Nghẹt mũi là tình trạng mà cả trẻ em và người lớn đều rất dễ mắc phải. Nhận biết các nguyên nhân gây ra nghẹt mũi thường gặp và cách giảm ngạt mũi hiệu quả.
Nguyên nhân thường gặp gây ra nghẹt mũi
Chúng ta vẫn thường nghĩ nghẹt mũi nguyên do là có quá nhiều dịch nhầy đặc kẹt lại trong khoang mũi gây bít tắc không thở nổi. Nhưng thực tế nguyên nhân gây ra nghẹt mũi là do các mạch máu trong mũi xoang đang bị viêm và sưng lên. Các mạch máu bị kích thích thường là do cảm lạnh, cảm cúm…
Tình trạng tắc nghẹt mũi liên quan tới các bệnh cảm lạnh, cảm cúm thường cải thiện trong vòng 1 tuần. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 1 tuần thì đây lại là triệu chứng của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
Nếu bạn bị nghẹt mũi kéo dài thường là do:
- Viêm mũi dị ứng
- Có polyp mũi hoặc các khối u lành tính trong khoang mũi
- Phơi nhiễm hóa chất
- Tiếp xúc với các chất kích thích môi trường
- Viêm xoang mạn tính
- Vách ngăn mũi bị lệch
Những thay đổi này sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới niêm mạc mũi, khiến chúng viêm, khô và chảy máu gây ra tình trạng nghẹt mũi.
Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ngạt mũi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn so với trẻ lớn và người lớn. Khi các bé bị ngạt mũi sẽ khó có thể bú sữa mẹ nhất là đối với trẻ sơ sinh và thậm chí có thể dẫn tới các vấn đề về hô hấp dẫn tới tử vong.
Nghẹt mũi cũng có thể ngăn ngừa sự phát triển bình thường của thính giác và cách nói chuyện. Vì thế, nếu trẻ bị ngạt mũi lâu ngày thì cần đưa bé tới bác sĩ càng sớm càng tốt để có phương pháp điều trị kịp thời.
Mẹo đơn giản giúp giảm nghẹt mũi hiệu quả tại nhà
1. Sử dụng máy tạo độ ẩm
Máy tạo độ ẩm là một cách đơn giản và nhanh chóng giúp giảm ngạt mũi hiệu quả bởi không khí ẩm sẽ giúp giảm tình trạng khô mũi và nghẹt mũi. Hít thở trong phòng có máy tạo độ ẩm sẽ giúp làm dịu các mô mũi bị kích thích cũng như giảm sưng tấy ở các mạch máu trong xoang mũi. Độ ẩm cao cũng giúp làm loãng chất nhầy trong mũi xoang.
Vì thế, khi có người bị ngạt mũi bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để làm thông thoáng xoang mũi và hít thở dễ hơn.
Tuy nhiên, với người bị hen suyễn thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng máy tạo độ ẩm.
2. Tắm vòi hoa sen với nước ấm hoặc chườm ấm
Hơi nước ấm từ vòi hoa sen khi tắm sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong xoang mũi và giảm viêm hiệu quả. Tắm hơi nước nóng khi bạn bị ngạt mũi sẽ giúp thông thoáng đường thở nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn.
Chườm ấm cũng có tác dụng thông mũi bị ngạt tương tự như tắm nước ấm. Hơi ấm sẽ giúp người bị ngạt mũi dễ chịu hơn, giảm đau và giảm viêm trong mũi. Chườm ấm liên tục nếu bạn thấy khó chịu do bị ngạt mũi.
3. Uống đủ nước
Khi bị ngạt mũi do cảm lạnh, cảm cúm hay nhiễm vi rút, vi khuẩn, hãy chú ý bổ sung chất lỏng bao gồm cả nước lọc và các loại nước trái cây. Chúng sẽ giúp làm loãng dịch nhầy đặc trong mũi và đẩy chúng ra ngoài để giảm áp lực trong xoang. Ít áp lực hơn sẽ đồng thời giảm viêm và kích ứng trong mũi.
Nếu bạn bị nghẹt mũi kèm theo đau họng, uống trà ấm và súp cũng sẽ giúp giảm phần nào khó chịu trong cổ họng.
4. Sử dụng bình xịt muối biển
Sử dụng dung dịch nước muối xịt mũi cũng có khả năng giúp giảm nghẹt mũi bởi làm tăng độ ẩm trong mũi. Nước muối giúp làm loãng chất nhầy trong mũi. Vì thế, xịt nước muối sẽ giúp làm giảm viêm các mạch máu và làm sạch dịch nhầy đặc trong mũi.
Nhiều loại nước muối biển có bán sẵn tại các nhà thuốc trên toàn quốc.
Tuy nhiên, bạn nên để ý về thành phần và nếu chưa có chỉ định của bác sĩ thì nên tránh dùng các loại nước xịt mũi chứa các thành phần có khả năng thông mũi. Bởi chúng có thể tiềm ẩn nguy cơ khiến mũi bít tắc nhiều hơn sau ba ngày. Chúng cũng có thể gây tác dụng phụ khi dùng cùng các loại thuốc khác.
>> Xem thêm Dung dịch vệ sinh mũi Zenko – Xịt sạch, thông mũi
5. Dùng tinh dầu bạc hà
Tinh dầu bạc hà có khả năng giúp làm thông mũi tự nhiên và thậm chí còn có thể giúp làm loãng chất đờm trong xoang mũi. Vì thế khi bị nghẹt mũi thì có thể dùng tinh dầu bạc hà xoa lên ngực và ở cánh mũi để giúp thông thoáng khoang mũi.
Hoặc bạn có thể tìm mua loại tinh dầu bạc hà có thể uống được để pha loãng với nước ấm và uống nhiều lần trong ngày.
Khi nào bị nghẹt mũi nên đi khám bác sĩ?
Nghẹt mũi là bệnh thông thường và có thể tự khỏi khi áp dụng các mẹo xử lý đơn giản tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài và đặc biệt xuất hiện thêm các triệu chứng sau thì bố mẹ nên cho con đi khám sớm:
- Tắc nghẹt mũi gây đau kéo dài hơn 1 năm
- Chảy nước mũi xanh kèm theo đau xoang và sốt
- Nghẹt mũi kèm sốt cao kéo dài quá 3 ngày
- Người có hệ miễn dịch yếu, bị hen suyễn hoặc hen phế quản
- Người vừa gặp chấn thương ở đầu và có hiện tượng chảy dịch mũi chứa máu hoặc có dịch trong.
Đào Tâm