Những điều cần biết về sốt cao và cách hạ sốt hiệu quả

Sốt cao là sự gia tăng nhiệt độ tạm thời của cơ thể, đây là một trong những phản ứng thông thường của cơ thể trước sự xâm nhập của vi khuẩn và vi rút. Tìm hiểu nguyên do sốt cao và cách hạ sốt hiệu quả có thể áp dụng tại nhà.

sốt cao và cách hạ sốt
Sốt cao ở trẻ nhỏ có thể khiến cha mẹ không khỏi lo lắng

Sốt cao là gì?

Sốt cao là khi nhiệt độ cơ thể cao hơn mức thân nhiệt bình thường của mỗi người. Bệnh được gọi là sốt cao hay tăng thân nhiệt, đây cũng là dấu hiệu cho biết cơ thể bạn đang phản ứng để giữ cho cơ thể khỏe mạnh chống chịu lại nhiễm trùng.

Nhiệt độ của người bình thường ở mức 36°C tới 37°C, nhiệt độ cao hơn 38°C được coi là sốt.

Một phần của não bộ được gọi là vùng dưới đồi kiểm soát nhiệt độ cơ thể của bạn. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, mắc bệnh hoặc do nguyên nhân khác thì vùng dưới đồi ngày gây ảnh hưởng khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Do đó, khi bạn bị sốt đây là dấu hiệu có vấn đề xảy ra trong cơ thể.

Các cơn sốt lành tính thường sẽ không nguy hiểm, nhưng bạn nên tới khám bác sĩ nếu:

  • Nhiệt độ đo được trên 39,5°C
  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ đo ở trực tràng từ 38°C
  • Trẻ từ 3 – 6 tháng có nhiệt độ trực tràng cao hơn bình thường và cũng cáu kỉnh hoặc buồn ngủ hơn bình thường.
  • Trẻ 6 – 24 tháng sốt cao hơn 39°C trong hơn một ngày hoặc có các triệu chứng khác như ho hoặc tiêu chảy.
  • Trẻ trên 2 tuổi sốt kèm theo phát ban và có kèm các triệu chứng khó chịu, bơ phờ, nhức đầu, cứng cổ, tiêu chảy hoặc nôn liên tục.
  • Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị co giật
  • Trẻ sốt trên 40°C, có thể gây co giật
  • Xuất hiện sốt sau khi vừa đi ở trời nắng trong thời gian dài, đây có thể là dấu hiệu say nắng.
  • Sốt cao không hạ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt với liều phù hợp
  • Đã từng tiếp xúc với người bị Covid-19

Các phương pháp đo nhiệt độ khi bị sốt

sốt cao và cách hạ sốt
Nhiệt độ đo ở miệng sẽ cho kết quả chính xác nhất

Để đo nhiệt độ bạn có thể dùng nhiệt kế thủy ngân hoặc nhiệt kế điện tử đo ở miệng, trực tràng, nách, tai hoặc trán.
Nhiệt kế ở nách, miệng và trực tràng thường cho nhiệt độ chính xác nhất về thân nhiệt của chúng ta.

Nhiệt kế đo ở tai, trán tuy tiện lợi hơn nhưng kết quả cho ra sẽ kém chính xác hơn.

Đối với trẻ sơ sinh, đo nhiệt độ ở trực tràng sẽ chính xác hơn ở các vị trí khác. Khi khám bác sĩ, bạn nên cung cấp các kết quả đo thân nhiệt ở các vị trí khác nhau.

Nguyên nhân dẫn tới sốt cao

sốt cao và cách hạ sốt
Sốt có thể là dấu hiệu nhiễm vi trùng

Sốt có thể là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe mà có thể cần hoặc không cần điều trị y tế. Biết được nguyên nhân sốt cao và cách hạ sốt để nhanh chóng khắc phục tình trạng bệnh

Các nguyên nhân phổ biến gây ra nhiễm trùng gây sốt như cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm vi rút.

Một số nguyên nhân khác như:

  • Nhiễm trùng tai, phổi, da, cổ họng, bàng quang hoặc thận.
  • Say nắng
  • Covid-19
  • Sau tiêm phòng vắc xin
  • Một số tình trạng miễn dịch như lupus ban đỏ và bệnh viêm ruột
  • Mọc răng ở trẻ, có thể gây sốt nhẹ không quá 38,5°C

Nhận biết các triệu chứng và biến chứng của sốt

sốt cao và cách hạ sốt
Sốt cao ngoài nhiệt độ cơ thể tăng còn kèm các triệu chứng khác

Khi thân nhiệt tăng cao, có thể gây ra một số các triệu chứng khác.

Các triệu chứng sốt nhẹ:

  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi
  • Cảm thấy nóng bức
  • Đau đầu
  • Đau nhức mắt hoặc mệt mỏi
  • Khát nước
  • Chán ăn

Các triệu chứng sốt cao ban đầu: gồm các triệu chứng sốt nhẹ và kèm thêm:

  • Ra nhiều mồ hôi
  • Chóng mặt và hoa mắt
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn

Sốt cao dai dẳng và tăng thêm có thể xuất hiện:

  • Da mát, ấm, nhợt nhạt
  • Đau bụng hoặc nôn mửa
  • Không tỉnh táo
  • Giảm lượng nước tiểu hoặc không có khả năng đi tiểu

Sốt cao kéo dài trên 41°C có thể dẫn tới:

  • Ảo giác
  • Mất ý thức
  • Thở nông, nhanh
  • Da nóng, khô và đỏ
  • Nhịp tim yếu và nhanh
  • Giãn đồng tử
  • Co giật

Người trưởng thành khi sốt quá 40°C cần chăm sóc y tế để ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng và lâu dài.

Biến chứng của sốt cao kéo dài

Sốt cao kéo dài có thể dẫn tới tổn thương não và nguy cơ tử vong, nhưng trường hợp này rất hiếm xảy ra. Tổn thương não có thể xảy ra với người sốt cao trên 42°C.

Theo một nghiên cứu 2016, say nắng là căn bệnh nguy hiểm nhất liên quan tới tăng thân nhiệt. Có tới 58% người bị say nắng bị tử vong. Còn đối với trường hợp sống sót thì phần lớn lại hồi phục bình thường.

Sốt cao kéo dài có thể ảnh hưởng tới một số cơ quan sau:

  • Não
  • Tim và hệ tim mạch
  • Thận
  • Gan
  • Ruột

Hạ sốt kịp thời và đúng cách chính là chìa khòa để ngừa ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt cao.

Điều trị sốt cao

sốt cao và cách hạ sốt
Trẻ nhỏ sốt nhẹ và vẫn chịu chơi thì chưa cần phải sử dụng thuốc

Nếu ai đó bị sốt nhưng chưa quá 38,5°C vẫn cảm thấy dễ chịu thì không nhất thiết phải điều trị. Trên thực tế, nhiệm vụ của cơn sốt là giúp tiêu diệt nhiễm trùng nên điều trị sốt nhẹ có thể cản trở nỗ lực chống lại vi trùng của cơ thể.

Đối với trẻ nhỏ khi bị sốt, nguyên tắc chung là nếu chúng vẫn có nhiều năng lượng và vui chơi như thường thì hiếm có nguy cơ nguy hiểm.

Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên quá 38°5 thì cần phải uống thuốc hạ sốt. Một số loại thuốc hạ sốt không kê đơn như Efferagal, Hapacol (chứa thành phần acetaminophen) hoặc Motrin/ Advil (chứa thành phần ibuprofen) có thể giúp hạ sốt, khiến cơ thể thoải mái hơn.

Thuốc hạ sốt chỉ đem lại kết quả tạm thời, chỉ trong khoảng 4 – 8 giờ và sau đó sẽ giảm tác dụng. Nghĩa là cơn sốt có thể trở lại và bạn cần dùng thêm thuốc. Điều nay là bình thường và không có nghĩa là thuốc không có tác dụng.

Phương pháp hạ thân nhiệt tại nhà

sốt cao và cách hạ sốt
Khi bị sốt cao cần uống nhiều nước
  • Khi bị sốt nên dành thời gian nghỉ ngơi, tạm ngừng các hoạt động mạnh như thường ngày
  • Uống nhiều nước cũng sẽ giúp cơ thể bạn chống chịu lại cơn sốt và các loại bệnh. Có thể uống nước lọc, nước canh, nước trái cây hoặc thức uống bù nước.
  • Chườm nước ấm
  • Mặc quần áo mỏng nhẹ và tránh đắp chăn làm tăng nhiệt

Đào Tâm