Ở người bệnh đái tháo đường, vết thương rất lâu lành, có thể kéo dài vài tháng, đặc biệt là vết thương ở bàn chân. Do vậy, dễ xảy ra biến chứng bàn chân của bệnh đái tháo đường, dẫn đến cắt cụt chân, tàn phế.
Nguyên nhân gây biến chứng bàn chân ở người bệnh đái tháo đường
Biến chứng bàn chân là hậu quả của nhiều tổn thương phức tạp khác nhau của bệnh đái tháo đường (tiểu đường).
Bệnh đái tháo đường gây ra 2 vấn đề có thể ảnh hưởng tới bàn chân như sau:
Bệnh thần kinh ngoại biên đái tháo đường
Tổn thương thần kinh đóng vai trò quan trọng trong bệnh lý bàn chân đái tháo đường. Rối loạn thần kinh ngoại biên không chỉ gây rối loạn thần kinh cảm giác mà còn gây rối loạn thần kinh dinh dưỡng. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện cảm giác nóng ran, bỏng rát… ở bàn chân, sau một thời gian bệnh nhân sẽ xuất hiện cảm giác tê, đau và dần dần giảm và mất cảm giác bàn chân. Bệnh nhân không còn cảm giác nóng lạnh, đau ở bàn chân. Bàn chân có thể bị teo cơ, biến dạng, thay đổi áp lực trên gan bàn chân khi đi lại, gây ra những vết chai do tì đè, loét lỗ đáo.
Những thay đổi về cấu trúc bàn chân làm cho bàn chân dễ bị loét hơn. Mất cảm giác đau làm cho bệnh nhân không nhận biết được mình bị tổn thương ở bàn chân (do dị vật đâm vào, do bỏng, loét chi chân…) và gây nên nguy cơ nhiễm trùng bàn chân rất cao. Bệnh nhân không chỉ nhiễm trùng phần mềm mà còn viêm xương, tiêu xương gây biến dạng bàn chân. Không ít bệnh nhân do chủ quan cũng như do mất cảm giác bàn chân nên đến khám muộn khi ổ nhiễm trùng đã lan rộng, nguy cơ phải cắt cụt chi cao.
Bệnh mạch máu ngoại biên
Bệnh mạch máu ngoại vi (hay bệnh mạch máu ngoại biên) là tên gọi chung của các bệnh liên quan đến hệ động mạch nằm cách xa tim. Theo các thống kê, có đến 30% bệnh nhân loét bàn chân có liên quan đến bệnh máu ngoại vi.
Ở người bệnh tiểu đường, sự thay đổi mạch máu vi tuần hoàn gây nên biểu hiện đặc trưng là tình trạng xơ vữa động mạch. Sự hình thành các mảng xơ vữa và huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu ngoại biên, làm tổn thương các động mạch cung cấp máu cho các chi. Điều này khiến cho vết loét lại lâu lành và khó điều trị.
>> Xem thêm Tìm hiểu cách ngăn chặn các bệnh do tiểu đường biến chứng gây ra
Những tổn thương bàn chân của người bệnh đái tháo đường
Do tổn thương thần kinh ngoại biên và giảm tưới máu do xơ vữa mạch, bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm như:
- Nấm da chân: Khi đường huyết tăng cao không kiểm soát, cơ thể bị suy giảm miễn dịch và dễ bị nhiễm nấm, đặc biệt là ở vị trí tiếp xúc với nơi ẩm ướt, nền đất bẩn thường xuyên như bàn chân. Nấm da chân, kẽ chân làm cho da chân bị đỏ, ngứa và nứt da. Vi khuẩn có thể theo những kẽ nứt này xâm nhập xuống vùng mô bên dưới và gây nên bội nhiễm.
- Chai chân: Chai chân là hiện tượng khá phổ biến mà bất kì ai cũng có thể gặp. Những vết chai ở vùng lòng bàn chân xuất hiện là hậu quả của việc thay đổi vị trí chịu áp lực và tì đè khi cấu trúc bàn chân bị thay đổi. Lâu ngày vi khuẩn có thể xâm nhập vào những tổn thương da vi thể xung quanh các vết chai làm vùng da nhiễm trùng, chảy mủ.
- Ngón chân vẹo ngoài: Tật ngón chân vẹo ngoài xảy ra khi ngón chân cái bị vẹo về phía ngón chân trỏ tạo một mỏm xương nhô ra tại ngón chân cái. Tật này có thể là bẩm sinh hoặc do sinh hoạt gây ra (mang giày cao gót có phần mũi giày quá chật). Khi bị tật này, áp lực bàn chân bị thay đổi và dồn vào ngón chân cái khiến ngón cái bị sưng, đau, tấy đỏ.
- Loét chân: Loét chân có thể xảy ra tại các điểm tì đè, các vết chai tại lòng bàn chân tạo thành lỗ đáo. Loét da ở người đái tháo đường thường lâu lành, điều trị bao gồm kháng sinh (nếu có nhiễm trùng), gọt bớt vùng da chai và phòng ngừa loét tái phát bằng các loại giày dép đặc biệt giảm bớt áp lực vùng bị loét.
- Hoại tử chân: Đây là biến chứng tiểu đường nghiêm trọng nhất, xảy ra do các vết loét chân kéo dài, không được điều trị đúng cách. Khi tổn thương ở bàn chân gây ra những vết loét quá lớn, không được điều trị, trong điều kiện thiếu máu nuôi dưỡng sẽ khiến cho bàn chân bị hoại tử.
- Ngón chân hình búa: Tật ngón chân hình búa xảy ra khi các cơ gian cốt phần mu bàn chân bị teo làm co rút các gân duỗi ngón vùng mu chân, khi đó đầu các ngón chân sẽ bị quặm xuống đất và lâu ngày bị loét. Chỗ tì đè đầu các ngón chân và xương đốt bàn cọ xát thường xuyên với giày có thể bị loét, nổi bóng nước hoặc chai.
- Bàn chân Charcot: Tật bàn chân Charcot hay còn gọi là bàn chân bẹt xảy ra khi lòng bàn chân bị mất độ cong vòm sinh lý, lòng bàn chân trở nên phẳng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tật bàn chân Charcot; trong bệnh lý đái tháo đường, các quá trình viêm tiến triển khi đường huyết cao gây ra rối loạn chu chuyển xương, tạo nên các vi đứt gãy xương gan chân và lâu ngày làm sụp vòm.
Phòng tránh biến chứng bàn chân do đái tháo đường như thế nào?
Để phòng tránh biến chứng bàn chân, người bệnh đái thái đường cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu theo khuyến nghị của bác sĩ
- Bỏ thuốc lá, giảm cân (nếu thừa cân, béo phì)
- Thường xuyên vệ sinh, kiểm tra bàn chân nhằm phát hiện sớm những dị vật, những rối loạn cảm giác bàn chân.
- Cần chăm sóc bàn chân, cắt móng chân không quá sát để bảo vệ da ngón chân, không tạo móng quặp. Người bệnh nếu có móng quặp, vết chai chân thì nên đến khám chuyên khoa.
- Khi bàn chân bị tổn thương, ngoài việc giữ vệ sinh, khô ráo bàn chân, người bệnh nên đi tất, dép tránh dị vật gây tổn thương bàn chân (do mất cảm giác). Người bệnh nên đi loại giầy, dép được thiết kế đặc biệt phù hợp với tổn thương bàn chân của ngươi bệnh nhằm bảo vệ chân cũng như giảm áp lực tì đè lên những chỗ tổn thương của bàn chân.
- Đảm bảo lưu thông máu đến chân. Khi ngồi trên ghế, người bệnh tiểu đường nên thường xuyên di chuyển ngón chân và mắt cá chân nhiều lần trong ngày và không ngồi bắt chéo chân trong một thời gian dài.
DS. Phan Thu Hiền