Phòng ngừa hen suyễn cho trẻ: Những điều cha mẹ nên làm ngay!

Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản là một bệnh hô hấp mạn tính thường gặp ở trẻ em. Hiện không có cách chữa khỏi bệnh hen suyễn nhưng cha mẹ có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cho trẻ.

Phòng ngừa hen suyễn
Hen suyễn là bệnh thường gặp ở trẻ

1. Xác định các tác nhân gây bệnh hen suyễn xung quanh trẻ

Nhận biết các tác nhân gây dị ứng trong môi trường

Cha mẹ cần để ý xem có chất gây dị ứng trong môi trường sống xung quanh trẻ hay không. Chất gây dị ứng có thể là những chất di chuyển được trong không khí, bám trên sàn nhà, bệ cửa sổ chẳng hạn như bụi, lông động vật, phấn hoa từ cây và cỏ… Gián hay nấm mốc cũng có thể gây dị ứng.

Bạn cũng cần lưu ý khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, nước hoa cũng có thể là những tác nhân kích thích gây ra các cơn hen suyễn.

Phòng ngừa hen suyễn
Phấn hoa có thể là tác nhân kích thích cơn hen suyễn

Theo dõi việc tập thể dục và các hoạt động thể chất của trẻ

Hen suyễn có thể khởi phát do tập thể dục và các hoạt động thể chất vì những hoạt động này gây áp lực cho hệ hô hấp của trẻ. Do đó cha mẹ nên theo dõi việc tập thể dục của trẻ để đảm bảo bất kỳ diễn biến hay dấu hiệu nào của cơn hen đều được xử lý kịp thời.

Phòng ngừa hen suyễn
Tập thể dục có thể gây áp lực cho hệ hô hấp của trẻ

Tránh cho trẻ ăn những thực phẩm có chứa chất bảo quản

Các hóa chất được sử dụng để bảo quản thực phẩm có thể gây ra bệnh hen suyễn. Sulfite là một trong những chất bảo quản phổ biến nhất, thường được tìm thấy trong một số loại thực phẩm và đồ uống. Cha mẹ hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm để đảm bảo không chứa chất bảo quản có thể là yếu tố kích hoạt cơn hen suyễn ở con.

Kiểm tra xem trẻ có các tình trạng sức khỏe khác không

Mắc bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, viêm phổi do virus hoặc ợ nóng và ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các cơn hen suyễn. Nếu nghi ngờ con mình có thể mắc các tình trạng sức khỏe khác khiến trẻ có nguy cơ bị lên cơn hen suyễn, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám.

Hãy báo với bác sĩ nếu trẻ bị lên cơn hen do dùng thuốc

Các cơn hen suyễn có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc như thuốc chống viêm NSAIDs và thuốc chẹn beta. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ đổi thuốc cho bé. Tuy nhiên việc ngừng sử dụng thuốc hay chuyển đổi thuốc cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nhận biết sự thay đổi cảm xúc của con

Căng thẳng, áp lực trong học tập hoặc các mối quan hệ xung quanh có thể là tác nhân kích thích gây ra bệnh hen suyễn. Bạn nên theo dõi hành vi của con mình, lưu ý bất kỳ dấu hiệu căng thẳng hoặc chấn thương nào, nói chuyện và chia sẻ với trẻ thường xuyên để giải tỏa căng thẳng.

2. Các cách phòng ngừa hen suyễn cho trẻ nên thực hiện ngay

Tránh xa phấn hoa, bụi bẩn

Trong mùa có nhiều phấn hoa, hãy đóng kín cửa sổ lại để giảm thiểu phấn hoa bay vào phòng của trẻ. Nhà cửa cần vệ sinh sạch sẽ, hút bụi thường xuyên và dùng khăn ẩm để lau sạch bụi trên tất cả các bề mặt phẳng trong nhà. Điều này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ khởi phát cơn hen suyễn ở trẻ.

Phòng ngừa hen suyễn
Nhà cửa sạch sẽ giảm thiểu nguy cơ khởi phát cơn hen ở trẻ

Tránh xa khói thuốc

Khói thuốc lá có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh hen suyễn cho trẻ. Người lớn trong gia đình nên bỏ thuốc lá và cũng nên tránh đưa trẻ đến nơi công cộng có thể có khói thuốc lá.

Sử dụng sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên

Hóa chất tẩy rửa có thể gây kích hoạt cơn hen suyễn. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng các sản phẩm tẩy rửa như nước lau sàn nhà, nước lau kính, rửa bát… được làm từ nguyên liệu tự nhiên.

Sử dụng khăn tắm, ga trải giường, rèm cửa và thảm làm từ sợi tự nhiên

Sử dụng sợi tự nhiên trong nhà có thể làm giảm đáng kể các tác nhân gây hen suyễn vì bụi và chất gây dị ứng ít bị mắc kẹt trong sợi tự nhiên. Bạn nên giặt ga giường, khăn tắm, thảm và rèm cửa định kỳ để loại bỏ bất kỳ chất gây dị ứng nào bám trên chúng.

Luôn chuẩn bị bình xịt hen cho trẻ mang theo bên người

Nếu trẻ đã từng khởi phát cơn hen, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn bình xịt hen cho trẻ để trẻ luôn mang theo bên mình khi đi ra ngoài, nhất là khi đi tập thể dục. Việc tập thể dục là cần thiết để nâng cao sức khỏe nhưng cũng có thể tăng nguy cơ khởi phát cơn hen ở trẻ. Cha mẹ không nên hạn chế các hoạt động thể chất của con mà nên duy trì ở mức phù hợp và có biện pháp dự phòng trong trường hợp bé khởi phát cơn hen.

DS Phan Thu Hiền