Cát cánh là một trong những dược liệu quý trong nền y học cổ truyền Việt Nam, được sử dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Rễ củ của cây sau khi thu hái, phơi khô được sử dụng để chữa các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, tiêu đờm, chỉ khái.
Cát cánh là vị thuốc có tác dụng tiêu đờm chỉ khái
Tổng quan chung về dược liệu Cát cánh
Rễ cát cánh dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách “Bản kinh”.
Tên gọi danh pháp
Tên gọi: Cát cánh
Tên gọi khác: Mộc tiện, kết canh, cánh thảo, bạch dược, phù hổ
Tên khoa học: Platycodon grandiflorum (Jacq.) A. DC.
Họ: Hoa chuông (Campanulaceae)
Đặc điểm thực vật
Cát cánh là loại cây cỏ sống lâu năm, thân mềm, màu lục xám, chứa nhựa mủ, cao 50-80cm, có rễ củ đôi khi phân nhánh, vỏ ngoài màu vàng nhạt.
Lá có cuống ngắn hoặc gần như không cuống, hình trứng, dài 3-6cm, rộng 1-2,5cm, gốc tròn, đầu nhọn, cuống hẹp, rìa lá có răng cưa, ở giữa thân cây trở xuống lá mọc đối hoặc có 3-4 vòng lá, lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le.
Hoa hình chuông, cánh hoa màu tím xanh hay màu trắng, mọc riêng lẻ hoặc thành bông thưa ở kẽ lá gần ngọn, đường kính 3-5cm. Đài có 5 thùy màu lục, tràng gồm 5 cánh hợp, 5 nhị đực, 1 nhị cái, đầu nhị xẻ 5.
Quả nang, hình trứng bao bọc bởi đài tồn tại, chứa nhiều hạt nhỏ, hình bầu dục, màu đen nâu.
Đặc điểm thực vật cây Cát cánh
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố
Cát cánh là cây ngày dài có nguồn gốc từ Trung Quốc, ưa khí hậu ôn hòa, ẩm ướt, nhiều ánh sáng. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển từ 25-30oC.
Cây mọc hoang và được tìm thấy nhiều ở khu vực đông bắc Châu Á bao gồm các nước như Nhật bản, Trung Quốc (An huy, Sơn Đông và Giang Tô), Triều Tiên và Đông Siberia.
Hiện nay, cây Trung Quốc, được nhập về và trồng ngày càng phổ biến ở nước ta.
Thu hái
Ở đồng bằng và trung du, mùa Đông trùng với thời kỳ cây non, cát cánh sinh trưởng phát triển gần như liên tục từ khi trồng tới lúc thu hoạch.
Ở miền núi, cây phải trải qua kỳ ngủ Đông, lúc này phần thân lá bị tàn lụi, không nên cắt mà để cây tự lụi.
Rễ của những cây 4-5 năm năm tuổi được sử dụng làm thuốc. Thu hái vào mùa thu đông hoặc mùa xuân.
Đào lấy rễ, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, rửa sạch, để ráo nước hoặc ủ khoảng 12 giờ, thái lát mỏng phơi hay sấy khô.
Chế biến
Sau khi đào rễ thu hái, mang về rửa sạch, bỏ tua rễ, sau đó cạo sạch vỏ ngoài rồi phơi nắng cho khô. Tẩm nước cắt lát dùng hoặc chế với mật rồi mang đi sao vàng tạo thành cát cánh chích mật.
Mô tả dược liệu
Dược liệu này là phiến mỏng, hình tròn hoặc không đều, thường có vỏ còn sót lại. Mặt cắt có phần ngoài màu trắng nhạt, tương đối hẹp, hình thành tầng vân vòng màu nâu nhạt. Phần gỗ rộng có nhiều khe nứt. Chất giòn, dễ bẻ gãy, mùi thơm nhẹ, vị ngọt, sau đắng. Khi dùng chích gừng.
Thành phần hoá học
Rễ của cát cánh có chứa một lượng lớn carbohydrate (khoảng 90%), protein, lipid và hơn 24 loại saponin triterpenoid.
Các chất được phân lập như Platycodin C, D, A, Methyl 2-O-Methylplatyconate-A, Polygalin acid, Platycogenic acid, 2% Kikyosaponin, Phytosterola và Innulin.
Ngoài ra, chúng còn chứa calci, chất xơ, sắt, khoáng chất, protein và vitamin. Các carbohydrate có trong rễ cây cát cánh là monosaccarit (glucose, fructose), disaccarit (saccharose), trisaccarit (ketose) và một số polisaccarit (inulin, platycodin).
Công dụng của dược liệu Cát cánh
Theo y học cổ truyền
Tính vị, quy kinh: Cát cánh có vị đắng, cay. Tính hơi ôn. Quy vào kinh Phế.
Tác dụng: Cát cánh có tác dụng bài nùng, tuyên phế khử đàm lợi yết và khai thông phế khí.
Chủ trị: các bệnh lý như họng đau nói khàn, chứng lụ, tiểu tiện lung bế (tiểu tiện không thông), áp xe phổi (ngực đau phế ung), ho có nhiều đờm, viêm họng sưng đau.
Công dụng dược lý
Dịch chiết dược liệu Cát cánh được chứng minh có tác dụng:
- Giảm đường huyết, giảm chỉ số cholesterol và hỗ trợ giảm mỡ trong gan
- Ngăn ngừa và làm giảm các loại nấm gây bệnh trên da.
- Long đờm, giảm ho và kích ứng cổ họng
- Kháng viêm, giảm đau và ức chế miễn dịch
- Giải nhiệt, chống viêm loét dạ dày
- Tác dụng an thần, giúp ngủ ngon
Rễ củ Cát cánh được dùng làm thuốc chữa bệnh
Ứng dụng chữa bệnh của vị thuốc Cát cánh
Cát cánh được biết đến là một thảo dược quý giúp điều trị các bệnh ho, viêm phế quản, viêm amidan, viêm họng, trừ đờm và chống cảm lạnh.
Liều lượng, cách dùng
Cát cánh có thể dưới dạng bột uống hoặc thuốc sắc, chỉ nên dùng từ 4-12g/lần tùy theo mục đích sử dụng.
Bài thuốc có chứa Cát cánh
- Chữa ho, tiêu đờm
Bài 1: Cát cánh 4g, cam thảo 8g, nước sắc 600ml. Sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Bài 2: Cát cành, bạc hà, mộc thông, cây bươm bướm, chiêu liêu, mỗi vị 6g. Sắc uống.
Bài 3: Cát cánh, trần bì, bán hạ chế, mạch môn sao, ngưu tất, ngũ vị tử, tiền hồ, ma hoàng, mối vị 6g. Sắc uống (dùng trong ho suyễn đờm nhiều kéo lên nghẹt cổ).
Bài 4: Cát cánh, kinh giới, bách bộ, mỗi vị 200g, cam thảo 60g, trần bì 100g. Các vị tán nhỏ, trộn đều, ngày uống 3-9g bột này, chia làm 3 lần, uống vào sau 2 bữa ăn và trước khi đi ngủ, mỗi lần 1-3g, có thể chế thành cao lỏng.
- Chữa cam răng, miệng hôi
Cát cánh, hồi hương, thành phần bằng nhau, tán nhỏ trộn đều, chấm vào nơi cam răng đã rửa sạch.
- Chữa cảm ngoại trong lạnh ngoài nóng, sợ rét, không khát, chân tay lạnh, ỉa chảy ra phân sống
Bài ngũ tích tán: Cát cánh 5,7g, bán hạ 7,5g, thương truật 2,8g, trần bì 2,3g, can khương 1,5g, hậu phác 1,5g, nhục quế 1,2g, bạch linh 1,2g, bạch chỉ 1,2g, xuyên khung 1,2g, đương quy 1,2g, bạch thược 1,2g, cam thảo 1,2g.
- Chữa xuất huyết não, sung huyết não trên cơ sở xơ cứng mạch máu não, có liệt nửa người và mất tiếng hoàn toàn hoặc không hoàn toàn
Cát cánh 3g, hoàng kỳ 15,5g, long đờm 10g, sinh địa 15,5g, đương quy 6g, bạch thược 6g, hạt mơ 10g, hồng hoa 3g, phòng phong 3g, cam thảo 3g, nước 800ml. Sắc còn 450ml, chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng trong 2-3 tháng.
- Chữa viêm não Nhật Bản B
Cát cánh 4,5g, liên kiều 10g, cam thảo 6g, hoàng cầm 6g, bạc hà 1,5g, dành dành 5g, thạch cao 31g, kim ngân 10g, thanh cao 6g, cúc hoa 10g, nước 300ml. Đun sôi trong 20 phút, uống hết 1 lần.
- Chữa một số bệnh ngoài da
Cát cánh 6g, cam thảo 4g, gừng 2g, táo chua (quả) 5g, nước 600ml. Sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày. Bài này dùng cùng thuốc mỡ bôi.
Lưu ý
Người bị ho lao, ho mãn tính, viêm phế quản, ho khan ít đờm nên tránh dùng cát cánh trong thời gian dài vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Người bị viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày không nên uống nhiều cát cánh.
Cát cánh kỵ với thịt lợn chính vì thế tuyệt đối không ăn thịt lợn khi uống thuốc chứa cát cánh.
Người bị ho lâu ngày kèm theo ho ra máu không nên dùng.
Dược sĩ Thu Hà