Những điểm khác nhau cơ bản giữa cảm lạnh và cảm cúm

cảm lạnh cảm cúm
Khi tiết trời chuyển lạnh, là thời điểm thuận lợi cho nhiều loại virus

Mùa thu – đông, tiết trời chuyển lạnh, là thời điểm thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn sinh sôi gây bệnh, đặc biệt là những loại virus gây cảm lạnh, cúm. Tuy có nhiều triệu chứng tương đồng nhưng cảm lạnh và cúm là hai căn bệnh hoàn toàn khác biệt. Nhầm lẫn giữa hai căn bệnh này có thể dẫn đến việc điều trị sai lệch, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Có trên 200 loại virus có thể gây cảm lạnh, trong đó hay gặp nhất là các chủng Rhinovirus.

Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi virus cúm. Những loại virus cúm thường gặp nhất là virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C.

>> Xem thêm Tổng quát các thông tin về bệnh cúm gia cầm

2. Con đường lây truyền bệnh

Rhinovirus – chủng virus phổ biến nhất gây cảm lạnh, có khả năng tồn tại trên da hoặc bề mặt các dụng cụ như đồ chơi, tay nắm cửa, bút và điện thoại với thời gian lên tới 3 giờ. Đây là điều kiện thuận lợi cho con đường lây truyền bệnh, đặc biệt ở đối tượng trẻ em.

Trong khi đó, cảm cúm thường lây truyền qua đường không khí. Khi người bệnh ho, hắt hơi hay khạc đờm, các giọt nước hay dịch nhầy mang virus cúm phát tán trong không khí. Những virus cúm này sẽ lây truyền sang cho người khác, tấn công vào niêm mạc mũi, miệng và mắt khi tiếp xúc gần với người bệnh.

3. Triệu chứng

cảm lạnh cảm cúm
Cảm lạnh và cúm có biểu hiện khác nhau

Cảm lạnh có xu hướng khởi phát từ từ trong một vài ngày với các triệu chứng ngứa rát họng và sốt nhẹ.

Trong khi đó, các triệu chứng cúm khởi phát rất nhanh (trong khoảng 3-6 giờ). Sốt là triệu chứng xuất hiện sớm nhất và gặp ở 80% các trường hợp cúm với mức nhiệt trên 37,8oC trong 3-4 ngày mắc bệnh.

4. Nguy cơ tiến triển của bệnh

Cảm lạnh thường tự hết trong vòng 7 đến 10 ngày.

Cảm cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… cảm cúm có thể diễn biến nặng, gây nhiều biến chứng (như viêm phổi…) và có thể dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, một số chủng cúm có tốc độ lây lan khá nhanh, có thể phát triển thành đại dịch.

Chính vì vậy, người bệnh cần phân biệt cảm lạnh và cảm cúm để có biện pháp điều trị tích cực ngay từ đầu tránh các biến chứng nguy hiểm trên.

Triệu chứngCảm lạnhCảm cúm
HoThường ho có đờmChủ yếu là ho khan
Nghẹt mũiRất thường gặpÍt gặp
Sổ mũiPhổ biếnÍt gặp
Đau họngPhổ biếnÍt gặp
Đau ngực/khó thởNhẹ đến trung bìnhThường nặng
Đau mỏi ngườiNhẹNặng
Ớn lạnhÍt gặp>60% các trường hợp
Mệt mỏiKhá nhẹTrung bình đến nặng
Đau đầuÍt gặp>80% các trường hợp

5. Xét nghiệm và chẩn đoán

Cảm lạnh: Không có một xét nghiệm nào được sử dụng để chẩn đoán cảm lạnh. Chẩn đoán xác định được đưa ra hoàn toàn dựa trên triệu chứng của người bệnh và thăm khám của bác sĩ.

Cảm cúm: Thông thường, bác sĩ có thể chỉ định test cúm nhanh (“rapid influenza” test) để đưa ra chẩn đoán xác định. Xét nghiệm này thường cho kết quả trong 15-30 phút. Đặc biệt nếu kết quả test nhanh dương tính, kèm một số yếu tố nguy cơ khác như tại vùng dịch hoặc trong mùa dịch, sẽ cần tới những xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định chính xác loại virus cúm gây bệnh.

cảm lạnh cảm cúm
Bác sĩ có thể test cúm nhanh cho ra kết quả từ 15 – 20 phút

6. Điều trị bằng thuốc

Cảm lạnh: Cho tới thời điểm hiện tại, không có thuốc điều trị nguyên nhân cảm lạnh, chỉ có thuốc điều trị triệu chứng. Những thuốc này giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu như: đau họng, ho, sổ mũi… trong lúc hệ miễn dịch làm nhiệm vụ tiêu diệt virus gây bệnh.

Các loại thuốc điều trị triệu chứng cảm lạnh bao gồm: Thuốc làm giảm nghẹt mũi, thuốc kháng histamine, thuốc giảm ho, long đờm, thuốc giảm đau, hạ sốt, gây tê và sát khuẩn (họng).

cảm lạnh cảm cúm
Nến kết hợp các loại thuốc để điều trị cảm lạnh

Cảm cúm: Tương tự cảm lạnh, điều trị cơ bản trong cảm cúm là kiểm soát triệu chứng và nâng cao thể trạng. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus nhằm giảm mức độ nặng của triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị. Những thuốc kháng virus này nên được bắt đầu sử dụng trong vòng 48 giờ kể từ khi khởi phát cúm để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất.

7. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc

Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị triệu chứng, các biện pháp điều trị thay thế cũng được áp dụng và cho thấy hiệu quả rõ rệt trong kiểm soát cúm và cảm lạnh.

cảm lạnh cảm cúm
Có thể dùng thảo dược để trị cảm lạnh, cảm cúm

Cảm lạnh:

  • Bổ sung vitamin C liều cao
  • Sử dụng viên ngậm, viên uống hoặc sản phẩm xịt chứa kẽm.

Cảm cúm:

  • Các bài thuốc từ thảo dược
  • Uống trà xanh
  • Dùng chiết xuất từ quả lựu
  • Bổ sung vitamin C, vitamin D.

Tài liệu tham khảo:

  1. “Cough/Cold/Allergy: Cold and Flu Season”, OTC guide
  2. “Khuyến cáo phòng chống cúm mùa” Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
  3. “Phòng tránh và điều trị cúm mùa”, Tổ chức Y tế thế giới WHO