Thông thảo là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong Đông y, với tính hàn tác dụng lên các kinh phế vị. Đây là vị thuốc có tác dụng thông sữa, lợi niệu thông lâm trị các chứng tắc tia sữa, tiểu tiện không thông gây phù thũng.
Thông thảo là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong Đông y
Tổng quan về dược liệu Thông thảo
Loài cây này được được nhà khoa học K.Koch miêu tả lần đầu tiên vào năm 1859.
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Thông thảo.
Tên khác: Thông thoát, Rice Paper Plant.
Tên khoa học: Tetrapanax papyriferus (Hook.) K.Koch.
Họ: Araliaceae (họ Ngũ gia bì hay còn được gọi là họ Nhân sâm hay họ Thường xuân).
Đặc điểm thực vật
Thông thảo có chiều dài từ 2 – 6 m với phần thân cứng, giòn, có lõi xốp trắng. Lá to, phiến lá dài từ 30 đến 90cm, chia thành nhiều thùy chân vịt, có khi chẻ sâu đến giữa lá, mép lá có răng cưa.
Cuống lá dài 30cm, đường kính 1cm có lõi mềm. Hoa tự chùm hình cầu, hợp thành chuỳ cao 40cm, có lông và màu trắng. Quả dẹt hình cầu, dẹt, màu đen, có 8 cạnh. Mùa quả từ tháng 10 đến tháng 12.
Đặc điểm thực vật của cây Thông thảo
Phân bố
Cây thông thảo ở Việt Nam thường mọc hoang ở vùng có khí hậu ẩm ướt, độ cao 600-1500m như Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu hoặc Điện Biên.
Thu hái
Hiện nay, ngoài mọc dại thì người dân cũng thường trồng dược liệu để lấy thuốc theo hai cách đó là chia gốc hoặc trồng bằng hạt.
Thông thảo thường được thu hoạch vào tháng 9 – 11 hàng năm hoặc cũng có thể thu hoạch quanh năm, ở những cây từ 3 năm tuổi trở lên.
Chế biến
Sau khi thu hoạch thì cây thông thảo về đem cắt bỏ phần đầu và chia cây thành từng khúc dài khoảng 50 – 60 cm.
Sau đó, người ta dùng que tròn có kích thước phù hợp để đẩy phần lõi ra ngoài và đem phơi khô ngoài trời nắng.
Thành phần hóa học
Khi phân tích dịch chiết của Thông thảo, người ta thấy trong lõi thân của cây có chứa nhiều thành phần hoạt tính hóa học, chủ yếu là triterpenoid và saponin triterpenoid, cùng một lượng nhỏ các thành phần khác.
Chúng bao gồm các hợp chất steroid, bao gồm sterol, sterone, glycoside steroid và hợp chất ceramide.
Tác dụng của dược liệu Thông thảo
Thông thảo là một vị thuốc quen thuộc, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền và hiện đại.
Tác dụng dược lý
Có rất ít nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng dược lý của Thông thảo, tuy nhiên các tác dụng đã biết của thành phần hợp chất có trong cây cho thấy Thông thảo chứa giá trị dược liệu tiềm năng đáng kể như:
- Bảo vệ gan
- Tác dụng chống apoptotic
- Chống viêm
- Kháng thrombin
- Chống AIDS
Công dụng theo y học cổ truyền
Theo các tài liệu xưa, thông thảo có vị ngọt nhạt, tính hàn, đi vào hai kinh phế và vị. Nó có tác dụng tả phế, lợi thủy, lợi sữa nên thường được dùng chữa thuỷ thũng, tiểu tiện khó khăn, ít sữa. Ngoài ra thông thảo cũng được dùng để giảm sốt, trấn tĩnh, chữa bệnh sốt khát nước, ho.
Rễ cây thường được dùng để trị thủy thũng, bệnh lâm, thực tích, trướng bụng, tuyến sữa không thông. Hoa Thông thảo được dùng trong trường hợp nam giới âm nang trễ xuống.
Dược liệu Thông thảo
Ứng dụng của vị thuốc thông thảo
Tùy nhu cầu, mục đích mà vị thuốc thông thảo được sử dụng theo nhiều cách khác nhau.
Liều lượng, cách dùng
Trong phòng và điều trị bệnh, thông thảo thường được dùng 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc, thường là phối hợp với các vị thuốc khác để tăng tác dụng.
Ngoài ra, thông thảo cũng có thể được sử dụng như một loại nguyên liệu sử dụng trong nấu ăn để tạo thành các món ăn có giá trị dinh dưỡng cũng như công dụng phòng bệnh cao.
Dưới đây là liều lượng dùng của từng dạng cụ thể:
- Dạng bột: Pha bột thông thảo với nước ấm, uống mỗi ngày.
- Ăn tươi: Rửa sạch rồi nhai trực tiếp thông thảo.
- Sắc uống: Dùng 20-40g cây thông thảo gai sắc với nước, uống trong ngày.
- Hầm canh: Hầm 20-40g thông thảo với móng giò, chân gà, chim câu…
- Ngâm rượu: Ngâm 100g thông thảo với 1 lít rượu trắng trong 10 ngày.
Các bài thuốc từ thông thảo
- Hành khí, thông sữa
Để trị tắc sữa sau khi đẻ, chỉ cần chuẩn bị thông thảo 10g, hạt bông (sao vàng) 15g, cám gạo nếp 10g; sắc uống 3 lần trong ngày.
Nếu thiếu sữa thì chỉ cần lấy thông thảo 8g, xuyên sơn giáp 8g, xuyên khung 6g, cam thảo 4g, móng heo 1 đôi; cho tất cả vào nồi, sắc uống.
- Lợi niệu thông lâm
Tiểu dắt: dùng bài thuốc Thông thảo thang: thông thảo 12g, liên kiều 12g, cù mạch 12g, thiên hoa phấn 12g, thanh bì 8g, xích thược 8g, cát cánh 8g, bạch chỉ 8g, sài hồ 8g, cam thảo 4g; cho tất cả vào nồi sắc uống.
Để trị cổ trướng (bụng trướng to), bí tiểu thì chuẩn bị bài thuốc thông sa gồm thông thảo 12g, màng mề gà 12g, hạt củ cải 12g, hạnh nhân 12g, hải kim sa 16g, hậu phác 8g, mộc thông 8g, trần bì 8g; sắc uống.
- Chữa viêm thận cấp
Người bị viêm thận cấp, thủy thũng, tiểu ít thì nên chuẩn bị thông thảo 8g, đại phúc bì 12g, phục linh bì 16g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước thuốc để uống.
- Chữa nhiễm khuẩn niệu đạo
Chuẩn bị: thông thảo 12g, liên kiều 12g, cù mạch 12g, mộc thông 8g, cam thảo 4g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước thuốc để uống.
Các món ăn chế biến từ Thông thảo
- Chân giò hầm thông thảo
Chuẩn bị chân lợn đen 1 đôi, thông thảo 4g, có thể thêm 2 – 4g nhân sâm. Đem chân lợn làm sạch, chặt nhỏ, hầm với thông thảo, nhân sâm. Món này rất thích hợp với những sản phụ sau đẻ ít sữa.
- Chân giò hầm thông thảo, xuyên sơn giáp
Món ăn này còn gọi là thông nhũ thang. Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm có thông thảo 8g, chân lợn 2 cái, xuyên sơn giáp 8g, xuyên khung 6g, cam thảo 4g.
Đem chân lợn làm sạch, chặt thành từng khúc vừa ăn, xuyên sơn giáp được nướng phồng.
Sau đó cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi hầm chín nhừ, bỏ bã thuốc rồi nêm gia vị cho vừa miệng để dùng nóng. Món này rất tốt cho sản phụ đẻ xong bị tắc tia sữa, ít sữa.
Ngoài ra, chị em có thể kết hợp dùng nước hành nấu rửa, vuốt nhẹ núm vú theo chiều nan hoa nhiều lần để sữa nhanh về.
- Cháo lô căn thông thảo trần bì
Chuẩn bị thông thảo 6g, sinh lô căn 30g, trần bì 2g, gạo tẻ 60g, đem nấu thành cháo loãng để ăn/uống.
Món này rất tốt cho người bị nôn thổ, nôn khan sau khi bị bệnh đường ruột, thương hàn.
Lưu ý khi sử dụng thông thảo
Liều sử dụng tối đa của dược liệu là 40g/ ngày, không nên dùng quá lượng cho phép.
Không sử dụng thông thảo cho người bị thấp nhiệt, đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Phụ nữ đang mang thai không được áp dụng các bài thuốc thuốc kể trên.
Dược sĩ Thu Hà