Phân biệt chính xác viêm xoang và viêm mũi dị ứng để điều trị đúng

Viêm xoang và viêm mũi dị ứng là các bệnh lý đường hô hấp có những triệu chứng khá giống nhau. Phân biệt đúng bệnh sẽ giúp việc điều trị có kết quả tốt hơn.

Nghẹt mũi, sổ mũi là triệu chứng điển hình trong cả viêm xoang và viêm mũi dị ứng
Nghẹt mũi, sổ mũi là triệu chứng điển hình trong cả viêm xoang và viêm mũi dị ứng

Phân biệt nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng và viêm xoang

Bệnh viêm mũi dị ứng thường do di truyền, cơ địa của mỗi người phản ứng dị ứng với các tác nhân kích thích từ môi trường như bụi bẩn, phấn hóa, nấm mốc, thời tiết…

Viêm xoang hay còn gọi là viêm mũi xoang thường do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Trong đó, viêm xoang do virus chiếm chủ yếu và khoảng dưới 2% số bệnh nhân viêm xoang do virus sẽ bội nhiễm chuyển thành viêm xoang do vi khuẩn. Viêm xoang không xuất phát do yếu tố di truyền.

Các thể bệnh viêm xoang và viêm mũi dị ứng

Viêm mũi không phân loại thể bệnh vì vốn có thể được coi là bệnh mạn tính, sẽ khởi phát các đợt cấp bất kỳ khi nào gặp phải tác nhân gây dị ứng (gọi là dị nguyên). Trong khi đó, viêm xoang được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Mỗi loại sẽ có những điểm khác biệt trong điều trị.

Phân loại viêm xoang theo nguyên nhân gồm:

  • Viêm mũi xoang do virus
  • Viêm mũi xoang do vi khuẩn

Phân loại theo thời gian kéo dài của triệu chứng:

  • Viêm xoang cấp: triệu chứng dưới 4 tuần
  • Viêm xoang mạn: triệu chứng trên 12 tuần
  • Viêm xoang bán cấp: triệu chứng kéo dài từ 4 – 12 tuần
  • Viêm xoang tái phát: viêm xoang cấp do vi khuẩn từ 4 đợt trở lên mỗi năm (không có triệu chứng giữa các đợt).

Phân biệt triệu chứng viêm xoang và viêm mũi dị ứng

Triệu chứng đặc trưng của viêm mũi dị ứng

  • Chảy nước mũi là triệu chứng thường gặp, ngạt mũi, dịch mũi trong. Trong khi, viêm xoang dịch mũi đặc hoặc có màu.
  • Ngứa mũi, họng. Viêm xoang không có triệu chứng này.
  • Hắt hơi. Triệu chứng này ít gặp trong viêm xoang.
  • Có thể kèm theo các triệu chứng ở mắt: ngứa, đau, chảy nước mắt. Các triệu chứng này thường không xuất hiện với bệnh viêm xoang.

Bệnh viêm mũi dị ứng phát sinh triệu chứng khi gặp tác nhân gây dị ứng. Mức độ và thời gian kéo dài triệu chứng tùy cơ địa từng người và tùy vào việc có thể ngăn chặn tiếp xúc với dị nguyên hay không. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài, vệ sinh kém có thể bội nhiễm vi khuẩn, khi đó sẽ có các triệu chứng nhiễm khuẩn tương ứng.

viêm xoang và viêm mũi dị ứng
Hắt hơi, ngứa mũi là triệu chứng phổ biến của viêm mũi dị ứng

Triệu chứng của bệnh viêm xoang

Người bệnh được chẩn đoán xác định là viêm xoang khi có triệu chứng chảy nước mũi đặc hoặc có màu, chảy ra từ phía trước mũi hoặc viêm xoang sau chảy xuống họng, kèm theo 1 hoặc cả 2 triệu chứng nghẹt mũi và đau vùng mặt.

Viêm xoang cấp tính kéo dài triệu chứng không quá 4 tuần.

Nếu các triệu chứng viêm xoang cấp xuất hiện dưới 10 ngày và không xấu đi, tình trạng này được xác định là viêm xoang do virus. Với viêm xoang do virus, thông thường các triệu chứng nặng nhất vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau đó giảm dần. Virus có thể tồn tại trong hệ thống xoang khoảng trên 10 ngày nhưng sau ngày 10 thì triệu chứng rất nhẹ hoặc không còn.

Nếu các triệu chứng của viêm mũi xoang cấp tính không cải thiện trong vòng 10 ngày trở lên hoặc các triệu chứng có cải thiện ban đầu nhưng sau đó xấu đi, tình trạng này được xác định là viêm xoang cấp do vi khuẩn.

Viêm mũi xoang mạn tính là khi các triệu chứng kéo dài 12 tuần trở lên, với ít nhất 2 trong 4 triệu chứng chảy mủ nhầy, nghẹt mũi, đau mặt, giảm khứu giác.

Viêm xoang cấp do vi khuẩn 4 đợt trở lên mỗi năm, không có triệu chứng viêm mũi xoang giữa các đợt được gọi là viêm xoang tái phát. Triệu chứng viêm xoang kéo dài từ trên 4 tuần đến dưới 12 tuần gọi là viêm xoang bán cấp.

viêm xoang và viêm mũi dị ứng
Viêm xoang tạo dịch mũi đặc, đau vùng mũi

Điều trị viêm mũi dị ứng và viêm xoang có gì khác biệt?

Điều trị viêm mũi dị ứng

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng xảy ra do phản ứng dị ứng kích hoạt giải phóng chất gây viêm như histamin, leukotriene… Do vậy các thuốc có tác dụng chống dị ứng là thuốc điều trị chính, gồm 2 nhóm kháng histamin và corticoid (có tác dụng mạnh hơn). Ngoài ra, một số nhóm thuốc khác cũng được sử dụng để ức chế hoặc giảm chất gây viêm gồm cromolyn, ipratropium, montelukast.

Tùy vào mức độ triệu chứng bệnh để lựa chọn các loại thuốc phù hợp:

  • Trường hợp triệu chứng nhẹ, không thường xuyên: Bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc kháng histamin đường uống hoặc tại chỗ khi có triệu chứng khó chịu và thường sử dụng ngắn ngày.

Các thuốc phổ biến gồm: Cetirizine, Desloratadine, Loratadine, Fexofenadin là các kháng histamin thế hệ 2 có ưu điểm ít gây buồn ngủ so với các thuốc thế hệ 1 như Clopheniramin, ngoại trừ Cetirizine.

Kháng histamin tại chỗ đắt tiền hơn và ít lựa chọn hơn do vậy không được sử dụng phổ biến như các kháng histamin đường uống.

  • Trường hợp triệu chứng dai dẳng: Khởi đầu là dùng steroid tại chỗ. Thuốc có ưu điểm là hiệu quả cao hơn hầu hết các nhóm thuốc khác trên tất cả các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.

Corticoid tại chỗ ít nguy cơ gây ra các tác dụng phụ toàn thân như corticoid đường uống. Tác dụng phụ tại chỗ gồm chảy máu cam, châm chích, nóng rát, khô mũi. Tuy nhiên, khi sử dụng với trẻ em vẫn không thể loại trừ nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

  • Trường hợp triệu chứng nặng, dai dẳng: Phối hợp steroid tại chỗ với các nhóm thuốc khác để gia tăng hiệu quả điều trị. Tùy thuộc vào người bệnh mà chọn loại thuốc có đặc điểm phù hợp.

Các thuốc thông mũi tại chỗ như xylomethazolin, naphazoline có tác dụng co mạch chỉ có tác dụng giảm nghẹt mũi/sổ mũi (không giảm ngứa, hắt hơi, triệu chứng mắt) và được khuyên dùng trong thời gian ngắn không quá 3-5 ngày do có nguy cơ gây phản ứng ngược, tái phát hoặc gây viêm mũi do thuốc.

viêm xoang và viêm mũi dị ứng
Thuốc chống dị ứng giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng hiệu quả

Điều trị viêm xoang

  • Với viêm xoang do virus: Điều trị triệu chứng bằng cách sử dụng đơn độc hoặc kết hợp các thuốc giảm đau, chống viêm, nước muối, thuốc thông mũi, kháng histamin, thuốc tiêu nhầy, giảm ho, corticoid tại chỗ hoặc đường uống. Bệnh nhân có triệu chứng nào khó chịu sẽ dùng thuốc đó.
  • Với viêm xoang do vi khuẩn: Dùng kháng sinh (ưu tiên amoxicillin + clavulanate); Lựa chọn thay thế như cefuroxime, levofloxacin kết hợp thuốc điều trị triệu chứng như với viêm xoang cấp do virus.
  • Với điều trị viêm xoang mạn tính: Phối hợp thuốc giảm đau theo mức độ đau của người bệnh, rửa mũi với nước muối (ưu trương 3% hoặc nồng độ sinh lý 0.9%), kết hợp Steroid tại chỗ, thường dùng như mometasone, fluticasone, budesonide, triamcinolone.
  • Với viêm xoang bán cấp hoặc viêm xoang tái phát: Cần linh động điều trị theo từng bệnh nhân như điều trị với viêm xoang cấp hoặc viêm xoang mạn tính.
  • Phẫu thuật ngoại khoa áp dụng với các trường hợp polyp, lệch vách ngăn mũi, các biến đổi cấu trúc mũi xoang.
    Như vậy, viêm xoang và viêm mũi có những triệu chứng đặc trưng rất khác biệt. Hiểu rõ sự khác biệt giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý và điều trị hiệu quả.

DS. Thanh Loan