Tìm hiểu các bệnh liên quan đến tuyến tụy thường gặp nhất

Tuyến tụy có vai trò quan trọng đối với cả hệ thống tiêu hóa và nội tiết. Việc chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan đến tuyến tụy gặp khó khăn do tuyến tụy nằm sâu trong ổ bụng, gần với cột sống.

bệnh liên quan đến tuyến tụy
Các vấn đề về tuyến tụy khó chẩn đoán sớm

Vai trò của tuyến tụy

Tuyến tụy đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Nó nằm bên trong bụng, ngay sau dạ dày, có kích thước bằng bàn tay. Trong quá trình tiêu hóa, tuyến tụy tạo ra dịch tụy chứa các enzym. Các enzym này phân hủy đường, chất béo và tinh bột.

Tuyến tụy cũng hỗ trợ hệ thống tiêu hóa bằng cách tạo ra các hormon. Đây là những chất truyền tin hóa học lưu hành trong máu. Hormon tuyến tụy là những sứ giả hóa học đi qua máu, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và cảm giác thèm ăn, kích thích tiết axit trong dạ dày và thông báo cho dạ dày khi nào nên làm rỗng.

bệnh liên quan đến tuyến tụy
Tuyến tụy nằm ở phía sau dạ dày, trong ổ bụng

Enzyme tuyến tụy

Tuyến tụy tạo ra dịch tụy chứa các enzym quan trọng để phân hủy thức ăn. Dịch tụy được giải phóng vào một hệ thống các ống dẫn lên ống tụy chính, sau đó giải phóng vào tá tràng, kết hợp với dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Mỗi ngày, tuyến tụy tạo ra khoảng 1 lít dịch tụy chứa đầy các enzym, gồm có:

  • Lipase: Enzyme này hoạt động cùng với mật do gan sản xuất, để phân hủy chất béo trong chế độ ăn uống hàng ngày. Nếu không có đủ lipase, cơ thể sẽ khó hấp thụ chất béo và các vitamin tan trong dầu quan trọng như vitamin A, D, E, K. Các triệu chứng của việc hấp thụ chất béo kém bao gồm tiêu chảy và đi tiêu nhiều mỡ.
  • Protease: Enzyme này phá vỡ các protein trong chế độ ăn uống hàng ngày. Nó cũng giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng cư trú trong ruột, như một số vi khuẩn và nấm men. Các protein không được tiêu hóa có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người.
  • Amylase: Enzyme này giúp phân hủy tinh bột thành đường mà cơ thể có thể sử dụng để làm năng lượng. Không có đủ amylase có thể dẫn đến tiêu chảy do không tiêu hóa được carbohydrate.

Các hormone tuyến tụy

Có nhiều nhóm tế bào có vai trò sản xuất hormone bên trong tuyến tụy. Không giống như các enzym được giải phóng vào hệ thống tiêu hóa, các hormone được giải phóng vào máu và truyền tín hiệu đến các bộ phận khác của hệ thống tiêu hóa. Các hormone tuyến tụy bao gồm:

  • Insulin: Hormone này được tạo ra trong các tế bào của tuyến tụy được gọi là tế bào beta. Tế bào beta chiếm khoảng 75% tế bào hormone tuyến tụy. Insulin là hormone giúp cơ thể sử dụng đường để tạo năng lượng. Nếu không có đủ insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng và dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
  • Glucagon: Tế bào alpha chiếm khoảng 20% số tế bào trong tuyến tụy sản xuất hormon. Chúng tạo ra glucagon. Nếu lượng đường trong máu quá thấp, glucagon sẽ giúp nâng cao nó bằng truyền tín hiệu đến gan để giải phóng lượng đường dự trữ.
  • Gastrin và amylin: Gastrin chủ yếu được tạo ra trong các tế bào G trong dạ dày, nhưng một số cũng được tạo ra trong tuyến tụy. Nó kích thích dạ dày tạo ra axit dịch vị. Amylin được tạo ra trong các tế bào beta và giúp kiểm soát sự thèm ăn và làm rỗng dạ dày.
bệnh liên quan đến tuyến tụy
Insulin do tế bào beta đảo tụy tiết ra giúp điều hòa đường huyết của cơ thể

Các vấn đề liên quan đến tuyến tụy phổ biến nhất

Tiểu đường, viêm và ung thư tuỵ là ba vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến tuyến tụy:

Tiểu đường

Nếu bị bệnh tiểu đường loại 1 thì các tế bào beta của tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin, để điều trị bệnh cần sử dụng nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào.

Nếu bị bệnh tiểu đường loại 2 thì các tế bào beta có khả năng sản xuất insulin nhưng cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách hay insulin không thực hiện được đúng chức năng. Đó là sự đề kháng insulin. Đường tiểu phẫu có thể tạo ra chứng liệt dạ dày, làm giảm chức năng vận hành của hệ thống tiêu hóa. Tăng đường huyết trong thời gian dài không được kiểm soát có thể gây tổn thương những cơ quan khác như tim, mạch máu, thận, thần kinh.

bệnh liên quan đến tuyến tụy
Tiểu đường là bệnh lý liên quan đến tuyến tụy phổ biến trên toàn thế giới

Viêm tuyến tụy

Khi tuyến tụy bị viêm, các enzym tiêu hóa mà nó tạo ra có thể làm hỏng chính các mô tụy. Sỏi mật hoặc uống nhiều rượu thường là nguyên nhân gây ra viêm tụy. Tuyến tụy bị viêm có thể giải phóng các tế bào viêm và độc tố có thể gây hại cho phổi, thận và tim. Có hai dạng viêm tụy:

  • Viêm tụy cấp là một đợt viêm đột ngột và ngắn
  • Viêm tụy mạn tính là tình trạng viêm liên tục.

Ung thư tuyến tụy

Khoảng 95% trường hợp ung thư tụy bắt đầu từ các tế bào tạo ra các enzym tiêu hóa. Ung thư tuyến tụy là loại bệnh tuyến tụy xảy ra khi những thay đổi trong tế bào tuyến tụy khiến chúng nhân lên ngoài tầm kiểm soát, có thể tạo ra một khối lượng mô lớn. Nguyên nhân dẫn đến ung thư tụy chưa được xác định rõ ràng, nhưng có một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh như tuổi cao, hút thuốc, béo phì, tiền sử tiểu đường, viêm tụy.

Ung thư tụy là một trong những bệnh khó chữa nhất do rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và đi khám, thường bệnh đã ở giai đoạn 3, 4.

Do vậy, để ý những dấu hiệu bất thường của cơ thể để đi khám sớm, điều trị sớm sẽ giúp giảm chi phí y tế và tăng tuổi thọ cho người bệnh.

DS Phan Thu Hiền