Phân biệt điểm khác nhau rõ rệt của bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2

Tiểu đường là tình trạng liên quan đến khả năng chuyển hóa đường của cơ thể. Tìm hiểu rõ về bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2, tiểu đường thai kỳ có ý nghĩa lớn trong việc điều trị và phòng ngừa biến chứng.

tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2
Tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường có nhiều loại

Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là thuật ngữ chỉ tình trạng liên quan tới khả năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng của cơ thể.

Khi bạn ăn một loại thức ăn chứa carbohydrate, cơ thể sẽ chuyển hóa chúng thành một loại đường gọi là glucose và đưa nó vào máu. Tuyến tụy sẽ tiết ra insulin, một loại hormone giúp chuyển hóa glucose từ máu vào tế bào và dùng nó làm năng lượng.

Khi bạn bị tiểu đường mà không điều trị, cơ thể không tiết ra được lượng insulin như bình thường. Có nhiều đường glucose lưu lại trong máu gây ra tăng đường huyết. Lượng đường trong máu cao gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thậm chí đe dọa tới tính mạng.

Tiểu đường là bệnh mạn tính nên không có cách chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, thay đổi thói quen sống và dùng thuốc kiểm soát đường huyết thường xuyên giúp người bệnh sống lâu và khỏe mạnh.

Bệnh tiểu đường có nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường là khi lượng đường trong máu của bạn cao hơn mức bình thường nhưng không đủ cao để khi bác sĩ khám chẩn đoán là bệnh tiểu đường. Hơn 1/3 người Hoa Kỳ mắc phải bệnh này nhưng phần lớn họ không biết mình mắc bệnh.

Tiền tiểu đường có thể khiến bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch. Cần tập thể dục nhiều hơn và giảm cân để phòng ngừa bệnh tiến triển. Chỉ cần giảm khoảng 5 – 7 % trọng lượng cơ thể của bạn là có thể giảm rủi ro mắc bệnh tiểu đường.

Tiểu đường tuýp 1

tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2
Tiểu đường tuýp 1 cần tiêm insulin dưới da thường xuyên

Bệnh tiểu đường tuýp 1 còn được gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin. Bệnh được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát vị thành niên bởi bệnh thường bắt đầu từ thời thơ ấu.

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một tình trạng tự miễn của cơ thể. Bệnh xảy ra khi cơ thể tự tấn công tuyến tụy bằng các kháng thể. Cơ quan này bị hư hại và không tạo ra insulin.

Gen di truyền có thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1. Bệnh cũng có thể là do các tế bào trong tuyến tụy gặp trục trặc trong việc tạo ra insulin.

Tiểu đường tuýp 1 dễ dẫn tới biến chứng gây tổn thương mạch máu nhỏ trong mắt (bệnh võng mạc tiểu đường), dây thần kinh, bệnh thận. Người bị tiểu đường tuýp 1 cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn so với bình thường.

Để điều trị tiểu đường tuýp 1 cần tiêm insulin vào mô mỡ ngay dưới da của bạn. Bạn có thể dùng:

  • Ống tiêm
  • Bút tiêm insulin sử dụng hộp đổ sẵn thuốc và cây kim mỏng
  • Kim phun phản lực sử dụng áp suất không khí để phun insulin qua da
  • Bơm đưa insulin qua ống thông dưới da bụng

Một xét nghiệm được gọi là xét nghiệm máu A1C ước tính lượng đường trong máu của bạn trong 3 tháng trước đó. Bác sĩ sẽ dùng nó để biết lượng đường trong máu của bạn được kiểm soát tốt như thế nào. Kết quả này sẽ cho biết nguy cơ biến chứng tiểu đường.

Nếu bị tiểu đường tuýp 1, bạn cần thường xuyên duy trì thói quen:

  • Kiểm tra thường xuyên lượng đường trong máu
  • Ăn uống cẩn thận
  • Tập thể dục hàng ngày
  • Dùng insulin và các loại thuốc khác khi cần thiết

>> Xem thêm Biến chứng bệnh tiểu đường – Nguy hiểm và cần phòng ngừa sớm

Bệnh tiểu đường tuýp 2

tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 cần uống thuốc tiểu đường hàng ngày

Bệnh tiểu đường tuýp 2 được gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin hoặc bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn. Tuy nhiên, bệnh đang dần trẻ hóa khi xuất hiện cả ở trẻ em và thanh thiếu niên do tình trạng trẻ bị thừa cân béo phì gia tăng. 90% người bệnh tiểu đường thuộc nhóm tiểu đường tuýp 2.

Đối với người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, tuyến tụy vẫn có thể tạo ra insulin, nhưng lượng insulin không đủ để có thể đảm bảo nhiệm vụ như bình thường. Kháng insulin là khi tế bào không phản ứng với insulin thường gặp ở tế bào mỡ, gan và cơ.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường nhẹ hơn bệnh tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên, bệnh vẫn gây ra các biến chứng lớn về sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng tới các mạch máu nhỏ trong thận, dây thần kinh và mắt. Tiểu đường tuýp 2 cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Người bị béo phì, có trọng lượng lớn hơn 20% so với cân nặng tiêu chuẩn có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2. Béo phì thường gây ra tình trạng kháng insulin, do đó tuyến tụy cần phải làm việc nhiều hơn để tạo ra nhiều insulin hơn. Tuy nhiên, lượng insulin vẫn không đủ để giữ cho lượng đường trong máu ở mức vừa phải.

Để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, người bệnh cần phải giữ mức cân nặng trung bình, ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Có một số người thì cần dùng thuốc hàng ngày.

Bác sĩ sẽ xét nghiệm đường huyết vài lần mỗi năm để xem bạn đã kiểm soát tốt được lượng đường trong máu chưa.

Bệnh tiểu đường thai kỳ

tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2
Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ cần có thực đơn dinh dưỡng phù hợp

Mang thai thường gây ra một số dạng kháng insulin. Vì thế mà có tình trạng tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ thường phát hiện ra tình trạng này vào giữa hoặc cuối thai kỳ. Đường trong máu của bà mẹ đi qua nhau thai tới em bé vì thế nên kiểm soát tiểu đường thai kỳ để bảo vệ sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi là rất quan trọng.

Các bác sĩ cho rằng bệnh tiểu đường thai kỳ xuất hiện từ 2 – 10% phụ nữ mang thai. Bệnh thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, cũng có 10% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ bị mắc tiểu đường tuýp 2 vài tuần hoặc thậm chí vài năm sau đó.

Tiểu đường thai kỳ dễ gây ra nhiều nguy cơ cho thai nhi hơn bà bầu. Trẻ có thể bị tăng cân bất thường trước khi sinh, khó thở khi sinh hoặc có nguy cơ béo phì và đường huyết cao hơn sau đó. Người mẹ cũng có thể phải mổ lấy thai vì em bé quá lớn hoặc trẻ có thể bị tổn thương tim, thận, thần kinh và mắt.

Để điều trị tiểu đường thai kỳ cần:

  • Lên thực đơn ăn uống phù hợp để đảm bảo đủ dinh dưỡng trong thai kỳ mà không có quá nhiều chất béo và calo
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Kiểm soát cân nặng trong mức cho phép
  • Dùng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu nếu cần thiết.

Các dạng khác của bệnh tiểu đường

Có 1 – 5% người mắc bệnh tiểu đường là do các nguyên nhân khác. Có thể là do bệnh ở tuyến tụy, phẫu thuật và thuốc men cũng như nhiễm trùng gây ra đường huyết cao. Với những trường hợp này, bác sĩ cần theo dõi lượng đường trong máu để điều trị kịp thời, tránh tiến triển xấu.

Đào Tâm