Nhận biết các loại bệnh cúm và cách điều trị đúng nhất

Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để virus cúm sinh sôi và gây bệnh. Nhận biết về các loại bệnh cúm, triệu chứng, cách điều trị sẽ giúp hạn chế những lo lắng về căn bệnh này.

các loại bệnh cúm
Tìm hiểu về các loại bệnh cúm phổ biến

Bệnh cúm là bệnh gì?

Cúm là bệnh đường hô hấp do virus gây ra. Bệnh cúm lây lan nhanh, dễ thành dịch.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị bệnh cúm, trong đó, có khoảng nửa triệu người tử vong do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm.

Còn tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1-1,8 triệu người bị cúm mùa. Trước đây, bệnh cúm thường xuất hiện trong mùa lạnh, đông xuân nhưng hiện nay đã xuất hiện quanh năm.

Ở người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính, khi mắc bệnh cúm dễ bị triệu chứng nặng, thậm chí biến chứng nguy hiểm.

các loại bệnh cúm
Đặc điểm cấu tạo của virus cúm

Các loại bệnh cúm phổ biến

Virus cúm gồm có bốn loại: virus cúm A, B, C và D. Các loại virus gây bệnh cúm thường gặp nhất là virus cúm A và virus cúm B.

Con đường lây nhiễm bệnh cúm cũng tương tự như với tất cả các loại virus khác, đó là lây truyền từ người bệnh sang người lành qua ho hoặc hắt hơi, chạm vào bề mặt có các giọt nước li ti chứa virus…

1. Bệnh cúm A

Bệnh cúm A do virus cúm A gây ra.

Virus cúm A là một chủng của cúm mùa. Loại virus này được tìm thấy trên vật chủ tự nhiên là loài chim hoang dã nên còn được biết đến với tên gọi cúm gia cầm. Virus cúm A có thể lây lan ở con người và động vật. Cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.

Triệu chứng bệnh cúm A:

  • Sốt cao 39 – 40 độ C
  • Hắt hơi, sổ mũi
  • Ho
  • Đau họng, họng đỏ
  • Mệt mỏi
  • Một số trường hợp khó thở

Lưu ý:

Đa số các trường hợp bị bệnh cúm A sẽ được bác sĩ kê đơn và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu có biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi thì cần nhập viện để điều trị.

các loại bệnh cúm
Bệnh cúm thường gây sốt cao, đau đầu, sổ mũi, đau họng

2. Bệnh cúm B

Bệnh cúm B do virus cúm B gây ra. Bệnh cúm B thường lành tính và tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy vậy, bệnh cũng có thể gây ra biến chứng viêm màng phổi, viêm tai xương chũm ở những đối tượng có hệ miễn dịch kém…

Triệu chứng bệnh cúm B:

  • Sốt cao 38 – 39 độ C
  • Gai rét, ớn lạnh
  • Nhức đầu
  • Đau mỏi người
  • Hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt
  • Ho khan, khàn tiếng
  • Trường hợp nặng có hạch cổ, họng đỏ

3. Bệnh cúm C

Bệnh cúm C do virus cúm C gây ra. Bệnh cúm C thường nhẹ và hiếm khi gây ra dịch.

Bệnh cúm C ít có triệu chứng và thường gây bệnh ở đường hô hấp trên như:

  • Sổ mũi, hắt hơi
  • Ho

4. Bệnh cúm D

Virus cúm D chủ yếu gây bệnh ở gia súc, chưa ghi nhận lây nhiễm cho con người.

Các biến chứng mà bệnh cúm gây ra

Hầu hết bệnh nhân cúm sẽ hồi phục sau vài ngày đến 2 tuần, nhưng một số người có thể xuất hiện biến chứng.
Một số biến chứng thường gặp nhất:

  • Viêm phế quản, viêm phổi
  • Viêm xoang
  • Viêm cơ tim
  • Viêm não
  • Viêm cơ
  • Suy đa cơ quan (suy hô hấp, suy thận)
  • Các bệnh mạn tính trở nên nặng hơn (ví dụ hen suyễn, bệnh tim)
các loại bệnh cúm
Bệnh cúm có thể gây suy hô hấp ở trẻ nhỏ

Mắc bệnh cúm có nên đi khám bệnh không?

Tùy thuộc vào triệu chứng của người bệnh mà xác định xem có nên đi khám bệnh hay không.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, không thuộc nhóm nguy cơ cao thì có thể tự điều trị tại nhà, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác trong cộng đồng.

Những bệnh nhân nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc phức tạp thì nên đi khám bệnh để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Điều trị bệnh cúm như thế nào?

Điều trị bệnh cúm nhằm giảm nhẹ triệu chứng.

Dùng thuốc

Để giảm sốt, đau đầu, đau mỏi người, có thể dùng một số loại thuốc không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen theo đúng liều lượng được khuyến cáo. Lưu ý không dùng thuốc aspirin để hạ sốt vì có nguy cơ gây hội chứng Reye nguy hiểm.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị đặc hiệu như Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir (Relenza) tùy từng trường hợp.

Nghỉ ngơi

Nên nghỉ ngơi nhiều hơn để cơ thể nhanh chóng hồi phục bệnh.

Ăn thức ăn mềm, uống nhiều nước

Khi bị cúm, họng sưng đỏ nên thường không muốn ăn. Tuy nhiên, để có dinh dưỡng cho cơ thể nhanh hồi phục, người bệnh nên ăn uống đầy đủ. Có thể chế biến món ăn mềm hơn, loãng hơn để dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Đồng thời, cần uống nhiều nước, đặc biệt là nước điện giải, nước có bổ sung vitamin vì bị sốt thường gây mất nước.

Vệ sinh mũi họng thật sạch

Để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, giảm viêm mũi, viêm họng, người bệnh nên chú ý vệ sinh mũi họng hàng ngày.
Có thể dùng dung dịch vệ sinh mũi để xịt mũi nhằm làm sạch khoang mũi và hạn chế sổ mũi, nghẹt mũi.

Để vệ sinh họng, nên súc họng bằng nước muối sinh lý (hoặc tự pha dung dịch nước muối theo tỉ lệ: ¼ thìa muối – 1 cốc nước). Súc họng sẽ giúp diệt khuẩn vùng hầu họng, giảm đau họng và viêm họng.

Để giảm ho và kích ứng họng, có thể sử dụng dung dịch xịt họng thảo dược, tiêu biểu như Dung dịch Xịt Họng Nhất Nhất.

Bổ sung kẽm, tăng đề kháng

Kẽm là vi chất cần thiết giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi, giảm các triệu chứng cảm cúm.

Ngoài kẽm, có thể dùng thêm các sản phẩm tăng đề kháng nhằm tăng cường thể lực, cải thiện hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch khỏe sẽ giúp cơ thể nhanh hồi phục hơn.

Phòng ngừa bệnh cúm bằng cách nào?

Để chủ động phòng bệnh cúm, nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tạo thói quen rửa tay thường xuyên
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, khi đến nơi công cộng
  • Che miệng khi hắt hơi, ho
  • Luôn giữ ấm cơ thể
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Nếu có triệu chứng sổ mũi, ho, ngay lập tức nên vệ sinh mũi họng ngày
  • Tiêm vắc xin cúm để chủ động phòng chống bệnh.

Vân Anh