Khoảng 50% bệnh nhân tăng huyết áp thứ phát có nguyên nhân là do bệnh thận. Ngược lại, khoảng 10% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ là do tăng huyết áp nguyên phát. Bệnh thận vừa là biến chứng vừa là nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Tăng huyết áp kéo dài dẫn đến tổn thương thận
Huyết áp là số đo lực tác động của máu lên thành động mạch. Người bệnh tăng huyết áp kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy dần các mạch máu trong cơ thể. Điều này cản trở sự cung cấp máu đến các cơ quan khác, trong đó có thận. Ngoài ra tăng huyết áp còn phá hủy bộ lọc ở cầu thận, dẫn đến hậu quả gây ra cho thận không thể lọc được những chất cặn bã độc hại cũng như dư thừa ra ngoài.
Tình trạng nước ứ thừa trong hệ mạch máu ngày một nhiều khiến huyết áp lại càng tăng cao. Hai tình trạng này bổ sung cho nhau khiến tăng huyết áp lâu dài không được kiểm soát dẫn đến suy thận mạn tính nghiêm trọng.
Bệnh thận mạn gây tăng huyết áp
Thận có chức năng là giữ cho huyết áp được ổn định. Các trường hợp suy thận đều mắc phải biến chứng thường gặp nhất là tăng huyết áp. Một khi thận bị tổn thương thì chức năng thận bị ảnh hưởng, khả năng điều hòa huyết áp tự động giảm, làm cho huyết áp khó có thể điều hòa, tăng cao.
Sự phá vỡ thế cân bằng này khiến cho mức huyết áp bị tăng cao quá mức cho phép, có thể gây ra các hệ lụy sức khỏe khác cho người bệnh, chẳng hạn như bệnh tim hoặc đột quỵ. Hẹp động mạch thận là căn bệnh dễ dẫn đến tăng huyết áp nhất.
Khi các động mạch thận bị hẹp lại sẽ làm cho lưu lượng máu đi qua thận bị giảm xuống, đồng thời làm tăng tiết chất aldosteron và angiotensin, dẫn đến tăng huyết áp. Căn bệnh này không chỉ là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp mà nó còn là tác nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm về thận, nhất là suy thận mạn.
Điều trị bệnh thận kèm tăng huyết áp như thế nào?
Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân mắc phải cả bệnh lý thận và tăng huyết áp. Mục tiêu điều trị là kiểm soát huyết áp, duy trì huyết áp ở giới hạn bình thường. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, mức huyết áp nên dưới 130/80mmHg để ngăn ngừa các tổn thương ở thận không trở nên tồi tệ hơn và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Trong điều trị bệnh tăng huyết áp và bệnh thận cần lưu ý một số điểm sau:
Hạn chế natri
Chế độ ăn nhiều natri làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào đối với Natri. Ion Na+ sẽ được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch, gây tích nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn tới tăng huyết áp.
Giảm lượng natri ăn vào làm giảm được tình trạng giữ dịch và làm giảm tính nhậy cảm của thành mạch với cathecolamin, vì vậy có tác dụng làm giảm huyết áp. Bệnh nhân suy thận (thận giảm khả năng bài xuất natri) do đó cần giảm muối trong chế độ ăn. Khi bị suy thận, lượng natri ăn vào được khuyến cáo chỉ 1-2 g/24 giờ (44-88 mEq/24 giờ).
Hạn chế protein
Cả lý thuyết và thực nghiệm cho thấy giảm lượng protein sẽ làm tăng sức kháng trước cầu thận do làm co động mạch đến của cầu thận. Vì vậy giảm lượng protein ăn vào làm giảm được áp lực trong mao mạch cầu thận, và làm chậm tiến triển của suy thận.
Thay đổi lối sống
Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp cần tránh như thuốc lá, rượu, trà, cà phê. Cần tạo một lối sống điều độ, tránh các căng thẳng tâm lý, kết hợp với tập luyện thể dục thích hợp. Hạn chế các thức ăn có nhiều cholesterol như nội tạng động vật, mỡ động vật. Thay đổi lối sống là biện pháp rất quan trọng để ổn định huyết áp.
Sử dụng thuốc
Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)… tùy vào tình trạng cụ thể để làm giảm huyết áp và bảo vệ thận khỏi bị tổn thương thêm.
Điều chỉnh thiếu máu
Khi chức năng thận của bệnh nhân bị suy giảm, thận không còn khả năng sản sinh ra đủ hormon erythropoietin. Ở người trưởng thành, erythropoietin là nội tiết tố có chức năng kích thích tủy xương sản sinh ra hồng cầu. Một khi erythropoietin bị thiếu hụt, hồng cầu sẽ không thể biệt hóa được, tức là không “chín” được để trở thành hồng cầu trưởng thành, gây ra tình trạng thiếu máu. Sử dụng erythropoietin người tái tổ hợp (rHu-EPO) để điều chỉnh thiếu máu ở bệnh nhân suy thận có thể làm tăng huyết áp do tăng thể tích máu và tăng độ nhớt máu. Vì vậy, thiếu máu cần được điều chỉnh từ từ và theo dõi huyết áp cẩn thận.
DS Phan Thu Hiền