Hiểu rõ về tình trạng suy thận, nguyên nhân, các triệu chứng và biện pháp điều trị sẽ giúp người bệnh sống vui, sống khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Tìm hiểu các thông tin về suy thận
Hiểu rõ về suy thận
Người khỏe mạnh thường có hai quả thận, cả hai đều có kích thước bằng nắm tay và nằm ở hai bên cột sống, ngay dưới lồng xương sườn. Thận có vai trò chính là giúp cơ thể giải độc bằng cách loại bỏ các chất thải.
Các chất thải mà thận lọc bao gồm chất lỏng dư thừa, các hạt còn sót lại trong hệ thống tiêu hóa, natri/muối và nhiều chất khác trong máu. Thận không chỉ thải chất thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu mà còn giúp kiểm soát huyết áp, loại bỏ thuốc hoặc chất độc, điều chỉnh hormone và duy trì hệ thống xương chắc khỏe.
Suy thận xảy ra khi thận ngừng hoặc suy giảm hoạt động. Suy thận cấp là tình trạng thận đột ngột ngừng hoạt động như bình thường, do mất khả năng bài tiết chất thải, cô đặc nước tiểu và duy trì cân bằng chất lỏng.
Khi bị suy thận, không thể điều trị phục hồi lại chức năng thận. Phương pháp điều trị nhằm kiểm soát các triệu chứng do suy thận gây ra, làm sạch máu, ngăn ngừa mất nước, ứ nước, loại bỏ chất thải khỏi hệ tiêu hóa…
Các phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh suy thận gồm chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng), ghép nhận.
Suy thận xảy ra khi thận ngừng hoặc suy giảm hoạt động
Các biến chứng của bệnh suy thận
Các chuyên gia cho biết, có 5 biến chứng liên quan đến bệnh thận mãn tính: thiếu máu, tăng lipid máu, suy dinh dưỡng, các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loạn dưỡng xương (khối xương phát triển bất thường liên quan đến rối loạn chuyển hóa canxi và phốt pho).
Những bệnh nhân có vấn đề về thận mãn tính và có nguy cơ cao bị suy thận có tỷ lệ mắc các bệnh nêu trên cao hơn nhiều, đặc biệt là các biến chứng về tim và thiếu máu.
Ví dụ, tỷ lệ bệnh thiếu máu liên quan đến bệnh thận là khoảng 50% và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở bệnh nhân chạy thận cao hơn từ 10 – 100 lần so với người khỏe mạnh cùng độ tuổi.
Các triệu chứng suy thận
Vì thận có vai trò cân bằng hợp lý tỷ lệ nước, muối và các khoáng chất khác (gọi là chất điện giải) trong máu nên suy thận rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.
Đối với một số bệnh nhân suy thận, không có triệu chứng rõ ràng nào cả. Chỉ đột nhiên các triệu chứng nguy kịch xảy ra và phải đi cấp cứu.
Các triệu chứng suy thận thường bao gồm:
• Đau vùng thận, có cảm giác như đau nhói hoặc đau ở phía dưới khung xương sườn hoặc ở lưng/bụng.
• Ít nước tiểu hơn bình thường hoặc không đi tiểu. Tuy nhiên, một yếu tố cảnh báo bệnh thận có thể là đi tiểu thường xuyên, đôi khi có máu hoặc màu sắc nước tiểu thay đổi.
• Giữ nước và phù do mất cân bằng điện giải, đặc biệt là ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân. Mặt và mắt cũng có thể sưng húp.
• Khó tiêu, buồn nôn, nôn, chán ăn.
• Huyết áp cao.
• Thay đổi nhận thức và tâm trạng, chủ yếu là do thay đổi nồng độ điện giải và mất nước, như nhầm lẫn, lo lắng, mệt mỏi, rối loạn tập trung.
Mặc dù suy thận rất nghiêm trọng nhưng không phải người bệnh nào cũng cần phải chạy thận nhân tạo mãi mãi. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể mà bác sĩ sẽ ra phác đồ điều trị riêng.
Đau vùng thận, khó tiêu, buồn nôn, phù… là dấu hiệu suy thận
Các yếu tố rủi ro và nguyên nhân gây suy thận
Thận có thể bị suy vì một số lý do, chủ yếu là do mất máu nhiều, mất nước (ảnh hưởng đến nồng độ điện giải), phản ứng do dùng một số loại thuốc/uống phải chất độc hoặc do tắc nghẽn dòng máu dẫn đến thận hoặc từ thận đi.
Các yếu tố nguy cơ gây suy thận:
• Mắc bệnh tiểu đường, thiếu máu, cao huyết áp, bệnh tim… đều có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến thận và góp phần gây viêm.
• Thận bị tổn thương (do bệnh thận mãn tính, sỏi thận, nhiễm trùng máu hoặc bệnh nhiễm trùng làm chậm dòng máu đến thận).
• Có chế độ ăn uống không lành mạnh, thừa cân, béo phì…
• Mắc bệnh tuyến tiền liệt, tổn thương gan, viêm gan… làm ảnh hưởng đến quá trình đào thải chất độc, thuốc, hormone và hóa chất trong cơ thể.
• Chấn thương thận gây mất máu đột ngột.
• Suy giảm miễn dịch do mắc một bệnh khác, chẳng hạn như virus gây thay đổi nồng độ chất điện giải.
• Căng thẳng mãn tính, nhiễm trùng tái phát nhiều lần làm giảm khả năng miễn dịch.
• Phẫu thuật hoặc cấy ghép nội tạng, tủy xương.
• Dùng các loại thuốc có thể dẫn đến các vấn đề về thận, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc huyết áp…
Điều trị suy thận bằng cách nào?
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, thông thường sẽ gồm:
• Phục hồi nồng độ điện giải và điều trị tình trạng mất nước
• Thay đổi các loại thuốc có thể gây tổn thương thận
• Nếu tắc nghẽn đường tiết niệu gây ra các triệu chứng khiến bệnh nhân không thể đi tiểu thì cần điều trị tắc nghẽn.
• Điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào liên quan đến các triệu chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng ảnh hưởng đến các cơ quan tiêu hóa khác
• Lọc máu
• Thuốc kiểm soát nồng độ kali, canxi, glucose hoặc natri
Người bị suy thận thường phải lọc máu
Các biện pháp tự nhiên giúp tăng cường chức năng thận
Chế độ ăn lành mạnh
Bệnh thận làm thay đổi quá trình chuyển hóa protein, nước, muối, kali và phốt pho.
Người bệnh thận nên ăn các thực phẩm chống oxy hóa và chống viêm như: nam việt quất, quả việt quất, cần tây, cây ngưu bàng, rau lá xanh, bơ, chuối và trái cây có múi như chanh, cam…
Uống nhiều nước hơn vì không uống đủ nước có thể làm tăng nguy cơ bị biến chứng suy thận.
Các chuyên gia khuyên người bệnh thận nên hạn chế một số chất điện giải như natri, kali và phốt pho.
Giảm lượng thức ăn có hàm lượng natri cao (muối) bằng cách tránh thực phẩm đóng gói, đồ chiên, thức ăn nhanh và thịt hoặc pho mát chế biến sẵn.
Dùng thảo dược và thực phẩm bổ sung
Người bị suy thận không nên tự ý bổ sung bất kỳ chất nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Đối với những người đang muốn ngăn ngừa tổn thương thận thêm, một số chất bổ sung tự nhiên sau đây có thể hữu ích trong việc giữ cho thận và các cơ quan tiêu hóa khác (như gan) khỏe mạnh hơn.
• Magiê: Magiê giúp ngăn ngừa hình thành sỏi thận.
• Vitamin B6: Vitamin B6 có thể giúp giảm nồng độ canxi oxalate.
• Vitamin E: Có lợi trong việc giảm mức canxi oxalate.
• Chiết xuất nam việt quất: Có thể làm giảm nồng độ canxi trong nước tiểu.
• Nha đam: Giúp làm giảm tinh thể tiết niệu.
• Tinh dầu chanh và tinh dầu hoa cúc: Có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận bằng cách hỗ trợ thận và gan giải độc. Nhỏ hai giọt dầu họ cam quýt như chanh, cam hoặc bưởi vào nước uống hai lần mỗi ngày. Với tinh dầu hoa cúc, bôi lên vùng bụng dưới hai lần mỗi ngày.