Bạn hay người thân đang bị ho? Đây được coi như là nguyên do hàng đầu khiến chúng ta khám bệnh với hơn 30 triệu lượt khám bệnh mỗi năm.
Bước đầu tiên để giảm bớt các cơn ho là tìm ra nguyên nhân gây ho. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng bệnh. Khi có đầy đủ thông tin sẽ có phương pháp trị bệnh tốt nhất.
Nguyên nhân gây ho
Cơn ho được cho là giúp bảo vệ chúng ta. Mỗi khi ho, cơ thể sẽ đào thải ra ngoài bụi bẩn hay thức ăn ra khỏi phổi và khí quản. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra ho như:
Virus cảm lạnh hoặc cảm cúm
Cảm lạnh và cảm cúm được coi là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ho. Tuy khó chịu nhưng những cơn ho có đờm sẽ tống đờm chứa vi trùng ra khỏi đường thở khi bạn bị ốm. Thường cơn ho do cảm lạnh hoặc cảm cúm sẽ biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, sau khi bị cảm cơn ho khan có thể kéo dài vài tuần sau đó. Do phổi bị kích ứng khiến ho nhiều hơn.
Dị ứng và hen suyễn
Nếu như bạn có cơ địa dị ứng thì khi hít phải bụi hoặc nấm mốc có thể khiến phổi phản ứng. Khi đó, cơn ho là phản ứng của cơ thể với những tác nhân dị ứng.
Chất kích ứng gây ho
Ngay cả với người không bị dị ứng, khi ở những nơi có không khí lạnh, nhiều khói thuốc lá, mùi nước hoa nồng nặc cũng gây ho.
Chảy dịch mũi xuống họng
Khi bạn bị nghẹt mũi, chất nhày mũi chảy từ mũi xuống họng khiến bạn bị ho. Bạn có thể bị chảy dịch mũi sau khi bị cảm lạnh, cúm, viêm xoang, viêm mũi dị ứng,…
Trào ngược dạ dày
Khi bị ợ chua, axit dạ dày sẽ trào ngược lên họng, đặc biệt là vào ban đêm. Quá trình trào ngược gây kích ứng khí quản, thanh quản, cổ họng và khiến bạn bị ho.
Nguyên nhân khác
Đôi khi ho bắt nguồn từ một số vấn đề về sức khỏe khác như: viêm phổi, ngưng thở khi ngủ, tác dụng phụ của thuốc. Nên đi khám khi những cơn ho không giảm để đảm bảo mình không gặp vấn đề gì khác.
Phương pháp điều trị ho hiệu quả
Tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân gây ho mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp trị ho riêng biệt. Cụ thể:
- Các loại thuốc: Thuốc trị ho không kê đơn làm giảm các cơn ho. Thuốc làm tăng tiết đờm và khiến cho cổ họng thông thoáng hơn.
- Phương pháp khắc phục tại nhà: Uống nước ấm, hít không khí ẩm và ấm, dùng thuốc giảm ho. Có thể uống mật ong pha trà ấm hoặc một loại thuốc ho có thành phần này để giảm ho hiệu quả. Tuy nhiên với trẻ dưới 1 tuổi thì nên tránh uống mật ong.
- Tránh các tác nhân gây ho: Đối với người bị dị ứng hoặc hen suyễn hãy loại bỏ các tác nhân gây dị ứng trong nhà. Không cho vật nuôi vào phòng ngủ. Dùng máy lọc không khí để lọc không khí vào thời điểm giao mùa có nhiều phấn hoa. Tuy không có tác dụng tức thời, nhưng đây là cách bạn sẽ thấy có hiệu quả lâu dài trong việc phòng ho tái phát.
- Điều trị các bệnh khác: Ho do hen suyễn, trào ngược dạ dày hay các bệnh khác cần được khám và kê đơn điều trị bệnh.
Khi nào bị ho cần đi khám bác sĩ?
Hầu hết bị ho kéo dài là vô hại. Tuy nhiên, nếu bạn không tìm ra được nguyên nhân gây bệnh mà cơn ho kéo dài hơn 1 tuần thì đã đến lúc bạn nên gọi cho bác sĩ.
Hãy đi khám ngay khi ho còn đi kèm các triệu chứng sau:
- Khó thở
- Tức ngực
- Ợ chua liên tục
- Ho ra máu
- Sốt hoặc ra mồ hôi đêm
- Mất ngủ
Đào Tâm