Hiểu rõ về tình trạng viêm trong cơ thể và cách phòng tránh tốt nhất

Viêm là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt căn bệnh và tình trạng sức khỏe, như tiểu đường, viêm khớp hay ung thư. Nhận biết rõ về viêm, nguyên nhân sẽ giúp tìm ra cách phòng tránh hiệu quả.

tình trạng viêm trong cơ thể
Hiểu về tình trạng viêm nhiễm để phòng tránh

Viêm là gì?

Viêm xảy ra ở tất cả mọi người. Hệ thống miễn dịch tạo ra chứng viêm để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, chấn thương hoặc bệnh tật. Cơ thể tăng sản xuất các tế bào bạch cầu, tế bào miễn dịch và các chất được gọi là cytokine giúp chống lại nhiễm trùng.

Viêm cấp tính thường xảy ra trong một thời gian ngắn, khoảng dưới 2 tuần (nhưng thường nghiêm trọng). Viêm mãn tính thường ít nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn sáu tuần.

Các dấu hiệu phổ biến của tình trạng viêm cấp tính gồm đỏ, đau, nóng và sưng. Viêm mãn tính thường không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào ở giai đoạn đầu, nhưng lâu dần có thể dẫn đến các bệnh như tiểu đường, bệnh tim, bệnh gan nhiễm mỡ và ung thư.

tình trạng viêm trong cơ thể
Béo phì làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm mãn tính

Các triệu chứng cảnh báo tình trạng viêm

Viêm thường gây ra những triệu chứng sau:

  • Nóng
  • Đỏ
  • Đau đớn
  • Sưng tấy
  • Mất chức năng

Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào vị trí của cơ thể bị viêm và nguyên nhân gây ra.

Tình trạng viêm mãn tính có thể dẫn đến một số triệu chứng và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể với những triệu chứng như:

  • Đau nhức cơ thể
  • Mệt mỏi và mất ngủ
  • Trầm cảm, lo lắng và các rối loạn tâm trạng khác
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, như táo bón, tiêu chảy, trào ngược axit dạ dày
  • Tăng cân
  • Nhiễm trùng thường xuyên

Các triệu chứng của các tình trạng viêm nhiễm thông thường

Các triệu chứng cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Ví dụ, trong một số bệnh tự miễn dịch, hệ thống miễn dịch ảnh hưởng đến làn da dẫn đến phát ban. Trong các loại khác, nó tấn công các tuyến cụ thể, ảnh hưởng đến mức độ hormone trong cơ thể.

Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch tấn công các khớp, dẫn đến các triệu chứng như:

  • Đau khớp, sưng, cứng hoặc mất chức năng khớp
  • Mệt mỏi
  • Tê và ngứa ran chân tay
  • Hạn chế phạm vi chuyển động

Trong bệnh viêm ruột, tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở đường tiêu hóa dẫn đến các triệu chứng:

  • Tiêu chảy
  • Đau dạ dày
  • Đầy hơi
  • Giảm cân
  • Thiếu máu

Trong bệnh đa xơ cứng, cơ thể tấn công vỏ myelin – đây là lớp vỏ bảo vệ của các tế bào thần kinh. Các triệu chứng có thể xuất hiện gồm:

  • Tê và ngứa ran ở cánh tay, chân hoặc một bên mặt
  • Khó giữ thăng bằng
  • Nhìn đôi, nhìn mờ hoặc mất thị lực một phần
  • Mệt mỏi
  • Các vấn đề về nhận thức, như thiếu minh mẫn, lú lẫn
tình trạng viêm trong cơ thể
Tê tay, khó giữ thăng bằng là dấu hiệu của bệnh đa xơ cứng

Nguyên nhân dẫn đến viêm

Có nhiều yếu tố dẫn đến viêm, chẳng hạn như:

  • Mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính nào đó
  • Một số loại thuốc
  • Tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc vật liệu lạ mà cơ thể không thể dễ dàng loại bỏ
  • Chế độ dinh dưỡng và lối sống có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở những người bị rối loạn tự miễn dịch

Chế độ dinh dưỡng và lối sống làm tăng nguy cơ gây viêm trong cơ thể gồm:

  • Ăn nhiều đường có thể dẫn đến kháng insulin, tiểu đường và béo phì
  • Tinh bột tinh chế như bánh mì trắng góp phần gây viêm, kháng insulin và béo phì
  • Thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn có chứa chất béo chuyển hóa đã được chứng minh là có khả năng gây viêm và làm hỏng các tế bào nội mô lót động mạch
  • Uống quá nhiều rượu và ăn thịt chế biến sẵn cũng làm tăng nguy cơ viêm
  • Ít vận động, ngồi nhiều cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm

Viêm được chẩn đoán như thế nào?

Không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán tình trạng viêm trong cơ thể hoặc các vấn đề gây ra nó. Thay vào đó, dựa trên các triệu chứng của người bệnh, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán.

Xét nghiệm máu

Mức độ bất thường của một số chỉ số trong máu có thể cảnh báo điều gì đó không ổn đang xảy ra với cơ thể.

  • Chỉ số SPE: SPE được coi là cách tốt nhất để xác nhận tình trạng viêm mãn tính. Nó đo một số protein trong phần lỏng của máu. Quá nhiều hoặc quá ít các protein này có thể chỉ ra tình trạng viêm.
  • Protein phản ứng C (CRP): CRP được sản xuất tự nhiên trong gan để phản ứng với tình trạng viêm. Mức CRP cao trong máu có thể xảy ra do một số tình trạng viêm. Mặc dù xét nghiệm này rất nhạy cảm với tình trạng viêm, nhưng nó không giúp phân biệt giữa viêm cấp tính và mãn tính, vì CRP sẽ tăng cao trong cả hai trường hợp. Nồng độ CRP cao kết hợp với các triệu chứng sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán đúng.
  • Tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Xét nghiệm này gián tiếp đo lường tình trạng viêm bằng cách đo tốc độ tế bào hồng cầu chìm trong ống máu. Chúng chìm càng nhanh, càng có nhiều khả năng bị viêm. Xét nghiệm ESR thường được chỉ định cùng các xét nghiệm khác giúp bác sĩ xác định tình trạng viêm và giúp theo dõi tình trạng của người bệnh.
  • Độ nhớt huyết tương: Thử nghiệm này đo độ đặc của máu. Viêm hoặc nhiễm trùng có thể làm đặc huyết tương.
  • Các xét nghiệm máu khác: Nếu bác sĩ tin rằng tình trạng viêm là do vi rút hoặc vi khuẩn, họ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm bổ sung khác.
tình trạng viêm trong cơ thể
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán tình trạng viêm

Các xét nghiệm chẩn đoán khác

Nếu người bệnh có một số triệu chứng nhất định – chẳng hạn như tiêu chảy mãn tính hoặc tê một bên mặt – bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh như MRI và X-quang để kiểm tra một số bộ phận của cơ thể.

Để chẩn đoán tình trạng viêm đường tiêu hóa, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện nội soi như nội soi dạ dày, đại tràng.

Các biện pháp khắc phục tại nhà để giảm viêm

1. Thay đổi chế độ ăn uống

Tránh các thực phẩm làm tăng nguy cơ gây viêm:

  • Đường
  • Chất béo chuyển hóa
  • Thực phẩm chế biến sẵn

Ăn nhiều thực phẩm có tính chống viêm, gồm:

  • Rau: bông cải xanh, cải xoăn, cải Brussels, bắp cải, súp lơ…
  • Trái cây: các loại trái cây có màu đậm như việt quất, lựu, nho và anh đào
  • Trái cây nhiều chất béo: bơ, ô liu…
  • Chất béo lành mạnh: dầu ô liu, dầu bơ…
  • Cá béo: cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu và cá cơm
  • Các loại hạt: hạnh nhân, hạt điều, hạt bí…
  • Ớt: ớt chuông, ớt sừng
  • Sô cô la: sô cô la đen
  • Gia vị: nghệ, cỏ cà ri, quế, gừng
  • Trà: trà xanh
  • Ăn các thực phẩm chống viêm giúp ngăn ngừa viêm nhiễm

2. Dùng thuốc

Thuốc chống viêm không chứa steroid

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường là nhóm thuốc được dùng đầu tiên để điều trị đau và viêm trong thời gian ngắn. Nhóm thuốc này gồm: aspirin, ibuprofen, naproxen. Những loại thuốc này có thể mua tại nhà thuốc, không cần bác sĩ kê đơn.

Thuốc chống viêm không steroid có thể gây tác dụng phụ, do đó không nên lạm dụng thuốc.

Corticosteroid

Corticosteroid thường có dạng xịt mũi hoặc viên uống, được sử dụng để điều trị sưng và viêm cũng như các phản ứng dị ứng. Chỉ nên dùng thuốc Corticosteroid khi được bác sĩ chỉ định, tránh sử dụng lâu dài vì có thể gây ra tác dụng phụ và một số tương tác thuốc nguy hiểm khác.

Thuốc giảm đau tại chỗ và các loại kem bôi

Thuốc giảm đau tại chỗ và một số loại kem bôi có chứa thuốc thường gây ít tác dụng phụ hơn so với thuốc uống. Các loại thuốc này thường được sử dụng với các tình trạng viêm như viêm khớp.

3. Một số biện pháp hỗ trợ khác

Một số biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc có thể giúp giảm đau, giảm khó chịu do viêm có thể áp dụng gồm:

  • Chườm ấm, lạnh: chườm lạnh giúp giảm sưng viêm, chườm ấm giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm nhức mỏi
  • Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe tổng thể
  • Bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ viêm trong cơ thể
  • Thực hiện các biện pháp nhằm giảm căng thẳng trong cuộc sống, giảm nguy cơ viêm trong cơ thể.

Vân Anh