Cảnh giác với 10 biến chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể gây ra hàng loạt biến chứng, ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Hiểu rõ về các biến chứng của bệnh tiểu đường để biết cách phòng tránh tốt hơn.

biến chứng của bệnh tiểu đường
Hiểu rõ về các biến chứng của bệnh tiểu đường để phòng tránh tốt hơn

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) không được kiểm soát tốt, đường huyết tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến các biến chứng sau đây:

1. Bệnh tim mạch

Bệnh tim là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường phổ biến nhất.

Tình trạng đường máu cao kéo dài sẽ làm tổn thương các mạch máu và dây thần kinh (các dây thần kinh này chi phối tới các mạch máu cũng như quả tim). Thời gian bị tiểu đường càng lâu, khả năng bị các bệnh lý tim mạch càng cao.

Khi đi khám, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra bệnh tim và giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tim.

Các biện pháp phòng ngừa:

  • Dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát đường huyết
  • Bỏ thuốc lá
  • Giảm cân (nếu bị thừa cân, béo phì)
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Kiểm soát căng thẳng
  • Kiểm soát huyết áp, cholesterol và chất béo trung tính ở mức bình thường

2. Đột quỵ

Tăng đường huyết sẽ làm tổn thương mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, tăng tích tụ các mảng xơ vữa trong lòng mạch, gây tắc nghẽn, từ đó có thể gây đột quỵ.

Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ bao gồm:

  • Yếu đột ngột ở một bên mặt hoặc cơ thể
  • Tê ở mặt, cánh tay hoặc chân
  • Khó nói, khó hiểu lời nói của người khác
  • Nhìn mờ
  • Chóng mặt

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

biến chứng của bệnh tiểu đường
Đường huyết tăng cao gây tổn thương mạch máu

3. Bệnh thận

Với người bệnh tiểu đường việc truyền tín hiệu thần kinh từ não đến các cơ quan bị trục trặc, bàng quang bị giảm kích thích, không có cảm giác khi bàng quang đầy nước tiểu. Nước tiểu ứ đọng lâu ngày gây nhiễm trùng đường tiết niệu, vi khuẩn đi ngược lên thận làm tổn thương thận, tăng nguy cơ suy thận.

Do vậy, người bị tiểu đường cần xét nghiệm nước tiểu và máu thường xuyên để đánh giá các nguy cơ.

4. Bệnh thần kinh (tổn thương dây thần kinh)

Tổn thương dây thần kinh xảy ra do đường huyết tăng cao trong máu làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh trên toàn cơ thể. Biến chứng của bệnh tiểu đường này ảnh hưởng rõ rệt nhất ở các dây thần kinh chân và tay.

Theo thời gian, các triệu chứng tổn thương có thể xuất hiện như: tê, rát hoặc đau ở bàn tay, bàn chân hoặc cẳng chân. Nếu da trở nên tê cóng, người bệnh có thể không nhận thấy những vết thương nhỏ ở lòng bàn chân, dẫn đến tổn thương nặng.

Người bệnh tiểu đường nên kiểm tra bàn chân và bàn tay hàng ngày để xem có mẩn đỏ, vết chai, vết nứt trên da hay không. Nếu thấy có tổn thương trên da, lần tới khi đi khám định kỳ, hãy thông báo cho bác sĩ biết để có biện pháp can thiệp.

biến chứng của bệnh tiểu đường
Tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm

5. Bệnh võng mạc tiểu đường (tổn thương mắt)

Lượng đường trong máu tăng cao gây tổn thương các vi mạch máu. Tại mắt, do tổn thương các mao mạch võng mạc, làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương vào võng mạc gây phù nề.

Để bảo vệ thị lực, người mắc bệnh tiểu đường nên đi khám mắt thường xuyên. Với người bệnh tiểu đường type 1, nên đi khám mắt trong vòng 3-5 năm kể từ khi được chẩn đoán; với người mắc bệnh tiểu đường type 2 thì nên đi khám mắt ngay khi được chẩn đoán bệnh. Phụ nữ mang thai bị tiểu đường nên khám mắt trong 3 tháng đầu và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.

6. Bệnh liệt dạ dày

Tổn thương thần kinh do tác động của lượng đường trong máu tăng cao và kéo dài ở bệnh nhân tiểu đường khiến việc co bóp và di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa bị chậm lại. Hậu quả là thức ăn bị giữ trong dạ dày lâu hơn và không được tiêu hóa như bình thường – gọi là liệt dạ dày hay chậm lưu thông dạ dày.

Để ngăn ngừa biến chứng này, cần kiểm soát đường huyết thật tốt và chủ động đi khám sức khỏe tổng quát thường xuyên.

7. Rối loạn cương dương

Đường huyết tăng cao gây tổn thương hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm ngoại vi, dẫn tới mất khả năng cương cứng dương vật.

Với nam giới mắc bệnh tiểu đường, cần áp dụng lối sống lành mạnh hơn, chẳng hạn như bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng trong cuộc sống và các mối quan hệ.

Nếu gặp trục trặc về vấn đề cương dương, ngay từ sớm nên đi khám để tìm cách khắc phục.

8. Các vấn đề về da

Nguyên nhân gây ra các vấn đề về da là do biến chứng thần kinh và mạch máu, dẫn đến những thay đổi trong các mạch máu nhỏ, làm rò rỉ các thành phần tế bào từ trong mạch máu vào da.

Mức độ đường trong máu cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm sinh sôi, làm giảm khả năng tự chữa lành của cơ thể.

Hầu hết các tình trạng về da đều có thể được ngăn ngừa và điều trị thành công nếu phát hiện sớm.

9. Nhiễm trùng

Người mắc bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng hơn những người khác, là do nồng độ đường cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Lượng đường trong máu cao sẽ khiến các vết xước hoặc vết rách nhỏ trên da cũng trở thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi gây bệnh.

Các vị trí nhiễm trùng phổ biến là bàng quang, thận, âm đạo, nướu răng, bàn chân và da. Điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn.

biến chứng của bệnh tiểu đường
Điều trị nhiễm trùng bàn chân từ sớm để ngăn ngừa biến chứng nặng

10. Các vấn đề về răng miệng

Lượng đường trong máu cao gây tổn thương mạch máu và hẹp các mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng nướu răng. Khi bị tiểu đường, sức đề kháng của người bệnh cũng bị suy giảm hơn bình thường, làm suy yếu các tế bào bạch cầu, vốn là chất bảo vệ chính của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra trong miệng.

Vì vậy, hãy để ý các dấu hiệu bất thường như lợi sưng, mềm, chảy máu, mảng bám, cao răng…

Cho dù có bị tiểu đường hay không thì việc chăm sóc răng miệng thật kỹ cũng rất quan trọng. Cần đánh răng sạch sẽ 2 lần/ngày, cạo lưỡi và súc miệng sau khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa sau khi ăn. Ngay khi thấy có vấn đề trên răng miệng, nên dùng xịt răng miệng thảo dược ngay, tránh để bệnh tiến triển nặng.

Các xét nghiệm cần thực hiện để đánh giá biến chứng

Xét nghiệm máu A1c

Hầu hết các biến chứng của bệnh tiểu đường đều liên quan đến lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Xét nghiệm máu A1c để kiểm tra xem lượng đường trong máu có vượt quá ngưỡng hay không.

Khi lượng đường trong máu của người bệnh ổn định, bác sĩ có thể làm xét nghiệm A1c 4 lần mỗi năm. Sau đó, giảm xuống còn 2 lần một năm.

Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ cánh tay hoặc ngón tay của người bệnh để đo lượng đường huyết trung bình trong 3 tháng qua.

Nếu người bệnh dùng insulin hoặc có lượng đường trong máu không kiểm soát được, bác sĩ cũng thường khuyên nên tự kiểm tra ở nhà thường xuyên vài lần mỗi ngày.

Xét nghiệm nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA)

Khi các tế bào không nhận đủ glucose, chúng sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo để lấy năng lượng, gây ra nhiễm toan ceton. Mức ceton cao báo hiệu bệnh tiểu đường không kiểm soát được hoặc đang bị bệnh. Điều này có thể dẫn đến nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA) – đây là một biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh lấy mẫu nước tiểu tại nhà và kiểm tra nồng độ ceton bằng que thử đặc biệt nếu:

  • Lượng đường trong máu cao (thường trên 240 mg/dL)
  • Người bệnh tiểu đường bị ốm
  • Người bệnh có các dấu hiệu của DKA như khô miệng và thường xuyên đi tiểu

Kiểm tra tuyến giáp

Bệnh tiểu đường có liên quan đến một tình trạng gọi là suy giáp. Đây là khi tuyến giáp không tạo ra đủ các hormone kiểm soát sự trao đổi chất của cơ thể.

Do vậy, người bệnh tiểu đường nên tầm soát bệnh tuyến giáo trung bình 1-2 lần/năm, đặc biệt là nếu trong gia đình có người đã mắc bệnh tuyến giáp.

Vân Anh