Một trong những dấu hiệu nhận biết của bệnh đái tháo đường type 1 là tăng đường huyết, hay còn gọi là đường huyết cao. Tăng đường huyết nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Thế nào là tăng đường huyết?
Người bệnh đái tháo đường type 1 (tiểu đường loại 1) có thể bị tăng đường huyết cả lúc đói lẫn sau ăn.
Tăng đường huyết lúc đói
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ định nghĩa đường huyết lúc đói bình thường là 80 – 130 mg/dl. Mức đường huyết lúc đói trên 130 mg/dl được coi là tăng đường huyết.
Tăng đường huyết sau ăn
Mức đường huyết trên 180 mg/dl từ 1 đến 2 giờ sau khi ăn một bữa ăn (sau ăn) được coi là tăng đường huyết.
Các triệu chứng của tăng đường huyết thường xuất hiện khi mức đường huyết ít nhất từ 180 – 200 mg/dl. Không phải lúc nào bạn cũng xuất hiện tất cả các triệu chứng của tăng đường huyết. Kiểm tra đường huyết bằng máy đo là rất quan trọng để bạn hiểu được bệnh đái tháo đường của mình có được quản lý tốt hay không và liệu đường huyết có nằm trong phạm vi mục tiêu hay không.
Các triệu chứng của tăng đường huyết
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của tăng đường huyết với bệnh đái tháo đường type 1 là:
- Cảm thấy khát, đói (thậm chí nôn nao)
- Đi tiểu thường xuyên
- Mờ mắt
- Cảm thấy rất mệt mỏi và lơ mơ
- Đau đầu
Nếu lượng đường trong máu tăng cao trong một thời gian dài, bạn có thể bị giảm cân mặc dù vẫn ăn như bình thường, hoặc thậm chí ăn nhiều hơn bình thường vì hay đói. Bạn cũng có thể nhận thấy mình bị dễ bị nhiễm trùng nấm men hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, các vết cắt hoặc vết loét dường như mãi không lành.
Mức đường huyết có thể tăng rất cao vào một số thời điểm và tại thời điểm này, bạn có thể bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau bụng
- Yếu mệt như hết hơi
- Lú lẫn
Nguyên nhân nào gây tăng đường huyết?
Nguyên nhân khiến mức đường huyết tăng cao trong bệnh đái tháo đường type 1 là sự phá hủy tế bào beta của đảo tụy (tế bào tiết insulin), gây ra sự thiếu hụt insulin.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường type 1, gần như không thể tránh khỏi việc bạn bị tăng đường huyết vào một thời điểm nào đó.
Một số yếu tố phổ biến gây tăng đường huyết bao gồm:
- Thiếu hụt insulin
- Không tiêm insulin đúng cách
- Sử dụng insulin hết hạn
- Thay đổi lượng chế độ ăn: ví dụ, ăn quá nhiều carbohydrate, ăn thức ăn có hàm lượng chất béo cao hơn, ăn nhiều lần hoặc ăn nhiều thức ăn
- Giảm mức độ hoạt động thể chất thông thường
Một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến mức đường huyết cao mà không phải lúc nào bạn cũng để ý như:
- Bị căng thẳng
- Bệnh tật, chẳng hạn như cảm cúm hoặc nhiễm trùng xoang, viêm ruột thừa
- Chấn thương, chẳng hạn như bong gân mắt cá chân
- Thay đổi giấc ngủ: mất ngủ hoặc bị gián đoạn giấc ngủ có thể gây ra những thay đổi nội tiết tố làm tăng mức đường huyết.
- Chu kỳ kinh nguyệt: một số phụ nữ nhận thấy rằng tình trạng tăng đường huyết xảy ra trước kỳ kinh vài ngày.
- Thuốc: một số loại thuốc có thể làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt là steroid (ví dụ: prednisone), thuốc lợi tiểu thiazide, một số thuốc chống loạn thần, một số thuốc kháng sinh và thuốc thông mũi.
Tăng đường huyết cũng có thể xảy ra khi lượng đường trong máu giảm thấp. Khi đó, các hormone phản điều hòa có thể hoạt động, báo hiệu gan giải phóng glucose.
Hậu quả của tăng đường huyết
Người bệnh đái tháo đường type 1 bị tăng đường huyết không được điều trị có thể dẫn đến nhiều hậu quả cả trước mắt và lâu dài. Hậu quả trước mắt hoặc “cấp tính” của tăng đường huyết là các dấu hiệu và triệu chứng điển hình, chẳng hạn như khát nước, đi tiểu và đau đầu khiến bạn cảm thấy không khỏe.
Tăng đường huyết mạn tính có thể dẫn đến một loạt các biến chứng như:
- Bệnh tim mạch
- Tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh)
- Bệnh thận và suy thận
- Bệnh về mắt và khả năng bị mù (bệnh võng mạc đái tháo đường)
- Các vấn đề về chân
- Các vấn đề về răng và nướu
Điều trị tăng đường huyết như thế nào?
Điều trị tăng đường huyết phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Cần đi khám để bác sĩ tư vấn mức đường huyết mục tiêu, chế độ ăn uống, vận động và sử dụng thuốc.
Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý để kiểm soát đường huyết tốt hơn:
- Uống nhiều nước
- Cắt giảm bớt carb trong chế độ ăn (nhưng không cắt bỏ hoàn toàn carb)
- Đi dạo hoặc thực hiện một số hoạt động để giúp giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, tốt nhất là không nên tập thể dục nếu bạn có ceton trong nước tiểu, bởi tập thể dục có thể làm cho mức đường huyết tăng cao hơn.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hay tăng liều thuốc.
- DS Phan Thu Hiền