Phân biệt hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để điều trị đúng

Hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là hai bệnh hô hấp riêng biệt, nhưng có các triệu chứng tương tự nhau như ho, khó thở, thở khò khè nên thường bị nhầm lẫn. Làm sao để phân biệt hai bệnh này?

bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nhiều triệu chứng giống nhau

Độ tuổi khởi phát bệnh

Tắc nghẽn đường thở xảy ra với cả hai bệnh. Độ tuổi xuất hiện ban đầu thường là đặc điểm phân biệt giữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen suyễn.

Theo ghi nhận của Tiến sĩ Neil Schachter – Giám đốc Y tế của Khoa Chăm sóc Hô hấp, Bệnh viện Mount Sinai (New York, Mỹ) hen suyễn thường khởi phát từ tuổi ấu thơ, còn COPD thường chỉ xuất hiện ở người trên 40 tuổi, những người đang hoặc từng hút thuốc.

hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Hen suyễn thường khởi phát từ tuổi ấu thơ

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn và COPD là khác nhau:

Bệnh hen suyễn

Nguyên nhân gây bệnh có thể do sự kết hợp của các yếu tố môi trường và di truyền. Tiếp xúc với các dị nguyên (chất gây ra dị ứng) dẫn đến cơ thể phản ứng với các tác nhân này, làm khởi phát các triệu chứng. Phản ứng này khác nhau ở mỗi người.

Một số tác nhân gây hen suyễn phổ biến bao gồm: phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, lông vật nuôi, nhiễm trùng đường hô hấp, hoạt động thể chất, không khí lạnh, khói thuốc, một số loại thuốc như thuốc chẹn beta và aspirin, căng thẳng, sulfit và chất bảo quản được thêm vào một số thực phẩm và đồ uống, bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD).

hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Phấn hoa có thể là tác nhân gây hen suyễn

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở các nước phát triển là do hút thuốc. Ở các nước đang phát triển, nguyên nhân là do tiếp xúc với khói bụi từ môi trường.

Có đến 20-30% những người thường xuyên hút thuốc bị COPD. Hút thuốc lá và khói thuốc kích thích phổi, làm cho các ống phế quản và túi khí mất đi tính đàn hồi tự nhiên và giãn nở quá mức, khiến không khí bị mắc kẹt trong phổi khi thở ra.

Khoảng 1% những người bị COPD là do rối loạn di truyền thiếu hụt một loại protein được gọi là alpha-1-antitrypsin (A1AT). Protein này giúp bảo vệ phổi. Nếu thiếu protein này, tổn thương phổi dễ dàng xảy ra, ngay cả khi không hút thuốc.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Bệnh hen suyễn

Bệnh hen suyễn thường trở nên tồi tệ hơn khi:

  • Tiếp xúc với chất gây dị ứng
  • Không khí lạnh
  • Tập thể dục

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tình trạng bệnh thường trầm trọng hơn do nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi và cúm. Bệnh cũng có thể trở nên tồi tệ hơn khi tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường.

hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Nhiễm trùng đường hô hấp làm trầm trọng thêm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Phương pháp điều trị hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh hen suyễn

Hen suyễn là một tình trạng bệnh lý mạn tính nhưng có thể được kiểm soát bằng phương pháp điều trị thích hợp. Một yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị là cần nhận biết được các tác nhân gây hen suyễn và thực hiện các biện pháp phòng tránh chúng.

Các phương pháp điều trị bệnh hen suyễn phổ biến bao gồm:

  • Thuốc giãn phế quản tức thời như thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn, ipratropium (Atrovent), và corticosteroid uống và tiêm tĩnh mạch;
  • Thuốc dị ứng như liệu pháp miễn dịch;
  • Thuốc kiểm soát hen suyễn lâu dài như corticosteroid dạng hít, chất điều chỉnh leukotriene, chất chủ vận beta tác dụng kéo dài, thuốc hít kết hợp và theophylline;
  • Chỉnh hình phế quản bằng nhiệt: Phương pháp chỉnh hình phế quản bằng nhiệt bao gồm việc làm nóng bên trong phổi và đường thở bằng điện cực, làm giảm lượng cơ trơn bên trong đường thở. Điều này làm giảm khả năng thắt chặt của đường thở, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn và có thể làm giảm các cơn hen suyễn.
hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Chỉnh hình phế quản bằng nhiệt là phương pháp điều trị hen không dùng thuốc

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Giống như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một tình trạng sức khỏe mạn tính và mục tiêu điều trị là kiểm soát các triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Người bệnh nên bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc. Đây là cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn. Một số phương pháp cai thuốc bao gồm các sản phẩm và thuốc thay thế nicotine, cũng như các nhóm trị liệu, thôi miên và hỗ trợ.

Các phương pháp điều trị phổ biến khác bao gồm:

  • Các loại thuốc như thuốc giãn phế quản, steroid dạng hít, thuốc hít kết hợp, steroid đường uống, chất ức chế phosphodiesterase-4, theophylline và thuốc kháng sinh.
  • Các liệu pháp phổi, bao gồm liệu pháp oxy và các chương trình phục hồi chức năng phổi liên quan đến giáo dục, tập luyện, tư vấn dinh dưỡng và tư vấn để tăng chất lượng cuộc sống.
  • Phẫu thuật giảm thể tích phổi (loại bỏ các khu vực mô phổi bị tổn thương để tăng không gian trong khoang ngực cho các mô phổi khỏe mạnh còn lại), ghép phổi (thay thế phổi bị bệnh và bị tổn thương bằng phổi khỏe mạnh được hiến tặng) hoặc cắt bỏ khối u (loại bỏ bất thường khoảng không khí lớn từ phổi để giúp cải thiện hô hấp)

DS Phan Thu Hiền