Viêm VA là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 6 tuổi, và tỷ lệ mắc ở Việt Nam khá cao. Viêm VA ở trẻ có thể gây biến chứng lên các cơ quan khác, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ.
Viêm VA là gì?
VA là tổ chức bao gồm nhiều lympho nằm ở vòm họng. Khi thở vào, không khí vào mũi, qua VA rồi mới vào phổi. Bình thường VA chỉ dày khoảng 4-5 mm, không cản trở đường thở. VA tuy rất mỏng, nhưng xếp theo hình lá nên diện tiếp xúc với bên ngoài rất rộng.
Bình thường VA có từ lúc trẻ mới sinh nhưng rất nhỏ. Từ 6 tháng tuổi, nó phát triển dần theo nhiệm vụ miễn dịch. Đến 9-10 tuổi, VA teo dần và chỉ còn dấu vết ở tuổi dậy thì. Khi khỏe mạnh, VA làm rất tốt nhiệm vụ là nhận diện vi khuẩn để tạo ra kháng thể. Khi sức đề kháng suy yếu, vi khuẩn quá nhiều sẽ xâm nhập toàn bộ VA. Lúc này nếu bạch cầu không đủ sức “bắt” tất cả vi khuẩn, chúng sẽ bám và cư trú tại VA, sinh sôi nảy nở và gây viêm.
Viêm VA ở trẻ có triệu chứng gì?
Triệu chứng viêm VA điển hình đó là:
- Ngạt mũi: Ngạt nặng dần cả 2 bên khiến thở khó khăn, phải há miệng để thở, khi thở có tiếng khò khè, khụt khịt. Trẻ không thở được bằng mũi do VA lớn che kín cửa mũi sau.
- Chảy nước mũi (sổ mũi): Lúc đầu chảy nước mũi trong sau đó có màu trắng, vàng, tanh.
- Ho: Thường xuất hiện sau khi trẻ bị ngạt mũi. Dịch từ mũi chảy xuống họng và thường xuyên thở bằng miệng là nguyên nhân gây ho ở trẻ bị viêm VA.
- Mệt mỏi, quấy khóc: Do nghẹt mũi, khó thở nên trẻ ngủ không sâu giấc, chập chờn, hay giật mình, quấy khóc trong đêm.
- Rối loạn tiêu hoá: Do nuốt đờm, dịch, mủ từ VA chảy xuống nên trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau bụng, nôn trớ, tiêu chảy.
- Sốt cao: Có thể bị sốt từ 38-39 độ C trong các đợt viêm cấp.
Ngoài các triệu chứng này, để chẩn đoán trẻ bị viêm VA, bác sĩ có thể đề nghị nội soi vòm mũi họng. Nếu bị viêm, VA sẽ sưng, sần sùi, che kín cửa mũi sau.
Khi bệnh tái phát nhiều lần thành mạn tính, VA bị xơ hóa và trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn. Lúc này, trẻ sẽ bị ngạt mũi, chảy nước mũi thường xuyên, kéo dà. Trẻ thường ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc, ngủ ngáy và xuất hiện những cơn ngừng thở khi ngủ vô cùng nguy hiểm.
Chăm sóc trẻ bị viêm VA như thế nào?
Khi bị viêm VA cấp, trẻ sẽ được uống các loại thuốc kháng sinh, chống viêm. Bố mẹ cần đưa trẻ đi khám, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng lại đơn thuốc cũ hay tự ý mua thuốc không theo đơn tránh bệnh trở nên nghiêm trọng. Viêm VA mạn tính có thể cần được nạo VA.
Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ nên chú ý tới chế độ ăn uống cho trẻ nhằm bổ sung đầy đủ dưỡng chất để củng cố hệ miễn dịch và tăng cường sức khỏe cho trẻ.
Vệ sinh mũi họng cho trẻ sạch sẽ bằng nước muối sinh lý. Đảm không gian sống và vui chơi của trẻ thoáng mát, sạch sẽ.
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước trái cây sẽ giúp giảm tình trạng viêm, khô họng.
Cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau xanh bổ sung các loại vitamin như vitamin C, E, A, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm, khó thở. Các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin D, canxi và protein là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể. Tránh các loại hoa quả chua, chát như: mận, táo chua vì ăn những thực phẩm này sẽ khó làm long đờm.
Hạn chế cho trẻ ăn mặn vì sẽ gây nên hiện tượng tích nước, gia tăng tình trạng viêm và gia tăng dịch nhầy.
Không cho trẻ ăn quá nhiều đường vì có thể gây khó tiêu. Kiêng ăn các đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu… dễ gây kích thích niêm mạc phế quản gây ho.
Nếu được chăm sóc đúng cách và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, các triệu chứng viêm VA ở trẻ sẽ nhanh chóng chấm dứt.
DS Phan Thu Hiền