Tổng quan về bệnh Parkinson: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh Parkinson là bệnh rối loạn hệ thần kinh tiến triển ảnh hưởng tới vận động. Bệnh diễn biến từ từ và hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tìm hiểu các nguyên nhân và triệu chứng bệnh.

bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một bệnh rối loạn hệ thần kinh

Bệnh Parkinson là gì?

Bệnh Parkinson là chứng rối loạn não dẫn đến run, cứng khớp và khó đi lại, mất thăng bằng và dễ ngã khi di chuyển.

Các triệu chứng Parkinson thường xuất hiện dần dần và trở nên tệ hơn khi tuổi tác tăng lên. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể gặp phải khó khăn khi đi lại và nói chuyện. Họ cũng có thể gặp phải nhiều biến đổi về tinh thần, hành động gây ra khó ngủ, trầm cảm, suy giảm trí tuệ và mệt mỏi thường xuyên.

Bệnh Parkinson có thể gặp ở cả nam và nữ tuy nhiên xuất hiện ở nam giới nhiều hơn 50% so với nữ giới.

Người cao tuổi có nguy cơ bị Parkinson nhiều hơn, bệnh thường được phát hiện lần đầu vào khoảng 60 tuổi. Chỉ có 5 – 10% người bệnh Parkinson có biểu hiện bệnh khởi phát sớm từ trước tuổi 50.

Nguyên nhân dẫn tới bệnh Parkinson

bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là do suy giảm chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh dopamine

Bệnh Parkinson được phát hiện lần đầu bởi một bác sĩ người Anh vào năm 1817 tên là James Parkinson. Từ đó, căn bệnh này được mang tên của ông – Parkinson.

Bệnh Parkinson xảy ra khi các tế bào thần kinh trong một khu vực của não giúp kiểm soát hành động bị suy giảm hoặc chết dần chết mòn. Các tế bào thần kinh này tạo ra một chất hóa học quan trọng gọi là dopamine. Dopamine chính là chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác bên trong mô não, nó giúp tế bào não chỉ huy và kiểm soát các cử động của bắp thịt ở chân tay và mặt. Khi các tế bào thần kinh bị suy yếu hoặc chết đi, chúng sẽ sản xuất ít dopamine hơn gây ra vấn đề về cử động của người bệnh. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết được đâu là nguyên nhân khiến các tế bào thần kinh bị suy yếu.

Tuy nguyên nhân gây ra Parkinson chưa được làm rõ nhưng có một số yếu tố nguy cơ, bao gồm:

  • Gen di truyền: Các nghiên cứu đã xác định được các đột biến di truyền cụ thể có thể gây ra bệnh Parkinson. Nhưng những trường hợp này là không phổ biến, ngoại trừ một số trường hợp hiếm hoi có nhiều thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh Parkinson.

Với một số biến thể gen nhất định được xem như làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson nhưng với mỗi dấu hiệu di truyền này lại có nguy cơ mắc bệnh Parkinson tương đối nhỏ.

  • Các yếu tố môi trường: Tiếp xúc với một số chất độc hoặc một số yếu tố môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson sau này. Tuy nhiên nguy cơ này tương đối nhỏ.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số thay đổi trong não người bệnh Parkinson, dù không rõ nguyên do nhưng có một số biến đổi. Bao gồm:

  • Sự hiện diện của các thể Lewy: Là các khối chất cụ thể trong tế bào não là dấu hiệu vi mô của bệnh Parkinson. Chúng được gọi là thể Lewy, các nhà nghiên cứu tin rằng những thể Lewy này nắm giữ manh mối quan trọng về nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson.
  • Alpha-synuclein được tìm thấy trong cơ thể thể Lewy: Dù nhiều chất tự nhiên được tìm thấy trong cơ thể Lewy, nhưng các nhà khoa học tin rằng một chất quan trọng là protein tự nhiên và phổ biến được gọi là alpha-synuclein. Chất này được tìm thấy trong tất cả các thể Lewy ở dạng kết tụ mà các tế bào không thể phá vỡ. Đây hiện đang là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà nghiên cứu bệnh Parkinson.

Triệu chứng bệnh Parkinson

bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson gây ra triệu chứng run rẩy ở bàn tay

Bệnh Parkinson tiêu biểu bằng 4 triệu chứng chính:

  • Run rẩy ở bàn tay, cánh tay, chân, hàm hoặc đầu
  • Cứng cơ bắp chân tay và thân mình
  • Chuyển động chậm chạm
  • Suy giảm khả năng giữ thăng bằng và hoạt động phối hợp, dễ bị ngã.

Một số triệu chứng khác cũng được ghi nhận như trầm cảm, cảm xúc thất thường, khó nuốt, khó nhai và nói, gặp vấn đề về tiết niệu, táo bón, các vấn đề về da, mất ngủ.

Các triệu chứng của Parkinson có tốc độ phát triển khác nhau giữa các cá nhân. Đôi khi mọi người thường bỏ qua các triệu chứng ban đầu vì nghĩ đây là dấu hiệu của quá trình lão hóa bình thường. Trong hầu hết các trường hợp, không có xét nghiệm y tế nào để phát hiện bệnh một cách chính xác nên rất khó chẩn đoán.

Triệu chứng Parkinson thường xảy ra chậm

Các triệu chứng ban đầu của Parkinson thường rất tinh vi và xảy ra từ từ. Ví dụ một số người có thể cảm thấy run nhẹ hoặc khó đứng lên khi đang ngồi ở ghế. Họ có thể nhận thấy rằng mình nói quả nhỏ hoặc viết chữ quá chậm. Bạn bè hoặc người thân có thể là người đầu tiên nhận ra những thay đổi ở người bị Parkinson sớm. Họ có thể thấy khuôn mặt của người bệnh thiếu biểu cảm hoặc người đó không cử động được cánh tay hoặc chân một cách bình thường.

Những người bị Parkinson thường đi nghiêng người về phía trước, bước đi nhanh như thể lao về phía trước và giảm vung tay. Họ cũng sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu hoặc tiếp tục chuyển động.

Các triệu chứng bệnh Parkinson thường bắt đầu ở một bên của cơ thể hoặc thậm chí ở một chi của một bên cơ thể. Khi bệnh tiến triển nặng nó sẽ ảnh hưởng tới cả hai bên. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh vẫn có thể nghiêm trọng hơn ở một bên so với bên còn lại.

Biến chứng khi mắc bệnh Parkinson

bệnh Parkinson
Mắc bệnh Parkinson có thể gây táo bón và rối loạn tiêu hóa

Bệnh Parkinson thường dễ gây ra một số vấn đề sau:

  • Khó khăn trong tư duy: Người bệnh có thể gặp một số vấn đề về nhận thức và khó khăn trong suy nghĩ. Điều này thường xảy ra ở giai đoạn sau của bệnh Parkinson.
  • Trầm cảm hoặc thay đổi cảm xúc: Trầm cảm có thể xuất hiện ngay trong giai đoạn đầu mắc bệnh. Tiếp nhận điều trị trầm cảm có thể giúp người bệnh dễ dàng xử lý các thách thức khác khi mắc bệnh.
  • Gặp vấn đề khi nuốt: Người bệnh khó khăn khi nuốt nếu bệnh tiến triển nặng. Nước bọt có thể tích tụ trong miệng do quá trình nuốt chậm, dẫn đến chảy dãi.
  • Gặp vấn đề về ăn, nhai và nuốt: Người mắc bệnh Parkinson giai đoạn cuối sẽ ảnh hưởng đến các cơ trong miệng, khiến việc nhai và nuốt trở nên khó khăn. Vấn đề này có thể gây ra nghẹt thở và bị suy dinh dưỡng.
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ: Người bệnh Parkinson thường gặp vấn đề về giấc ngủ, gồm thức giấc thường xuyên suốt đêm, thức dậy sớm hoặc ngủ gật vào ban ngày.
  • Gặp vấn đề về bàng quang: Bệnh Parkinson có thể gây ra các vấn đề về bàng quang, bao gồm tiểu không kiểm soát được hoặc khó đi tiểu.
  • Táo bón: Nhiều người bị bệnh Parkinson bị táo bón do đường tiêu hóa hoạt động chậm hơn bình thường.

Ngoài ra người bệnh Parkinson có thể gặp một số biến chứng sau:

  • Huyết áp thay đổi: Người bệnh bị chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng lên ngồi xuống do huyết áp thay đổi đột ngột.
  • Rối loạn chức năng khứu giác: Người bệnh gặp phải vấn đề về khứu giác. Khó khăn trong việc xác định một số mùi nhất định.

>> Xem thêm Hàn Quốc có phương pháp phát hiện sớm bệnh Parkinson

Phương pháp điều trị bệnh Parkinson

bệnh Parkinson
Sử dụng thuốc sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh Parkinson

Dù không có cách chữa khỏi được bệnh Parkinson nhưng sử dụng thuốc, phẫu thuật và các liệu pháp khác thường có thể làm giảm một số triệu chứng.

Thuốc điều trị bệnh Parkinson

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson bao gồm:

  • Thuốc làm tăng mức dopamine trong não bộ
  • Thuốc làm ảnh hưởng tới các chất hóa học khác trong cơ thể
  • Thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng không vận động

Liệu pháp chính cho bệnh Parkinson là levodopa, được gọi là L-dopa. Các tế bào thần kinh sử dụng levodopa giúp tạo ra dopamine để bổ sung nguồn cung cấp cho não đang bị suy giảm. Thông thường mọi người sẽ được kê levodopa cùng với một loại thuốc khác gọi là carbidopa. Carbidopa ngăn ngừa hoặc làm giảm một số tác dụng phụ của liệu pháp levodopa như buồn nôn, nôn mửa, huyết áp thấp và bồn chồn khó chịu.

Người bị bệnh Parkinson không được tự ý ngừng sử dụng levodopa mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Bởi ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như không thể di chuyển hoặc khó thở.

Các loại thuốc khác dùng để điều trị các triệu chứng Parkinson bao gồm:

  • Chất chủ vận dopamine để bắt chước vai trò của dopamine trong não.
  • Thuốc ức chế MAO-B để làm chậm một loại enzyme phân hủy dopamine trong não.
  • Thuốc ức chế COMT để giúp phá vỡ dopamine
  • Amantadine, thuốc kháng virus để giảm các cử động không tự chủ
  • Thuốc kháng cholinergic để làm giảm run và cứng cơ.

Phẫu thuật kích thích não sâu

Người bị bệnh Parkinson không đáp ứng tốt với thuốc, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện kích thích não sâu hoặc phẫu thuật DBS. DBS là một thủ thuật phẫu thuật cấy ghép các điện cực vào một phần não bộ và kết nối chúng với một thiết bị điện nhỏ được cấy vào ngực. Thiết bị và điện cực kích thích não bộ một cách dễ dàng theo cách giúp ngăn ngừa nhiều triệu chứng liên quan đến vận động của bệnh như run, chậm vận động và cứng nhắc.

Đào Tâm