Nhiều người nhầm tưởng rằng thận dương hư là vấn đề của nam, thận âm hư là vấn đề của nữ. Trên thực tế, cả nam và nữ đều có thận âm và thận dương và đều có thể gặp phải chứng thận hư.
Nhận biết thận âm hư và thận dương hư
Trong Y học cổ truyền, tạng thận gồm thận âm và thận dương, âm dương nương tựa vào nhau, âm hư lâu ngày gây dương hư, và dương hư lâu ngày cũng gây tổn hại phần âm.
Ở người bệnh thận hư, sẽ luôn tồn tại cả âm hư và dương hư, tuy nhiên khác nhau ở phần nào chiếm đa số và từ đó gây ra các triệu chứng khác nhau, có những triệu chứng mang tính đối lập. Ngoài ra, tùy thuộc vào giới tính mà các biểu hiện bên ngoài cũng có những đặc trưng riêng.
Biểu hiện của thận âm hư
Thận âm đảm bảo chức năng về dinh dưỡng. Thận âm hư ở nam hay nữ đều có thể biểu hiện ra các triệu chứng đau lưng, nhức mỏi đầu gối, tiểu đêm, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ù tai. Ngoài ra, âm chủ lạnh nên âm hư gây hỏa vượng biểu hiện bốc hỏa, mất ngủ, gan bàn chân tay nóng, đổ nhiều mồ hôi, gò má đỏ, họng khô, cảm giác nóng trong, nước tiểu vàng, phân khô, lưỡi đỏ.
Ngoài ra, thận âm quyết định khả năng cương dương ở nam giới. Nam giới có thể có ham muốn tình dục nhưng không thể cương cứng được, nếu tình trạng này kéo dài thì ham muốn cũng vì vậy mà suy giảm theo. Người bị thận âm hư thường có chất lượng tinh trùng kém dẫn đến khó thụ thai, vô sinh, có thể hay bị di tinh (xuất tinh ngay cả khi không quan hệ) hay mộng tinh (xuất tinh trong lúc ngủ).
Riêng với nữ giới, âm hư cũng có biểu hiện bế kinh, ít kinh, kinh nguyệt không đều, khó có thai.
Biểu hiện của thận dương hư
Bên cạnh thận âm chủ dinh dưỡng thì thận dương chủ thần trí, sự hưng phấn của cơ thể. Thận dương khỏe mạnh giúp cơ thể nhanh nhẹn, lanh lợi, duy trì ham muốn tình dục. Ngược lại thận dương suy thì ham muốn suy giảm, thần trí mệt mỏi, chậm chạp, uể oải, người lờ đờ.
Thận dương hư cũng có một số biểu hiện giống với thận âm hư như đau lưng, mỏi gối, tiểu đêm, tiểu nhiều. Ngoài ra, trong cơ thể, dương chủ nóng, dương hư gây lạnh, biểu hiện ra chứng sợ lạnh, chân tay lạnh, lưỡi nhợt nhạt, đi ngoài phân lỏng. Thận dương hư không chỉ là vấn đề của nam giới mà ở bất kỳ đối tượng nào với những biểu hiện trên.
Điều trị thận hư trong Y học cổ truyền
Ở người bệnh thận hư, gần như luôn tồn tại cả thận dương hư và thận âm hư. Bởi âm dương tồn tại nương tựa vào nhau, chỉ khác là phần nào chiếm đa số.
Chính vì vậy, các bài thuốc điều trị thận hư thường kết hợp các vị thuốc vừa có công dụng bổ âm vừa có công dụng bổ dương, nhưng gia giảm thành phần cho phù hợp với căn nguyên gốc bệnh, phù hợp với tình trạng nào đang nổi trội ở người bệnh đó.
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y điều trị thận âm hư và thận dương hư.
Chữa thận âm hư gây đau lưng
Chuẩn bị: 16g Thục địa, 12g cao Quy bản, 12g Hoài sơn, 12g Cẩu kỷ, 6g Sơn thù, 12g Lộc giác giao, 4g Ngưu tất, 12g Thỏ ty tử.
Tất cả các vị thuốc đem sắc lấy nước. Mỗi ngày 1 thang, sắc uống thành 3 lần.
Điều trị chứng thận âm hư gây bế kinh ở nữ
Chuẩn bị: 8g Sơn thù, 26g Thục địa, 12g Cẩu kỷ tử, 8g Đương quy, 12g Phục linh, 12g Đỗ trọng, 12g Thỏ ty tử, 12g Hoài sơn.
Mỗi ngày 1 thang, sắc uống 3 lần/ngày. Nên uống thuốc sau ăn để tránh ảnh hưởng tới dạ dày.
Bài thuốc chữa chứng âm hư hỏa vượng
Chuẩn bị gồm 24g thảo đường hoàng tháng, 20g hải lệ tử sác, 20g long cốt, 12g củ mài, 10g táo bì, 9g nấm bạch phục linh, 20g ngũ vị tử. Sắc hỗn hợp trên với 1 lít nước. Uống khi nước còn ấm trong ngày.
Tác dụng của bài thuốc giúp cơ thể an thần, cải thiện căng thẳng, lo lâu, giảm mất ngủ, ngủ hay mê sảng, trị chứng mộng tinh, giúp cố tinh, định tâm an thần, ngủ ngon giấc hơn.
Điều trị chứng thận dương hư bằng thận khí hoàn
Chuẩn bị: 16g Thục địa, 8g Phục linh, 8g Trạch tả, 8g Sơn thù, 8g Phụ tử chế, 8g Sơn dược, 2g Nhục quế, 8g Đơn bì.
Mỗi ngày 1 thang sắc uống lấy nước, ngày uống 3 lần.
Điều trị thận dương hư bằng tứ thần hoàn
Chuẩn bị: Nhục đậu khấu, Bổ cốt chỉ, Ngũ vị tử, Ngô thù du với liều lượng thích hợp.
Cho toàn bộ nguyên liệu vào đun cùng với lượng nước vừa đủ cho tới khi cô cạn còn một nửa lượng nước thì tắt bếp. Uống hết lượng nước đó trong ngày, khi uống nên đun ấm.
Không phải lúc nào việc chẩn đoán âm hư hay dương hư cũng đều dễ dàng. Để chẩn đoán nguồn gốc bệnh, ngoài khai thác triệu chứng, lương y còn cần khám lưỡi (màu đỏ đậm, rêu lưỡi), bắt mạch…
Thậm chí trong nhiều trường hợp không chẩn đoán được sẽ cần điều trị thăm dò sau đó điều chỉnh dần. Điều trị bằng Đông y có đặc điểm là tác dụng chậm, do đó người bệnh cần kiên trì để có được hiệu quả lâu dài.
DS Thanh Loan