Nhận biết cơ thể thuộc thể hàn hay nhiệt để ăn uống và dùng thuốc cho đúng

Mỗi người có thể trạng riêng. Hiểu được thể trạng hàn hay nhiệt để điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như dùng thuốc cho đúng, sớm hồi phục, tránh phát sinh thêm bệnh.

cơ thể thuộc thể hàn
Hiểu được cơ thể thuộc thể hàn hay nhiệt để điều chỉnh dùng thuốc, ăn uống

Dấu hiệu đặc trưng của người thể nhiệt, thể hàn

Người thể hàn hay thể nhiệt có một số dấu hiệu đặc trưng riêng. Để xác định xem thuộc thể gì, có thể dựa trên những dấu hiệu đó để tính điểm. Mỗi dấu hiệu được tính là 1 điểm. Nếu số điểm đạt hơn ¾ thì có thể khẳng định thuộc thể đó, nhưng nếu chỉ đạt dưới ½ các dấu hiệu thì thuộc diện nghi ngờ, xem thiên hàn hay thiên nhiệt.

Các dấu hiệu thuộc thể nhiệt:

  • Thân hình hơi béo
  • Huyết áp thường cao hoặc hơi cao
  • Mỡ máu và đường huyết cũng hơi cao
  • Sợ nóng
  • Hay khát nước, thích uống nước mát
  • Ăn ngon miệng
  • Sắc mặt hồng hào
  • Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng
  • Phân khô cứng
  • Nước tiểu vàng
  • Tinh thần hưng phấn, tính cách hướng ngoại
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Nói nhiều
  • Khả năng tình dục mạnh mẽ

Các dấu hiệu thuộc thể rất nhiệt:

  • Thân hình béo tốt
  • Huyết áp hơi cao
  • Da dẻ nóng
  • Mỡ máu và đường máu cũng hơi cao
  • Rất sợ nóng
  • Hay khát nước, thích uống nước thật lạnh
  • Ăn ngon miệng
  • Sắc mặt đỏ
  • Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc đen
  • Hay bị táo bón
  • Đi tiểu đỏ, ít
  • Tinh thần rất hưng phất
  • Thể lực cường tráng
  • Dễ ra mồ hôi
  • Tiếng nói to, khỏe
  • Khả năng tình dục mạnh mẽ, hơi thái quá
cơ thể thuộc thể hàn
Thân hình béo, da nóng, hay ra mồ hôi là thể trạng nhiệt

Các dấu hiệu thuộc thể hàn:

  • Thân hình hơi gầy
  • Huyết áp hơi thấp
  • Mỡ máu và đường huyết hơi thấp
  • Sợ lạnh
  • Không khát và không muốn uống nước
  • Ăn bình thường
  • Sắc mặt trắng
  • Rêu lưỡi nhạt
  • Phân nát, không thành khuôn
  • Nước tiểu trong
  • Dễ mỏi mệt
  • Ít ra mồ hôi
  • Tính cách hướng nội, ít nói
  • Khả năng tình dục kém

Các dấu hiệu thuộc thể rất hàn:

  • Thân hình rất gầy
  • Huyết áp thấp hoặc rất thấp
  • Chân tay rất dễ bị lạnh
  • Mỡ máu và đường huyết cũng thấp
  • Cực kỳ sợ lạnh
  • Thích uống nước ấm nóng
  • Ăn kém
  • Sắc mặt vàng nhợt
  • Lưỡi trắng nhợt và ướt
  • Phân lỏng
  • Tiểu tiện trong, đi nhiều lần
  • Rất ít mồ hôi hoặc vã mồ hôi trộm
  • Tiếng nói nhỏ yếu
  • Tính cách hướng nội rất rõ
  • Khả năng tình dục rất kém
cơ thể thuộc thể hàn
Người rất sợ lạnh, thân hình gầy, huyết áp thấp thuộc thể hàn

Các dấu hiệu thuộc thể bình hòa (cân bằng, không hàn không nhiệt):

  • Thân hình bình thường
  • Huyết áp bình thường
  • Mỡ máu và đường huyết bình thường
  • Đại tiểu tiện bình thường
  • Thể lực bình thường
  • Cảm giác khát và mồ hôi đều bình thường
  • Ăn uống bình thường
  • Sắc mặt hơi hồng
  • Lưỡi hơi hồng, rêu lưỡi trắng mỏng
  • Khả năng tình dục bình thường

Lựa chọn thực phẩm cho người thể nhiệt, thể hàn

Các thực phẩm cũng có đặc tính riêng, nên sử dụng sao cho cân bằng, phù hợp với thể trạng thì sẽ khỏe mạnh, ít sinh bệnh.

Với người thể nhiệt

Vì da dẻ nóng, người dễ bốc hỏa và dễ ra mồ hôi nên người thể nhiệt cần hạn chế các đồ cay nóng, hạn chế dùng nhiều gia vị như sả, hành, tỏi, quế… Đồng thời, người thể nhiệt và rất nhiệt cũng nên hạn chế các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, nhiều đường vì những thực phẩm này sinh nhiệt, dễ khiến cơ thể bốc hỏa nhiều hơn.

Về các loại rau củ quả, nên tránh các loại hoa quả có tính nóng như sầu riêng, mít, xoài vì chúng làm tăng nhiệt, tổn hại cơ thể.

Với người thể hàn

Người thể hàn nên hạn chế ăn những thực phẩm có tính hàn như: thịt vịt, lươn, ốc, tôm… Nếu muốn ăn, cần thêm những gia vị có tính ấm như gừng, sả, ớt…

Người thể hàn cũng nên tránh ăn đậu xanh, kiều mạch, ý dĩ bởi những thực phẩm này dễ khiến người thể hàn càng hàn hơn.

Với các loại rau củ quả, người thể hàn nên tránh ăn dưa dấu, mía, măng, mướp đắng, rong biển… Ngược lại, người thể nhiệt ăn dưa dấu, mướp đắng lại giúp giải nhiệt.

cơ thể thuộc thể hàn
Lựa chọn thực phẩm cũng cần lưu ý tính hàn – tính nhiệt

Lựa chọn thuốc cho người thể nhiệt, thể hàn

Không chỉ trong ăn uống, việc dùng thuốc trị bệnh cũng cần căn cứ thể hàn hay nhiệt. Mỗi thể bệnh đều có những phương pháp điều trị đặc hiệu. Nên tìm hiểu kỹ để dùng đúng thuốc, dùng sai có thể để lại hậu quả tai hại, như nhiệt gặp nhiệt thì tắc cuồng (người có bệnh nhiệt hoặc cơ địa nhiệt dùng thuốc nhiệt thì phát điên cuồng), hàn gặp hàn thì tắc tử (người có bệnh hàn hoặc cơ địa hàn mà dùng thuốc hàn có thể dẫn tới chết người).

Một ví dụ điển hình trong việc điều trị bệnh theo thể hàn và nhiệt là việc trị bệnh Covid-19 của y học cổ truyền.

Để hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19, các thầy thuốc y học cổ truyền sẽ tùy thuộc vào thể bệnh là hàn hay nhiệt và các giai đoạn bệnh để tìm bài thuốc thích hợp, kết hợp bồi bổ chính khí để nâng cao thể trạng.

Theo ThS.BS Hoàng Vũ Long – phụ trách chuyên môn Phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Covid-19 sinh ra tùy thuộc vào môi trường khí hậu đang lưu hành đã tạo ra nguồn ngoại tà xâm nhập cơ thể.
Thực tế cho thấy, tùy thời điểm bùng phát dịch, vị trí địa lý mà người bệnh có những biểu hiện hàn hay nhiệt khác nhau. Như dịch ở miền Bắc vào mùa Đông Xuân, nồm ẩm thì đa số người bệnh có biểu hiện hàn thấp: sốt cao, rét run, ớn lạnh, mỏi mệt, đờm trắng loãng. Dịch ở miền Nam khi thời tiết nắng nóng và mùa mưa, đa số người bệnh bị nhiệt phong: sốt nhẹ, đau họng, khàn tiếng, miệng khát, đờm vàng, lưỡi đỏ…

Tuy nhiên, người bệnh có thể mang cả triệu chứng hàn và nhiệt do việc đi lại, ủ bệnh và phát bệnh ở nơi khác.

Tùy thuộc vào cơ địa và triệu chứng của từng người bệnh, y học cổ truyền có các phương pháp và bài thuốc thích hợp để điều trị, kết hợp bồi bổ chính khí nâng cao thể trạng.

Do vậy, thuốc dù tốt đến mấy cũng không nên tùy tiện dùng. Cần hỏi ý kiến thầy thuốc và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng sao cho phù hợp với thể trạng và giai đoạn bệnh.

Vân Anh