Thỉnh thoảng bị mất ngủ thì không có gì đáng lo, nhưng bị mất ngủ kéo dài, khó ngủ nhiều tuần, thậm chí vài tháng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tăng nguy cơ tử vong.
Các loại mất ngủ
Mất ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến gây ngủ không sâu giấc hoặc khó đi vào giấc ngủ. Mất ngủ dẫn đến buồn ngủ vào ban ngày và không cảm thấy được nghỉ ngơi hoặc sảng khoái khi thức dậy.
Mất ngủ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ và người lớn tuổi. Nó có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc kéo dài nhiều tháng. Thống kê cho thấy, có khoảng 50% người trưởng thành thỉnh thoảng bị mất ngủ. Cứ 10 người thì có một người bị mất ngủ kinh niên.
Mất ngủ được phân chia thành nhiều loại, dựa trên thời gian, nguyên nhân gây ra, gồm: mất ngủ cấp tính, mất ngủ mãn tính, khó đi vào giấc ngủ, thức dậy trong đêm và khó ngủ trở lại.
Mất ngủ cấp tính
Mất ngủ cấp tính là chứng mất ngủ có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Đây là loại mất ngủ phổ biến nhất.
Mất ngủ cấp tính thường xảy ra khi trải qua một sự kiện căng thẳng, chẳng hạn như người thân mất hoặc bắt đầu một công việc mới.
Ngoài căng thẳng, chứng mất ngủ cấp tính cũng có thể do nguyên nhân khác như:
- Các yếu tố môi trường làm gián đoạn giấc ngủ, chẳng hạn như tiếng ồn hoặc ánh sáng
- Lạ chỗ ngủ, như ngủ ở nhà mới, khách sạn…
- Bị đau hoặc khó chịu
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Mất ngủ mãn tính
Mất ngủ được coi là mãn tính nếu bị khó ngủ ít nhất 3 ngày mỗi tuần trong ít nhất 1 tháng.
Mất ngủ mãn tính có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Mất ngủ mãn tính nguyên phát không có nguyên nhân rõ ràng. Mất ngủ thứ phát phổ biến hơn, thường xảy ra kèm theo vấn đề sức khỏe khác.
Nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ mãn tính gồm:
- Mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, bệnh Parkinson, cường giáp, ngưng thở khi ngủ
- Tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng và rối loạn tăng động giảm chú ý
- Tác dụng phụ của thuốc như thuốc hóa trị, thuốc chống trầm cảm và thuốc chẹn beta
- Caffeine và các chất kích thích khác như rượu, nicotin…
- Các yếu tố lối sống như làm việc ca đêm, ngủ trưa quá nhiều
Khó đi vào giấc ngủ
Bất kỳ nguyên nhân nào gây mất ngủ cấp tính và mãn tính đều có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Các nguyên nhân phổ biến gây khó ngủ là các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm… Caffeine và các chất kích thích khác cũng có thể gây khó ngủ.
Thức dậy trong đêm và khó ngủ trở lại
Loại mất ngủ này khiến người bệnh lo lắng về việc không thể ngủ lại và ngủ không đủ giấc. Điều này càng gây khó ngủ, tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Thức dậy trong đêm và khó ngủ trở lại có thể do tình trạng sức khỏe tâm thần, hoặc các vấn đề sức khỏe khác như:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
- Hen suyễn và các tình trạng hô hấp khác
- Hội chứng chân không yên
- Rối loạn vận động chân tay
Điều gì xảy ra khi bị mất ngủ?
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng như các vấn đề về sức khỏe tổng thể.
Tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, gồm:
- Đột quỵ
- Hen suyễn
- Co giật
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Nhạy cảm với cơn đau
- Nhiễm trùng
- Béo phì
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao
- Bệnh tim
Tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần, gồm:
- Buồn phiền
- Lo lắng
- Thất vọng
Ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và làm việc:
- Buồn ngủ vào ban ngày
- Khó tập trung và khó ghi nhớ
- Giảm hiệu suất công việc
- Giảm ham muốn tình dục
- Suy giảm tuổi thọ
Một phân tích của 16 nghiên cứu bao gồm hơn 1 triệu người tham gia và 112.566 trường hợp tử vong đã xem xét mối tương quan giữa thời lượng giấc ngủ và tỷ lệ tử vong. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngủ ít làm tăng 12% nguy cơ tử vong so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm.
Một nghiên cứu gần đây đã xem xét ảnh hưởng của chứng mất ngủ kéo dài và tỷ lệ tử vong trong 38 năm. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị mất ngủ kéo dài có nguy cơ tử vong cao hơn 97%.
Bị mất ngủ như thế nào thì nên đến gặp bác sĩ?
Mặc dù thỉnh thoảng bị mất ngủ là điều bình thường, nhưng bạn nên đến bệnh viện để khám ngay nếu tình trạng này kéo dài nhiều ngày, hoặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ và có hướng điều trị phù hợp.
Điều trị tình trạng mất ngủ như thế nào?
Có nhiều biện pháp để điều trị mất ngủ. Trước khi dùng thuốc, hãy thử thay đổi lối sống. Bởi thuốc mang lại hiệu quả tức thì, nhưng một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc ngủ lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác.
1. Thay đổi lối sống
Thay đổi một số thói quen hàng ngày có thể giúp giảm tình trạng mất ngủ:
- Thiết lập một lịch trình ngủ đều đặn. Đi ngủ và thức dậy cùng một khung giờ nhất định.
- Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách đọc sách hoặc ngồi thiền.
- Tạo môi trường ngủ thoải mái, giường sạch sẽ, đủ mát vào mùa hè, đủ ấm vào mùa đông.
- Tránh uống rượu hoặc caffein vào buổi tối.
- Tránh ăn tối quá muộn.
- Tránh tập thể dục cường độ mạnh sát giờ đi ngủ.
- Nên ra khỏi giường nếu khó đi vào giấc ngủ. Làm việc khác cho đến khi bạn thực sự cảm thấy buồn ngủ.
- Tránh chợp mắt vào buổi chiều muộn hoặc đầu giờ tối.
2. Bổ sung melatonin
Loại hormone này có thể giúp điều chỉnh giấc ngủ bằng cách báo cho cơ thể biết rằng đã đến giờ đi ngủ. Nồng độ melatonin cao hơn giúp bạn cảm thấy buồn ngủ hơn, nhưng bổ sung quá nhiều có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ và gây đau đầu, buồn nôn, khó chịu. Vì vậy, chỉ nên bổ sung một lượng phù hợp.
Người lớn có thể bổ sung từ 1 – 5 miligam melatonin trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng. Trẻ nhỏ thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
3. Thuốc ngủ
Nếu các biện pháp thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả thì nên nói chuyện với bác sĩ để được kê thuốc ngủ. Việc dùng thuốc ngủ nên được giám sát về thời gian cũng như liều lượng.
Một số loại thuốc ngủ mà bác sĩ có thể kê đơn bao gồm:
- Doxepin (Silenor)
- Estazolam
- Zolpidem
- Zaleplon
- Ramelteon
- Eszopiclone (Lunesta)
Thuốc ngủ có thể gây ra một số tác dụng phụ, như:
- Chóng mặt
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Buồn ngủ vào ban ngày
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
- Suy giảm trí nhớ
Vân Anh