- Amidan sưng đỏ, có thể có màng trắng (mủ)
- Họng đau rát
- Ho có đờm
- Khàn tiếng
- Ngủ ngáy
- Khó nuốt
- Ăn uống kém
- Sốt cao
Cách điều trị viêm amidan:
Các biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm amidan tương tự như với trẻ bị viêm VA hay các bệnh đường hô hấp khác.
Các loại thuốc điều trị viêm amidan:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau dùng khi trẻ bị sốt cao
- Thuốc giảm sung huyết, phù nề
- Thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân gây viêm là do vi khuẩn
Phẫu thuật cắt amidan thường áp dụng với các trường hợp viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Cách phòng tránh viêm VA và viêm amidan hiệu quả
Không thể ngăn ngừa hoàn toàn virus hay vi khuẩn tấn công và gây bệnh. Tuy nhiên, áp dụng các thói quen vệ sinh tốt, đồng thời xây dựng chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, phòng tránh viêm VA, amidan và các bệnh đường hô hấp khác.
Vệ sinh sạch sẽ
Vệ sinh sạch sẽ bao gồm rửa tay, tắm rửa, đồng thời đánh răng và súc miệng sạch sẽ mỗi ngày.
Rửa tay sạch: Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi. Lưu ý không để trẻ ngậm đồ chơi, cắn móng tay, đưa tay lên mắt – mũi – miệng.
Đánh răng, súc miệng sạch: Đánh răng mỗi ngày 2 lần, súc miệng bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch tối ưu khoang miệng, ngăn ngừa vi khuẩn, virus tích tụ ở vòm họng, amidan và VA.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Trẻ cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn vặt không chứa nhiều chất dinh dưỡng như bim bim, bánh kẹo ngọt… Thay vào đó, nên cho trẻ ăn các món ăn vặt giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe như sữa chua, các loại hạt…
Chú ý giữ ấm cơ thể
Khi trời lạnh, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, cần giữ ấm vùng cổ cho trẻ. Nhiễm lạnh dễ khiến trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, đau họng…
Bổ sung tăng đề kháng
Sức đề kháng được coi như “tấm khiên” bảo vệ, tránh những cuộc tấn công của virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh bên ngoài.
Ngoài việc ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, cha mẹ có thể tham khảo bổ sung các sản phẩm giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tiêu biểu như sản phẩm TPBVSK Tăng Đề Kháng Nhất Nhất.
Vân Anh