Chóng mặt hay hoa mắt là một hiện tượng thường gặp đối với nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi. Tìm hiểu đâu là nguyên nhân dẫn tới hoa mắt chóng mặt và cách khắc phục ra sao.
Nhiều bộ phận của cơ thể – bao gồm mắt, não, tai trong, dây thần kinh ở bàn chân và cột sống – phối hợp với nhau để giữ thăng bằng. Khi một phần của hệ thống này gặp vấn đề, bạn có thể cảm thấy chóng mặt. Đây có thể là dấu hiệu bạn gặp điều gì đó nghiêm trọng và có thể nguy hiểm nếu bị ngã.
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và sức khỏe tổng thể của bạn để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị. Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị chóng mặt và ngất xỉu, ngã hoặc nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Đau ngực
- Nhức đầu
- Chấn thương vùng đầu
- Sốt cao
- Nhịp tim không đều
- Co giật
- Hụt hơi
- Cứng cổ
- Thay đổi đột ngột về giọng nói, thị giác hoặc thính giác
- Nôn mửa
- Yếu hoặc tê trên mặt
- Yếu ở chân hoặc cánh tay
Chóng mặt là như thế nào?
Chóng mặt là có cảm giác như bạn đang quay hoặc căn phòng di chuyển xung quanh bạn. Chóng mặt thường sẽ nặng hơn khi di chuyển đầu. Đây là triệu chứng cho thấy bạn gặp vấn đề ở tai trong hoặc một phần của thân não điều khiển khả năng thăng bằng. Loại phổ biến nhất là chứng tư thế kịch phát lành tính, hay còn gọi là BPPV.
Tai trong của chúng ta là một hệ thống ống phức tạp chứa đầy chất lỏng. Điều này cho não biết đầu đang di chuyển như thế nào. Với bệnh BPPV, những mẩu canxi nhỏ ở một phần tai trong bị lỏng ra và di chuyển tới những nơi không đúng vị trí. Hệ thống không hoạt động bình thường và gửi tín hiệu sai tới não.
Bệnh thường gây ra bởi sự phân hủy tự nhiên của các tế bào xảy ra theo tuổi tác. Chấn thương sọ não cũng có thể gây chóng mặt.
Bạn sẽ cảm thấy chóng mặt trong thời gian ngắn khi nghiêng hoặc quay đầu, đặc biệt khi lăn trên giường hoặc ngồi dậy. BPPV không nghiêm trọng và thường tự biến mất. Để khắc phục, có thể điều trị bằng các bài tập đầu đặc biệt để đưa các mảnh canxi trở lại vị trí cũ. Hầu hết mọi người cảm thấy tốt hơn sau một đến ba lần điều trị.
Có những nguyên nhân khác gây chóng mặt trong và ngoài não, như mắc bệnh Meniere, viêm mê cung, khối u thần kinh âm thanh, tác dụng phụ của một số loại kháng sinh, chứng đau nửa đầu tiền đình, bệnh đa xơ cứng, dị dạng cấu trúc não hoặc đột quỵ do thiếu máu lên não hoặc xuất huyết tiểu cầu…
Chóng mặt có phải do nhiễm trùng?
Viêm dây thần kinh trong tai cũng có thể gây chóng mặt. Có thể do viêm dây thần kinh tiền đình hoặc viêm mê cung. Cả hai tình trạng này đều do nhiễm trùng. Thông thường, virus là nguyên nhân nhưng đôi khi vi khuẩn gây viêm tai hoặc viêm màng não cũng có thể xâm nhập vào tai trong.
Chóng mặt cũng có thể xảy ra đột ngột. Tai có thể bị ù và khó nghe, kèm theo buồn nôn, sốt và đau tai. Các triệu chứng có thể kéo dài vài tuần.
Chóng mặt có phải mắc bệnh Meniere?
Bệnh Meniere thường gây ra những cơn chóng mặt dữ dội có thể kéo dài vài giờ. Người bệnh có thể cảm thấy đầy hoặc áp lực ở một bên tai. Các triệu chứng khác bao gồm ù tai, giảm thính lực và buồn nôn. Sau khi cơn đau qua đi, người bệnh có thể cảm thấy mệt, kiệt sức.
Người mắc bệnh Meniere có quá nhiều chất lỏng ở tai trong. Các bác sĩ không rõ đâu là nguyên nhân gây bệnh và không có cách chữa trị. Bệnh thường được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và thuốc để kiểm soát tình trạng chóng mặt.
Chóng mặt có phải do thiếu máu lên não không?
Chóng mặt có thể là một dấu hiệu của vấn đề với lưu lượng máu. Não cần được cung cấp máu giàu oxy. Nếu không lưu thông máu tốt, một số triệu chứng có thể xuất hiện như đau đầu, chóng mặt, lâng lâng, thậm chí ngất xỉu.
Một số nguyên nhân gây thiếu máu lên não gồm cục máu đông, động mạch bị tắc, suy tim và nhịp tim không đều. Đối với nhiều người lớn tuổi, đứng lên đột ngột có thể gây hạ huyết áp, dẫn đến chóng mặt.
Quan trọng nhất là cần phải có người hỗ trợ đưa tới phòng khám ngay khi bạn bị chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu.
Nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ kèm theo là chóng mặt. Nếu bạn thường xuyên hoa mắt chóng mặt thì nên xem lại xem có phải mình đang sử dụng một trong các loại thuốc dưới đây hay không và nên hỏi bác sĩ để đổi thuốc:
- Thuốc kháng sinh, gồm gentamicin và streptomycin
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc điều chỉnh huyết áp
- Thuốc an thần
Nguyên nhân do mất nước
Nhiều người không uống đủ nước để thay thế được lượng chất lỏng mất đi hằng ngày khi đổ mồ hôi, thở và đi tiểu. Mất nước là một vấn đề khá lớn đối với người cao tuổi và những người mắc bệnh tiểu đường.
Khi bị mất nước nghiêm trọng, huyết áp sẽ bị giảm xuống, não đồng thời không nhận được đủ oxy và dễ bị chóng mặt. Các triệu chứng mất nước khác bao gồm khát nước, mệt mỏi và nước tiểu sẫm màu.
Nếu như nghi ngờ nguyên nhân chóng mặt là do mất nước thì bạn nên uống nhiều nước hoặc nước ép trái cây pha loãng đồng thời hạn chế uống cà phê, trà và soda vì những thức uống này gây mất nước.
Nguyên nhân do tụt đường huyết
Người bệnh tiểu đường sẽ cần phải kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Bạn có thể bị chóng mặt nếu như đường trong máu hạ quá thấp. Tụt đường huyết sẽ gâu ra đói, run, đổ mồ hôi và lú lẫn. Một số người không bị bệnh tiểu đường cũng gặp rắc rối nếu bị tụt đường huyết nhưng trường hợp này rất hiếm.
Đối với người hoa mắt chóng mặt do tụt đường huyết thì cách đối phó đơn giản nhất chính là ăn hoặc uống đồ có đường như nước trái cây hoặc kẹo ngọt.
Nguyên nhân khác gây chóng mặt
Chóng mặt đôi khi cũng là dấu hiệu của một số bệnh khác, gồm:
- Đau nửa đầu, dù cho bạn không thấy cơn đau đầu
- Căng thẳng hoặc lo lắng
- Các vấn đề về hệ thần kinh như bệnh thần kinh ngoại vi và bệnh đa xơ cứng
- Khối u trong não hoặc tai trong
Nếu như xuất hiện thêm các triệu chứng khác ngoài hoa mắt chóng mặt thì bạn nên liên hệ với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị sớm.
Đào Tâm