Cảnh báo các yếu tố khiến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thêm trầm trọng

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Một số thói quen hoặc chất kích thích có thể khiến các triệu chứng bệnh bùng phát và trầm trọng hơn.

bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
COPD là bệnh nguy hiểm, nguy cơ gây tử vong cao

Vài nét về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một nhóm các bệnh phổi gây khó thở, ho, mệt mỏi và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Thông thường, đường thở và túi khí trong phổi có tính đàn hồi hoặc co giãn. Khi hít vào, đường thở mang không khí đến các túi khí. Các túi khí chứa đầy không khí, giống như một quả bóng bay nhỏ. Khi thở ra, các túi khí xẹp xuống và không khí đi ra ngoài. Khi bị COPD, lượng không khí lưu thông vào và ra khỏi đường thở ít hơn do một hoặc nhiều vấn đề sau:

  • Các đường thở và túi khí trong phổi trở nên kém đàn hồi hơn
  • Các vách giữa các túi khí bị phá hủy
  • Các vách của đường thở trở nên dày và bị viêm
  • Đường thở tiết ra nhiều dịch nhầy hơn bình thường và có thể bị tắc nghẽn
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh nhân COPD thường bị ho kéo dài

Các yếu tố khiến COPD trở nặng

Thời tiết

Nhiệt độ và thời tiết có thể khiến các triệu chứng COPD trở nên trầm trọng hơn. Không khí lạnh, khô hoặc không khí nóng có thể gây bùng phát bệnh. Theo một nghiên cứu, nhiệt độ khắc nghiệt như lạnh dưới mức đóng băng và nóng trên 32°C là đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, các yếu tố khác như gió và độ ẩm cũng khiến nguy cơ bùng phát COPD tăng lên.

Do đó khi thời tiết lạnh và có gió, người bệnh nên che mũi và miệng khi ở ngoài trời bằng khẩu trang, khăn quàng hoặc thậm chí chỉ cần đan hai tay vào nhau và giữ chúng trên mũi và miệng. Trong nhà, độ ẩm không khí lý tưởng là 40%. Bạn có thể duy trì tỷ lệ phần trăm này bằng máy tạo độ ẩm vào mùa hanh khô. Vào những ngày cực kỳ nóng và ẩm ướt, cách tốt nhất để tránh bùng phát COPD là ở nhà và mở điều hòa chế độ khô.

bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Sử dụng máy cấp ẩm vào mùa hanh khô để duy trì độ ẩm không khí lý tưởng

Ô nhiễm không khí

Dù ở ngoài trời hay trong nhà, ô nhiễm không khí có thể gây kích ứng phổi và khiến các triệu chứng COPD bùng phát đột ngột.

Các chất gây dị ứng thường gặp là: bụi, phấn hoa, khói, mùi từ các nhà máy công nghiệp hoặc công trường xây dựng, khói từ đám cháy ngoài trời, phấn hoa, lông thú cưng, hóa chất từ các sản phẩm tẩy rửa, sơn hoặc dệt may, khói từ lò sưởi hoặc nấu ăn, nước hoa.

Những người bị COPD cần tự bảo vệ mình khỏi không khí ô nhiễm bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tập thể dục hoặc hoạt động thể chất ngoài trời, nhất là ở khu vực có mật độ khói bụi cao. Dùng máy lọc không khí có thể giúp lọc nhiều chất kích thích có hại ra khỏi không khí. Bên cạnh đó cần dọn dẹp nhà cửa thường xuyên và kỹ lưỡng, đặc biệt là hút bụi, sử dụng các sản phẩm làm sạch tự nhiên, không có nhiều chất kích ứng.

bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Người bị COPD nên đeo khẩu trang khi ra ngoài

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng rất nguy hiểm đối với người bị COPD do ảnh hưởng đến phổi và đường thở. Các loại virus phổ biến gây cảm lạnh và cúm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng COPD như: ho, khò khè, khó thở… Nếu không được điều trị đúng cách, chúng còn có thể dẫn đến viêm phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ nhiễm trùng là rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng, tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin được khuyến nghị, đặc biệt là đối với bệnh cúmviêm phổi. Bên cạnh đó, cần áp dụng đồng thời các biện pháp sau để hạn chế lây lan:

  • Thường xuyên lau chùi nhà cửa và các bề mặt.
  • Tránh những nơi đông người và những người bị bệnh để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Nếu bị cảm lạnh hoặc cúm, hãy nghỉ ngơi đầy đủ và điều trị càng sớm càng tốt.

>> Xem thêm Bí quyết tăng sức đề kháng cho cơ thể để phòng ngừa đại dịch

bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Rửa tay thường xuyên là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa lây lan bệnh

Thuốc lá

Sự nguy hiểm của việc hút thuốc đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Thuốc lá được cho là yếu tố quan trọng nhất kích hoạt COPD. Khoảng trên 80% những người mắc COPD nghiện thuốc lá. Tỷ lệ tử vong do bệnh COPD ở những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc.

Khói thuốc lá có chứa nhiều hóa chất độc hại gây kích ứng phổi. Hút thuốc cũng làm hỏng các lông mao có nhiệm vụ làm sạch đường hô hấp. Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và bùng phát các triệu chứng.
Hút thuốc lá gây hại cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với những người bị COPD nên bỏ thuốc ngay lập tức và tránh hít phải khói thuốc lá có trong môi trường.

Biết được những yếu tố khiến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bùng phát có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi sẽ giúp người bệnh phòng tránh tốt hơn.

DS Phan Thu Hiền