Làm sao để điều trị viêm mũi dị ứng và phòng ngừa bệnh tái phát?

Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cao, do vậy tỉ lệ mắc bệnh dị ứng đặc biệt là viêm mũi dị ứng cũng tăng theo. Để điều trị và phòng ngừa viêm mũi dị ứng, bạn cần xác định rõ căn nguyên gây bệnh.

viêm mũi dị ứng
Tỷ lệ người mắc viêm mũi dị ứng ngày càng cao

Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo chu kỳ mùa hoặc khi tiếp xúc tác nhân gây dị ứng. Nguyên nhân của bệnh xuất phát từ cơ chế phản ứng của cơ thể với các dị nguyên, làm giải phóng histamin quá mức, gây ra phản ứng quá mẫn (dị ứng).

Tác nhân gây viêm mũi dị ứng thường gặp:

  • Bên ngoài: Phấn hoa, lông thú cưng, khói bụi, hóa chất…
  • Bên trong: Chủ yếu do cơ địa dị ứng, đôi khi do chuyển hóa độc tố của vi khuẩn gây viêm amidan.
viêm mũi dị ứng
Phấn hoa là một tác nhân gây viêm mũi dị ứng

Triệu chứng viêm mũi dị ứng

  • Thấy cay cay trong mũi, ngứa mũi, dẫn đến hắt hơi liên tục.
  • Cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt.
  • Chảy nhiều nước mũi trong suốt giống như nước lã.
  • Vùng vòm hầu họng có cảm giác ngứa.
  • Những cơn hắt hơi, chảy nước mũi xuất hiện nhiều hơn vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, đến tối lại dịu đi.
  • Nếu không được chữa trị, triệu chứng viêm mũi dị ứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

Phân biệt triệu chứng viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường:

  • Viêm mũi dị ứng: Triệu chứng xuất hiện nhanh, đột ngột, với các dấu hiệu điển hình như: Hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt mũi 2 bên và ngứa mũi. Có thể gặp các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng đi kèm.
  • Viêm mũi thông thường: Không đột ngột, hắt hơi ít nhưng lại nghẹt mũi nhiều, nước mũi có dạng dịch nhầy đặc hoặc dịch mủ. Bệnh nhân mệt mỏi, rã rời toàn thân, có thể bị sốt và ớn lạnh. Nguyên nhân thường là do nhiễm vi khuẩn, virus… Viêm mũi vận mạch, chủ yếu do mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, cũng gây sổ mũi, nghẹt mũi.

Các biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng

  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
  • Dùng thuốc kháng histamine dạng xịt hoặc uống để giảm nhẹ triệu chứng thể nhẹ và vừa. Một số loại thuốc kháng histamine như brompheniramin hoặc chlorpheniramin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, bởi vậy, bệnh nhân cần chú ý không sử dụng khi điều khiển tàu xe, máy móc.
viêm mũi dị ứng
Thuốc kháng Histamine được dùng phổ biến để điều trị triệu chứng
  • Dùng thuốc corticoid dạng xịt giúp kiểm soát viêm do dị ứng tại mũi, góp phần kiểm soát bệnh. Dùng steroid trong viêm mũi dị ứng theo mùa, có polip mũi, thường làm giảm các chỉ định phẫu thuật.
  • Thuốc xịt mũi khác: Sử dụng tại chỗ để khắc phục nhanh các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm mũi dị ứng như thuốc co mạch, dung dịch vệ sinh rửa mũi…

Phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Do viêm mũi dị ứng chủ yếu do các dị nguyên ngoại lai gây ra và con đường xâm nhập chủ yếu là niêm mạc mũi, nên để phòng ngừa bệnh, bạn nên tránh xa các tác nhân gây dị ứng:

  • Không nên cho chó, mèo vào phòng ngủ, đặc biệt là lên giường ngủ. Nếu bị viêm mũi dị ứng nặng, tốt nhất là không nên nuôi chó, mèo trong nhà, vì lông thú cưng thường là tác nhân gây dị ứng.
  • Chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tránh để bụi bẩn, nấm mốc phát triển.
  • Thay giặt chăn, ga, gối, kể cả vải bọc ghế, rèm cửa… theo định kỳ, nhằm hạn chế bụi bẩn và ký sinh trùng.
  • Tránh xa khói thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử. Không nên hút thuốc lá trong nhà, bởi khói thuốc lá có thể ám vào các vật dụng trong nhà trong một thời gian dài.
  • Nên chú ý vệ sinh răng miệng sạch, đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa sau khi ăn…
  • Không nên ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng hoặc đã xác định là từng gây dị ứng cho bản thân (ví dụ như hải sản).
  • Hạn chế ra ngoài trời khi có nhiều phấn hoa. Nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đóng cửa sổ để hạn chế phấn hoa, bụi bẩn bay vào trong nhà.

Không có cách ngăn ngừa hoàn toàn viêm mũi dị ứng, bởi vậy, nếu đã áp dụng nhiều cách mà tình trạng viêm mũi dị ứng vẫn tiếp diễn, bệnh nhân cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, sử dụng thuốc theo đơn để việc điều trị đạt kết quả cao.