Tiền tiểu đường có khả năng tiến triển thành tiểu đường loại 2, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Nếu không nhanh chóng thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Tiền tiểu đường là gì?
Tiền tiểu đường không phải là một bệnh lý mà là một tình trạng rối loạn chuyển hóa, trong đó lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ cao để được chẩn đoán là bệnh tiểu đường loại 2 (tiểu đường type 2).
Tiền tiểu đường làm tăng nguy cơ tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và đột quỵ, nhưng điều nguy hiểm là nhiều người không biết mình mắc tình trạng này.
Bình thường nồng độ đường huyết dao động trong khoảng 3,9-5,6 mmol/L (70-100 mg/dL) lúc đói và lúc no thấp hơn 7,8 mmol/L. Người được xác định là tiền tiểu đường nếu như mức đường huyết trong khoảng 5,7-6,9 mmol/L (101-125 mg/dL) lúc đói hoặc 7,8-11 mmol/L (140-199 mg/dL) lúc no.
Nguyên nhân gây ra tiền tiểu đường là gì?
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tiền tiểu đường. Di truyền, lười vận động, thừa cân được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nguy cơ gây bệnh.
Hầu hết glucose trong cơ thể được cung cấp từ nguồn thức ăn thu nạp hàng ngày. Khi thức ăn được tiêu hóa, đường sẽ đi vào máu. Việc di chuyển đường từ máu đến các tế bào của cơ thể cần một loại hormone gọi là insulin do tuyến tụy tiết ra làm giảm lượng đường trong máu. Khi lượng đường trong máu bắt đầu giảm, quá trình tiết insulin ở tuyến tụy sẽ chậm lại.
Khi bị tiền tiểu đường, quá trình này bị rối loạn. Tuyến tụy có thể không tạo đủ insulin hoặc các tế bào trở nên kháng insulin và không cho phép đường di chuyển từ máu vào tế bào. Vì vậy, thay vì cung cấp năng lượng cho tế bào, đường sẽ tích tụ trong máu gây tăng đường huyết.
Các yếu tố nguy cơ
Cả tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2 đều có chung các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Các yếu tố này bao gồm:
- Thừa cân, béo phì: Thừa cân là một yếu tố nguy cơ chính của tiền tiểu đường. Càng có nhiều mô mỡ – đặc biệt là mỡ nội tạng, giữa cơ và da quanh bụng – thì tế bào càng trở nên đề kháng với insulin.
- Vòng eo lớn: Vòng eo lớn có liên quan đến tình trạng kháng insulin, do mỡ bụng tích tụ quá nhiều.
- Chế độ ăn không khoa học: Ăn thịt đỏ và thịt chế biến, đồ uống có đường, bánh ngọt làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường. Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và dầu ô liu sẽ giúp giảm nguy cơ tiền tiểu đường.
- Ít vận động: Càng ít hoạt động, nguy cơ mắc tiền tiểu đường càng cao. Vận động giúp kiểm soát cân nặng, tăng cường sử dụng đường để tạo năng lượng và khiến cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.
- Tuổi cao: Sau 45 tuổi, nguy cơ tiền tiểu đường sẽ cao hơn.
- Di truyền: Nguy cơ tiền tiểu đường tăng lên nếu người thân ruột thịt trong gia đình mắc bệnh tiểu đường loại 2.
- Tiểu đường thai kỳ: Bị tiểu đường khi đang mang thai (tiểu đường thai kỳ) sẽ làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Những phụ nữ bị tình trạng này đặc trưng bởi kinh nguyệt không đều, lông tóc mọc nhiều có nguy cơ mắc tiền tiểu đường cao hơn.
- Rối loạn khi ngủ: Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn – một tình trạng làm gián đoạn giấc ngủ lặp đi lặp lại – có nguy cơ kháng insulin cao hơn.
- Khói thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng kháng insulin.
Các tình trạng khác liên quan đến tiền tiểu đường bao gồm:
- Huyết áp cao
- Mức cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) hay còn gọi là cholesterol tốt thấp
- Nồng độ chất béo trung tính cao
Sự kết hợp của ba hoặc nhiều tình trạng trên thường được gọi là hội chứng chuyển hóa. Khi những tình trạng này xảy ra kèm bệnh béo phì thường có liên quan đến kháng insulin.
Các hậu quả của tiền tiểu đường
Hậu quả nghiêm trọng nhất của tiền tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời là tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2. Nếu không áp dụng bất kỳ thay đổi lối sống nào (như cải thiện chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc giảm cân) sau khi được chẩn đoán tiền tiểu đường, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong 5 năm tới.
Do vậy, ngay khi được chẩn đoán, người bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt.
DS Phan Thu Hiền