Táo bón mạn tính không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà còn dẫn đến nguy cơ bị trĩ, nứt kẽ hậu môn. Điều trị táo bón mạn tính cần phụ thuộc vào nguyên nhân căn bản gây bệnh.
Táo bón mạn tính là gì?
Thông thường định nghĩa táo bón mạn tính là tình trạng đi tiêu không thường xuyên dưới 3 lần/tuần hoặc phân khó đi ra ngoài kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Các dấu hiệu thường gặp khi bị táo bón như:
- Đi ngoài ra phân vón cục hoặc cứng
- Đầy bụng, khó tiêu
- Cảm giác như thể có một khối tắc nghẽn trong trực tràng ngăn cản chuyển động của ruột
- Cảm giác không thể tống hết phân ra khỏi trực tràng
- Cần trợ giúp để tống phân ra khỏi trực tràng, chẳng hạn như dùng tay ấn vào bụng và dùng ngón tay để tống phân ra khỏi trực tràng
Xác định những nguyên nhân gây táo bón mạn tính
1. Do lối sống
Táo bón là tình trạng mà hệ tiêu hóa báo hiệu cho cơ thể thấy có những vấn đề trong chế độ ăn, lối sinh hoạt hàng ngày, hay một bệnh lý tiềm ẩn nào đó đang xảy ra với cơ thể.
Dưới đây là một số yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống có thể gây ra táo bón:
- Chế độ ăn nhiều thịt và các sản phẩm từ sữa
- Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, có nhiều chất béo và đường
- Thiếu thức ăn giàu chất xơ
- Không cung cấp đủ nước và các chất lỏng khác cho cơ thể
- Uống quá nhiều rượu hoặc caffein
- Ít vận động
- Nhịn đi tiêu
Giải pháp:
Nếu chế độ ăn uống và lối sống là những nguyên nhân gây táo bón, hãy thực hiện một vài thay đổi để cải thiện tình trạng này nhanh chóng:
- Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ hơn trong bữa ăn như: trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt…
- Uống bổ sung chất xơ cùng với một cốc nước mỗi ngày
- Hạn chế uống rượu và caffein
- Không nhịn đi tiêu
- Tập thể dục hàng ngày, mỗi ngày khoảng 30 phút. Có thể chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng là đủ.
2. Do bệnh lý
Nếu thay đổi chế độ ăn uống và lối sống nhưng tình trạng khó đi tiêu vẫn không thuyên giảm, điều đó có nghĩa là táo bón có thể do nguyên nhân khác gây nên. Táo bón mạn tính có thể là dấu hiệu của các tình trạng sau:
Tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp)
Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, nó có thể tác động mạnh đến sự trao đổi chất. Quá trình trao đổi chất diễn ra chậm chạp khiến toàn bộ quá trình tiêu hóa bị chậm lại, từ đó dẫn đến táo bón.
Các triệu chứng của suy giáp thường phát triển chậm theo thời gian. Ngoài táo bón, suy giáp cũng có thể gây ra các triệu chứng kèm theo khác như mệt mỏi, tăng nhạy cảm với lạnh, da khô, tăng cân, kinh nguyệt không đều, tóc thưa, móng tay giòn, suy giảm trí nhớ, mặt bị sưng.
Nếu được chẩn đoán suy giáp, bác sĩ có thể sẽ phải tiến hành nhiều xét nghiệm hơn để đánh giá căn nguyên. Suy giáp có thể do các bệnh lý khác gây ra, bao gồm:
- Bệnh tự miễn viêm tuyến giáp Hashimoto
- Các bệnh bẩm sinh
- Rối loạn tuyến yên
- Thai kỳ
- Thiếu I-ốt
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như lithium
- Ung thư
- Xạ trị
- Phẫu thuật tuyến giáp
Bệnh tiểu đường
Giống như suy giáp, bệnh tiểu đường cũng là một vấn đề liên quan đến rối loạn nội tiết. Khi bị tiểu đường, cơ thể không sản xuất đủ hormone insulin hoặc sử dụng insulin không đúng cách để điều tiết lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến bệnh thần kinh do tiểu đường hoặc tổn thương thần kinh, trong đó tổn thương các dây thần kinh kiểm soát đường tiêu hóa có thể dẫn đến táo bón.
Các triệu chứng tiểu đường sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị. Cùng với táo bón, hãy chú ý đến các triệu chứng khác bao gồm: luôn cảm thấy khát, đi tiểu thường xuyên đặc biệt vào ban đêm, mệt mỏi, giảm cân, mờ mắt.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường, người bệnh cần đi khám để được điều trị càng sớm càng tốt.
Hội chứng ruột kích thích
Táo bón có thể là kết quả của một tình trạng được gọi là hội chứng ruột kích thích (IBS). Nguyên nhân chính xác của IBS vẫn chưa được xác định rõ, nhưng các nhà khoa học nghi ngờ có mối liên quan giữa não bộ và đường ruột.
Chẩn đoán IBS có thể được thực hiện bằng cách đánh giá các triệu chứng bệnh. Ngoài táo bón, các triệu chứng khác của IBS bao gồm: đau quặn bụng, đầy hơi, tiêu chảy, có nhu cầu cần đi ngoài ngay lập tức.
Lo lắng, căng thẳng
Khi bị lo lắng hoặc căng thẳng, hệ thống thần kinh giao cảm trở nên hoạt động quá mức, có nghĩa là quá trình tiêu hóa bị đình trệ. Lo lắng có thể được điều trị bằng thuốc và tư vấn hoặc liệu pháp tâm lý.
Trầm cảm
Trầm cảm có thể gây ra táo bón vì nhiều lý do. Những người bị trầm cảm có thể nằm trên giường cả ngày và giảm hoạt động thể chất. Trầm cảm cũng có thể dẫn tới thay đổi chế độ ăn uống, ăn nhiều thức ăn có nhiều đường hoặc chất béo. Những thay đổi lối sống và chế độ ăn uống như vậy có thể dẫn đến táo bón.
Các triệu chứng khác của trầm cảm gồm: cảm giác vô vọng, vô giá trị hoặc tuyệt vọng, ý nghĩ tự tử, giận dữ, mất hứng thú với các hoạt động thú vị, khó tập trung, mệt mỏi…
Nếu nhận thấy các dấu hiệu này, tốt nhất nên đi khám để được điều trị. Những người bị trầm cảm cần phải điều trị thuốc và tư vấn tâm lý. Một khi các vấn đề tâm lý được giải quyết, hệ tiêu hóa cũng được cải thiện hơn.
Các bệnh lý khác
Trong một số trường hợp, táo bón có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Ví dụ, các vấn đề với não hoặc hệ thần kinh có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh khiến các cơ trong ruột co lại và ảnh hưởng đến sự di chuyển phân.
Ngoài ra, một thứ gì đó gây tác nghẽn đường ruột, chẳng hạn như khối u, cũng có thể dẫn đến táo bón. Trong hầu hết các tình trạng này, táo bón thường không phải là triệu chứng duy nhất. Các bệnh lý khác có thể gây táo bón bao gồm:
- Tăng canxi huyết
- Bệnh đa xơ cứng
- Bệnh Parkinson
- Tắc ruột
- Ung thư ruột
- Chấn thương tủy sống
- Đột quỵ
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc gây tác dụng phụ là táo bón. Điển hình như các loại thuốc dưới đây:
- Thuốc giảm đau opiate, chẳng hạn như codeine và morphine
- Thuốc chẹn kênh canxi cho bệnh cao huyết áp và bệnh tim
- Thuốc kháng cholinergic được sử dụng để điều trị co thắt cơ
- Thuốc dùng để điều trị bệnh động kinh
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Thuốc dùng để điều trị bệnh Parkinson
- Thuốc lợi tiểu, được sử dụng để giúp thận loại bỏ chất lỏng từ máu
- Thuốc kháng axit cho dạ dày, đặc biệt là thuốc kháng axit có nhiều canxi
- Thuốc trị tiêu chảy
- Viên bổ sung sắt
- Viên bổ sung canxi
Nếu nhận thấy sự thay đổi về tần suất hoặc chất lượng đi tiêu sau khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc nào kể trên, hãy liện hệ với bác sĩ điều trị để được điều chỉnh hoặc bổ sung thêm thuốc để kiểm soát táo bón.
3. Do mang thai
Táo bón là vấn đề tiêu hóa thường gặp khi mang thai. Nguyên nhân là do cơ thể sản xuất nhiều hormone progesterone, khiến cơ ruột khó co lại hơn.
Để giảm táo bón trong thai kỳ, nên ăn nhiều rau củ quả giàu chất xơ, ăn sữa chua, đi bộ nhẹ nhàng để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
DS Phan Thu Hiền