Dấu hiệu mắc phải cúm B và các phương pháp điều trị triệu chứng bệnh

Thời điểm giao mùa là giai đoạn bệnh cúm dễ bùng thành dịch, một trong số đó là cúm B. Nhận biết sớm các dấu hiệu mắc cúm B và cách khắc phục ngay tại nhà.

Dấu hiệu mắc phải cúm B
Nên phát hiện sớm nếu nhiễm cúm B để có phương pháp khắc phục sớm

Cảm cúm là một bệnh do vi rút gây ra và ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng triệu người mỗi năm. Hiện tại có 4 loại vi rút cảm cúm nhưng phổ biến nhất vẫn là cúm A và cúm B. Cả hai loại cảm cúm này đều gây ra một số triệu chứng khá giống nhau như sổ mũi, ho, sốt và đau nhức người.

Cùng tìm hiểu các dấu hiệu bệnh cúm B và giải đáp các câu hỏi về điều trị bệnh.

Dấu hiệu mắc bệnh cúm B

Các triệu chứng khi nhiễm cúm B được cho là nhẹ hơn nhiễm cúm A. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm khi nhiễm cúm B cũng tương tự như cúm A, đặc biệt là ở những người trên 65 tuổi.

Cúm A và B sẽ gây ra nhiều triệu chứng bệnh khá giống nhau. Thường triệu chứng cúm B diễn ra nhanh chóng và kéo dài trong khoảng một tuần. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất:

Ảnh hưởng tới hô hấp

Dấu hiệu mắc phải cúm B
Một số trường hợp nhiễm cúm B bị ho

Ho và đau ngực là triệu chứng phổ biến khi bị nhiễm cúm B. Bạn cũng có thể bị nghẹt mũi, hắt hơi và đau họng, hoặc một số trường hợp sẽ xuất hiện cơn ho.

Nếu bạn xuất hiện tình trạng đau ngực hoặc khó thở thì cần đi khám bác sĩ sớm.

Đau mỏi cơ thể

Hầu hết người bị cảm cúm đều bị sốt kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Thường sẽ bị đau đầu và đau nhức cơ thể, có thể cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn cũng rất dễ bị ớn lạnh và thấy mệt mỏi hơn.

Đau bụng, buồn nôn và nôn

Triệu chứng về tiêu hóa thường hiếm gặp, nhưng cũng có người bị cúm B gặp các triệu chứng về tiêu hóa như buồn nôn và nôn mửa.

Thực tế, triệu chứng bệnh cúm B khá giống với nhiễm cúm A hoặc một số tình trạng bệnh khác nên để xác định được chính xác nhất thì cần phải làm xét nghiệm. Để xác định cúm B cần lấy dịch mũi để đưa vào bộ kit test để có kết quả âm hay dương tính.

Người bệnh cúm sẽ có khả năng lây lan cho người khác nhất trong 3 – 4 ngày phát bệnh. Các triệu chứng sẽ rầm rộ nhất ở 2 ngày đầu tiên khi bắt đầu có triệu chứng, còn trước đó họ có thể đã nhiễm bệnh nhưng chưa có triệu chứng.

Sự khác biệt của cúm B với các loại cúm khác

Thường mắc cúm sẽ bị sốt cao trên 38°C
Thường mắc cúm sẽ bị sốt cao trên 38°C

Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút cúm gây ra. Có ba loại cúm chính như: cúm A, B và C. Trong đó cúm A và B có triệu chứng khá giống nhau nhưng con đường lây truyền của bệnh cúm B thường chỉ lây từ người sang người.

Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng cúm B nhẹ hơn cúm A nhưng theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thì hai loại bệnh này đều nguy hiểm.

Dấu hiệu phổ biến nhất khi nhiễm cúm là sốt cao trên 38°C. Bệnh rất dễ lây lan và trong những trường hợp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Đặc điểm của 3 loại cúm thường gặp:

  • Cúm A: là dạng bệnh cảm cúm phổ biến nhất. Bệnh cúm A có thể lây lan từ động vật sang người và có khả năng gây ra đại dịch.
  • Cúm B: tương tự cúm A thì cúm B cũng rất dễ lây và có nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe con người trong các trường hợp nặng. Nhưng bệnh này chỉ lây từ người sang người. Thường cúm B sẽ bùng phát theo mùa nhưng có khả năng lây lan trong cả năm.
  • Cúm C: là loại cảm cúm nhẹ nhất khi nhiễm phải. Nếu bạn bị cúm C thì thường các triệu chứng diễn ra không quá trầm trọng.

Nếu như cúm A là nguyên nhân dẫn tới khoảng 75% các trường hợp người bệnh cúm được xác nhận, thì cúm B chỉ chiếm 25% trường hợp bệnh. Cả hai loại cúm này đều rất dễ lây lan. Khi người bệnh cúm ho hoặc hắt hơi, các giọt nhỏ rất dễ đi vào mũi hoặc miệng của người khác và truyền bệnh.

Mắc cúm B cần điều trị như thế nào?

Dấu hiệu mắc phải cúm B
Nhiễm cúm B có thể điều trị tại nhà

Trong hầu hết các trường hợp người bệnh nhiễm cúm B, phương pháp điều trị thường áp dụng tại nhà như nghỉ ngơi, uống đủ nước và ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như cháo và để cơ thể tự chống chịu với vi rút.

Nếu như phát hiện bệnh cúm B sớm thì sử dụng thuốc kháng vi rút trong 48 giờ đầu tiên có thể giúp điều trị bệnh cúm hiệu quả. Sử dụng loại thuốc này sẽ giúp cho các đối tượng có nguy cơ cao như: người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch yếu… có khả năng chống chịu bệnh tốt hơn.

Nhiễm cúm B có nguy hiểm không?

Phần lớn các trường hợp nhiễm cúm B thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số đối tượng nguy cơ cao thì có thể xuất hiện một số biến chứng nghiêm trọng như:

  • Nhiễm trùng tai và xoang
  • Viêm phổi
  • Viêm phế quản

Dù gặp bất kỳ biến chứng nào khi nhiễm cúm B cũng cần điều trị trong bệnh viện. Bởi trường hợp bệnh diễn tiến quá nhanh cũng có thể dẫn tới tử vong.

Bị cúm cũng sẽ làm cho một số triệu chứng bệnh mãn tính trở nên trầm trọng hơn, như người bị hen suyễn hoặc mắc phải bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Nếu như trẻ nhỏ hoặc người trưởng thành có một trong các triệu chứng sau thì cần đưa đi khám bác sĩ ngay:

  • Không thể đi tiểu
  • Tình trạng sốt và ho cải thiện, sau đó tái phát và trở nặng hơn
  • Đau cơ nghiêm trọng
  • Bệnh mãn tính trở nên tệ hơn
  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Chóng mặt kéo dài
  • Co giật

Nếu trẻ nhỏ lờ đờ, không đáp ứng với tác động của người lớn, cơ ngực hõm vào trong khi thở thì cần đưa đi cấp cứu ngay tức thì.

Cúm B có thể phòng ngừa được không?

Dấu hiệu mắc phải cúm B
Tiêm vắc xin cúm hằng năm là cách hiệu quả để tránh nhiễm cúm B

Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm cúm là tiêm phòng bệnh cúm mỗi năm. Vắc xin cúm có khả năng bảo vệ bạn chống lại các loại cúm phổ biến nhất. Đối với mùa cúm 2022 – 2023, vắc xin cúm có khả năng tránh cho bạn nhiễm phải 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B.

Ngoài tiêm phòng, để tránh nhiễm phải bệnh cúm thì hãy thực hiện vệ sinh tốt, bao gồm rửa tay thường xuyên. Bên cạnh đó, vẫn nên áp dụng một số phương pháp phòng bệnh như trong đại dịch Covid-19 như giữ khoảng cách ở nơi đông người và đeo khẩu trang thường xuyên để phòng ngừa.

Đào Tâm