Người bị huyết áp cao cần biết: Những việc cần làm để giảm huyết áp tự nhiên

Người bị huyết áp cao có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác như đột quỵ, đau tim, suy tim và bệnh thận. Làm cách nào để giảm huyết áp?

Người bị huyết áp cao
Huyết áp cao có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác

Huyết áp cao là gì?

Huyết áp là lực của máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm máu. Huyết áp cao hay còn gọi là tăng huyết áp xảy ra khi áp lực này quá cao. Tăng huyết áp là một căn bệnh phổ biến trong đó máu chảy qua các mạch máu và động mạch ở áp suất cao hơn bình thường.

Khi đo huyết áp sẽ có hai con số cho ra kết quả là hai áp suất khác nhau. Con số hàng đầu là huyết áp tâm thu, huyết áp khi tim đập trong khi bơm máu. Con số thứ hai hoặc dưới cùng là huyết áp tâm trương, huyết áp khi tim ở trạng thái nghỉ giữa các nhịp đập.

Theo các hướng dẫn trước đây, phạm vi huyết áp bao gồm:

  • Huyết áp thấp (hạ huyết áp): < 90/60
  • Huyết áp bình thường: < 120/80
  • “Tiền” tăng huyết áp: 120–139/ 80–89. “Tiền” tăng huyết áp có nghĩa là huyết áp cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức được coi là “huyết áp cao” thực sự.
  • Cao huyết áp giai đoạn 1: 140–159/ 90–99
  • Cao huyết áp giai đoạn 2: 160 trở lên/ 100 trở lên

Hiện nay, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã sửa đổi các chỉ số huyết áp này. Cụ thể:

  • Huyết áp bình thường: dưới 120/80 mm Hg
  • Huyết áp tăng cao: tâm thu từ 120-129 và tâm trương dưới 80
  • Cao huyết áp giai đoạn 1: tâm thu từ 130–139 hoặc tâm trương từ 80–89
  • Cao huyết áp giai đoạn 2: tâm thu ít nhất 140 hoặc tâm trương ít nhất 90 mm Hg
  • Cao huyết áp nguy hiểm: tâm thu trên 180 và/hoặc tâm trương trên 120. Khi đo huyết áp ở mức này, bệnh nhân cần thay đổi thuốc hoặc nhập viện ngay lập tức.

Thông thường, không có triệu chứng cao huyết áp khi huyết áp tăng, nhưng một số dấu hiệu cảnh báo huyết áp rất cao gồm: đau ngực, đau đầu, tai có tiếng ù, nhịp tim không đều, khó thở, chảy máu cam, mệt mỏi hoặc thay đổi thị lực.

Lưu ý: Với trẻ em và những người lớn mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thận, bệnh tim hoặc một căn bệnh nghiêm trọng khác, các chỉ số huyết áp cao có thể được xác định khác.

Ví dụ: người bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mạn tính chỉ số huyết áp cao được xác định là trên 130/80.

Người bị huyết áp cao
Khi đo huyết áp sẽ có hai con số cho ra kết quả là hai áp suất khác nhau

Nguyên nhân gây huyết áp cao

Biết được nguyên nhân gây huyết áp cao có thể giúp bạn ngăn ngừa hoặc đảo ngược tình trạng này.

Huyết áp cao có tính chất di truyền và cũng phụ thuộc nhiều vào lối sống. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn khi dùng thuốc tránh thai, trong khi mang thai, hoặc dùng thuốc điều trị hormone để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh. Béo phì hoặc thừa cân làm tăng nguy cơ cao huyết áp vì điều này gây áp lực nhiều hơn lên tim và động mạch.

Cả đàn ông và phụ nữ đều có nguy cơ bị cao huyết áp như nhau trong suốt cuộc đời, nhưng điều thú vị là nguy cơ này khác nhau ở độ tuổi. Trước tuổi 45, nam giới có nguy cơ bị cao huyết áp cao hơn so với phụ nữ; nhưng sau tuổi 65, phụ nữ lại có nguy cơ cao hơn nam giới.

Trẻ em dưới 10 tuổi bị cao huyết áp thường là biến chứng của một tình trạng sức khỏe khác (có thể là bệnh thận, tiểu đường type 1 hoặc sử dụng thuốc).

Các yếu tố nguy cơ gây huyết áp cao:

  • Tuổi tác: Nguy cơ cao huyết áp tăng khi tuổi càng cao. Bệnh này phổ biến hơn ở nam giới đến 45 tuổi. Phụ nữ có nhiều khả năng bị cao huyết áp sau 65 tuổi.
  • Di truyền: Cao huyết áp có tính di truyền.
  • Thừa cân: Trọng lượng cơ thể càng cao, bạn càng cần nhiều máu hơn để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các mô. Khi khối lượng máu lưu thông qua các mạch máu tăng lên, áp lực lên thành động mạch và huyết áp cũng tăng theo.
  • Không vận động: Những người không vận động thường có nhịp tim cao hơn. Nhịp tim càng cao, tim càng phải làm việc nhiều hơn với mỗi lần co bóp và lực tác động lên động mạch càng mạnh. Ít tập thể dục cũng làm tăng nguy cơ thừa cân.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng huyết áp tạm thời. Ngoài ra, các hóa chất trong thuốc lá làm hỏng lớp niêm mạc của thành động mạch, khiến động mạch bị thu hẹp, làm tăng huyết áp. Khói thuốc cũng có thể làm tăng huyết áp.
  • Uống quá nhiều rượu: Uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày đối với nam giới và hơn một ly mỗi ngày đối với phụ nữ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp.
  • Ăn nhiều muối: Muối khiến cơ thể giữ lại nhiều chất lỏng hơn, làm tăng huyết áp.
  • Quá ít kali: Kali là một khoáng chất giúp cân bằng hàm lượng natri trong các tế bào của cơ thể. Nếu không tiêu thụ đủ kali hoặc không giữ đủ kali, cơ thể có thể tích tụ quá nhiều natri trong máu, ảnh hưởng đến huyết áp.
  • Căng thẳng: Mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời.
  • Một số bệnh mạn tính: Một số bệnh mạn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, chẳng hạn như bệnh thận, tiểu đường và ngưng thở khi ngủ.
  • Mang thai: Đôi khi mang thai có thể góp phần làm tăng huyết áp.
Người bị huyết áp cao
Căng thẳng làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao

Các biến chứng do huyết áp cao gây ra

Huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, gồm:

  • Đau tim
  • Đột quỵ
  • Suy tim
  • Các vấn đề về mắt như nhìn mờ, giảm thị lực
  • Hội chứng chuyển hóa: Béo bụng, lượng đường trong máu cao, mức chất béo trung tính cao, cholesterol HDL (“tốt”) thấp.
  • Các vấn đề về trí nhớ
  • Phình mạch: Nếu túi phình bị vỡ, nó có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị huyết áp cao bằng cách nào?

1. Dùng thuốc điều trị

Việc điều trị tăng huyết áp thường bao gồm: dùng thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển và thuốc lợi tiểu.

2. Điều trị không dùng thuốc

Thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và bỏ các thói quen xấu sẽ giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị cao huyết áp một cách tự nhiên.

Tăng cường hoạt động thể chất và tập thể dục

Hoạt động thể chất có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý và giảm huyết áp. Tốt nhất, bạn nên tập thể dục ít nhất 20 phút mỗi ngày. Trẻ em và thanh thiếu niên nên hoạt động thể chất 1 giờ mỗi ngày.

Giảm căng thẳng

Đừng tìm cách thư giãn bằng cách uống rượu hoặc hút thuốc lá, bởi chúng càng khiến huyết áp tăng cao.

Bạn nên tập hít thở sâu, thiền định hoặc tập yoga để giảm căng thẳng và ổn định huyết áp.

Dùng tinh dầu

Tinh dầu có thể làm giảm huyết áp bằng cách làm giãn nở các động mạch, chống oxy hóa để giảm stress oxy hóa và giảm căng thẳng cảm xúc.

Những loại tinh dầu giúp giảm huyết áp bao gồm: tinh dầu hoa cam, tinh dầu oải hương, ngọc lan tây, kinh giới ngọt, xô thơm và nhũ hương.

Bạn có thể dùng máy khuếch tán tinh dầu, hoặc trộn vài giọt tinh dầu với dầu nền để massage cơ thể.

Bỏ thuốc lá

Hút thuốc làm hỏng các mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, cũng sẽ làm trầm trọng thêm các biến chứng.

Thay đổi chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống giúp kiểm soát huyết áp một cách tự nhiên. Những người bị huyết áp cao thường ăn một chế độ ăn uống không lành mạnh, ít chất dinh dưỡng, chất điện giải (đặc biệt là hàm lượng kali thấp), chất chống oxy hóa và chất xơ.

Chế độ ăn uống dành cho người bị huyết áp cao

Người bị huyết áp cao
Người bị cao huyết áp nên ăn và nên tránh một số loại thực phẩm

Để kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa các biến chứng cho huyết áp cao gây ra, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống, nên tránh và nên ăn một số loại thực phẩm nhất định.

Những thực phẩm nên tránh:

  • Rượu bia: Rượu bia làm thu hẹp động mạch và có thể làm tăng huyết áp.
  • Thực phẩm giàu natri: Bạn không cần quá lo lắng về việc ướp muối nhưng cần cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm đóng hộp và thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng natri cao.
  • Chất béo chuyển hóa và chất béo omega-6: Những chất béo này làm tăng viêm và huyết áp. Chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong thực phẩm đóng gói và thịt.
  • Đường: Các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều đường còn nguy hiểm hơn ăn nhiều muối.
  • Caffeine: Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể làm tăng huyết áp. Nếu bạn đang bị huyết áp cao, hãy giảm lượng cà phê, trà và các loại đồ uống khác có hàm lượng caffeine cao.

Những thực phẩm nên ăn:

  • Chế độ ăn Địa Trung Hải: Chế độ ăn này ưu tiên rất nhiều trái cây, rau, hải sản và chất béo omega-3 lành mạnh. Một số loại thực phẩm tốt mà bạn nên ăn là dầu ô liu, cá (đặc biệt là cá hồi), và nhiều loại rau củ quả.
  • Thực phẩm giàu kali: Chế độ ăn giàu kali là một phần quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp vì nó làm giảm tác động tiêu cực của natri đối với cơ thể và giúp giảm huyết áp. Thực phẩm giàu kali bao gồm những thứ như nước dừa, dưa, bơ và chuối.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Chẳng hạn như rau, trái cây, hạt và đậu.
  • Thực phẩm giàu omega-3: Như thịt bò ăn cỏ, cá hồi đánh bắt tự nhiên, hạt chia và hạt lanh đều giúp giảm viêm.
  • Giấm táo: Giấm táo tự nhiên rất giàu kali, giúp giữ kiềm cho cơ thể, có thể giúp giảm huyết áp một cách tự nhiên.
  • Trà: Trà trắng thực sự có thể làm loãng máu và cải thiện đáng kể chức năng động mạch. Uống trà trắng nhiều lần một ngày có thể thực sự làm giảm huyết áp và bảo vệ cơ thể chống lại đột quỵ.
  • Sô cô la đen: Sô cô la đen có chứa ít nhất 200 miligam phenol ca cao có thể làm giảm huyết áp.
  • Tỏi: Tỏi giúp giãn mạch tự nhiên khác, làm giảm huyết áp. Nó cũng có khả năng cải thiện độ cứng động mạch, viêm và các dấu hiệu tim mạch khác.

Vân Anh