Hội chứng chuyển hóa là một rối loạn chuyển hóa có liên quan đến béo bụng, lượng đường trong máu cao, huyết áp cao và nhiều vấn đề khác…
Tìm hiểu về hội chứng chuyển hóa để phòng ngừa
Hội chứng chuyển hóa là gì?
Hội chứng chuyển hóa đôi khi còn được gọi là hội chứng rối loạn chuyển hóa, bệnh chuyển hóa, hội chứng kháng insulin.
Đây là thuật ngữ chỉ một nhóm tình trạng, bao gồm béo bụng, nồng độ chất béo trung tính cao, lượng đường trong máu lúc đói cao, huyết áp cao hoặc cholesterol HDL “tốt” thấp. Khi có ba hoặc nhiều yếu tố nguy cơ chuyển hóa xảy ra cùng nhau thì được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa.
Khoảng 85% những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng mắc hội chứng chuyển hóa. Những người này có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nhiều so với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 không mắc hội chứng chuyển hóa.
Người bị rối loạn chuyển hóa thường bị béo bụng, tiểu đường
Triệu chứng khi mắc hội chứng chuyển hóa
Hầu hết các rối loạn liên quan đến hội chứng chuyển hóa đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, vẫn có thể xác định các triệu chứng dưới đây:
Vòng bụng lớn (bụng mỡ)
Một dấu hiệu rất phổ biến của hội chứng chuyển hóa là chu vi vòng eo lớn: ít nhất 101 cm đối với nam và 89 cm đối với nữ. Nếu phần lớn mỡ tập trung quanh eo chứ không phải ở hông, bạn có nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường loại 2 cao hơn.
Mức đường huyết lúc đói cao
Nếu lượng đường trong máu rất cao, sẽ có triệu chứng của bệnh tiểu đường như khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, mệt mỏi và mờ mắt.
Mức đường huyết lúc đói bình thường là dưới 100 mg/dL. Mức đường huyết lúc đói ở mức 100 – 125 mg/dL được coi là tiền tiểu đường. Mức đường huyết lúc đói từ 126 mg/dL trở lên được coi là bệnh tiểu đường. Mức đường huyết lúc đói từ 100 mg/dL trở lên (hoặc đang dùng thuốc để điều trị lượng đường trong máu cao) được coi là yếu tố nguy cơ chuyển hóa.
Huyết áp cao
Huyết áp cao là một triệu chứng và yếu tố nguy cơ khác của hội chứng chuyển hóa, có thể không được chú ý trừ khi bạn kiểm tra huyết áp thường xuyên. Huyết áp từ 130/85 mmHg trở lên (hoặc đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao) được coi là yếu tố nguy cơ chuyển hóa.
Triglyceride cao
Một dấu hiệu khác có thể có của hội chứng chuyển hóa là mức chất béo trung tính cao. Triglyceride là một loại chất béo hoặc lipid được tìm thấy trong máu. Khi ăn, cơ thể sẽ chuyển đổi bất kỳ lượng calo nào không cần sử dụng ngay thành chất béo trung tính. Mức chất béo trung tính từ 150 mg/dL trở lên (hoặc đang dùng thuốc để điều trị chất béo trung tính cao) là yếu tố nguy cơ chuyển hóa đối với hội chứng chuyển hóa.
Mức chất béo trung tính cao cũng là dấu hiệu hội chứng chuyển hóa
Cholesterol HDL thấp
Cholesterol HDL thường được gọi là cholesterol “tốt” vì nó giúp loại bỏ cholesterol khỏi động mạch. Mức cholesterol HDL dưới 50 mg/dL đối với phụ nữ và dưới 40 mg/dL đối với nam giới (hoặc đang dùng thuốc để điều trị cholesterol HDL thấp) là yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng chuyển hóa
Hai nguyên nhân chính gây ra hội chứng chuyển hóa là thừa cân hoặc béo phì và lười vận động.
Các yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng mắc hội chứng chuyển hóa bao gồm:
• Lão hóa
• Di truyền
• Bệnh tim mạch
• Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
• Hội chứng buồng trứng đa nang
• Sỏi mật
• Các vấn đề về hô hấp khi ngủ (chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ)
Lười vận động là nguyên nhân dẫn đến hội chứng chuyển hóa
Điều trị hội chứng chuyển hóa
Thay đổi lối sống tích cực và có lợi cho tim thường là phương pháp điều trị chính cho hội chứng chuyển hóa vì chúng giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của chứng rối loạn.
Những thay đổi lối sống được khuyến nghị bao gồm:
• Ăn uống lành mạnh
• Bỏ rượu bia và thuốc lá
• Kiểm soát tốt căng thẳng
• Duy trì cân nặng ở mức bình thường
• Vận động nhiều hơn
• Tập thể dục hàng ngày
Nếu thay đổi lối sống không hiệu quả thì bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc để điều trị và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, chất béo trung tính cao, cholesterol HDL (“tốt”) thấp và lượng đường trong máu cao.