Bất kỳ ai cũng có thể bị dị ứng thời tiết. Các triệu chứng dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa. Dị ứng thời tiết không chỉ khiến cho người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Dị ứng thời tiết là gì?
Dị ứng thời tiết là hiện tượng xảy ra đối với cơ thể chúng ta vào những thời điểm chuyển mùa, do thay đổi nhiệt độ đột ngột nóng – lạnh hoặc độ ẩm ảnh hưởng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc hoặc thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí, tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể. Rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể là nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết. Từ đó sẽ xuất hiện các phản ứng dị ứng, sản sinh ra hàng loạt kháng thể, chất hóa học trong cơ thể nhằm chống lại các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, gây hại cơ thể. Cơ chế sản sinh histamin cũng là hoạt động quan trọng trong hệ miễn dịch cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tình trạng dị ứng. Người bị dị ứng thời tiết khi tiếp xúc với các yếu tố bất lợi sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng rất nhanh như da mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay. Một số khác còn đi kèm theo các vấn đề hô hấp, mũi họng… khiến cho sinh hoạt hàng ngày của người bệnh bị ảnh hưởng.
Dị ứng thời tiết biểu hiện như thế nào?
Người bị dị ứng thời tiết sẽ có những biểu hiện như sau:
Da xuất hiện các nốt mẩn đỏ và ngứa, đặc biệt là các vùng da như bàn tay, chân, mặt là những nơi dễ bị nổi mẩn nhất. Cùng với đó người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Càng gãi thì những nốt mẩn đỏ càng lan rộng thành từng đám nổi trên bề mặt da. Thời gian kéo dài triệu chứng tùy vào sức đề kháng và mức độ dị ứng mà.
Da nổi mẩn đỏ và ngứa là triệu chứng điển hình của dị ứng thời tiết
Nổi mề đay: Song song với việc xuất hiện mẩn ngứa, người bệnh thường xuất hiện dấu hiệu phù, mảng mề đay dày cộm, có màu trắng hoặc hồng sau khoảng thời gian ngắn khi da tiếp xúc với các yếu tố thời tiết gây dị ứng. Đây là triệu chứng rất nguy hiểm đối với bệnh dị ứng thời tiết nổi mề đay đã ở giai đoạn nặng. Nổi mề đay cấp tính là nổi mề đay khắp cơ thể một cách đột ngột khiến cơ thể rơi vào trạng thái khó thở, tụt huyết áp nhanh, sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong.
Viêm mũi dị ứng: Người bệnh sẽ cảm thấy khô vùng mũi họng, ngứa ngáy vùng mũi, mắt khó chịu, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, mất ngủ, buồn ngủ ngày, mệt mỏi, kém tập trung… kèm theo đó là cảm giác khó chịu vùng mũi theo từng đợt, kéo dài khoảng từ 20-30 phút. Tùy thuộc vào mức độ dị ứng mà tần suất xuất hiện các đợt viêm mũi dị ứng cũng khác nhau.
Viêm mũi dị ứng gây khó chịu vùng mũi, chảy mũi từng cơn
Chàm bội nhiễm: Là da bị nổi mẩn đỏ có thể kèm mụn nước li ti, chảy dịch vàng, có nhiều vảy gầu ở đầu, khuỷu tay, đầu gối và mặt.
Khò khè, ho hoặc khó thở: Các triệu chứng thường tái đi tái lại mỗi khi thay đổi thời tiết hoặc giao mùa. Cần đi khám sàng lọc phát hiện sớm hen phế quản để kiểm soát bệnh ổn định tránh chuyển nặng gây đe dọa tính mạng, đặc biệt hay gặp ở trẻ hoặc những người được chẩn đoán hen phế quản trước đó nhưng chưa kiểm soát bệnh tốt.
Cách chữa trị dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết không thể chữa dứt điểm vì nó liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Người bị dị ứng thời tiết cần có giải pháp điều trị theo từng đợt và hạn chế tiếp xúc với yếu tố thời tiết bất lợi. Các phương pháp chữa trị và hạn chế diễn tiến của dị ứng thời tiết như sau:
Dùng thuốc theo chỉ định
- Thuốc kháng histamin H1 như cetirizine, loratadine.
- Nếu thuốc kháng histamin không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với thuốc kháng histamin H2 (cimetidine) hoặc dùng doxepin trong những trường hợp mề đay nặng gây lo lắng và trầm cảm.
- Prednisolone được chỉ định điều trị trong hội chứng phù mạch, mề đay, tăng bạch cầu ái toan.
- Corticoid được dùng để điều trị phòng ngừa các phản ứng kéo dài liên tục.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
- Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, chế độ ăn nhiều trái cây, rau xanh. Ngoài ra cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe.
Ăn nhiều trái cây, rau xanh giúp cơ thể tăng sức đề kháng, hạn chế diễn tiến của dị ứng thời tiết
- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố như khói bụi, phấn hoa, tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc đồ uống có cồn để tránh kích thích tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng.
- Tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc liên tục. Nếu ngồi trong máy lạnh, bạn chỉ nên chỉnh nhiệt độ chênh lệch khoảng 1-2 độ so với thời tiết ngoài trời. Bạn nên tránh làm việc dưới trời nóng gắt. Về mùa đông, bạn nên mặc ấm và giữ ấm đầu, tránh những nơi ồn ào náo nhiệt khiến cho không khí ngột ngạt dẫn đến hạ huyết áp và gây ra những cơn đau đầu.
DS Phan Hiền