Viêm bàng quang là tình trạng gây ra nhiều vấn đề khó chịu khi đi “nhẹ”. Tìm hiểu đâu là nguyên nhân dẫn tới viêm bàng quang và cách điều trị hiệu quả.
Viêm bàng quang là gì?
Viêm bàng quang là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng bàng quang bị viêm do nhiễm khuẩn. Viêm bàng quang gây đau đớn và khó chịu. Tình trạng viêm có thể tiến triển thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu như nhiễm trùng lan đến thận.
Trong hầu hết các trường hợp nguyên nhân gây viêm bàng quang là do nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng nước tiểu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang hoặc niệu đạo rồi bắt đầu sinh sôi. Tuy nhiên viêm bàng quan cũng có thể do hệ vi khuẩn tự nhiên trong cơ thể bị mất cân bằng. Vi khuẩn xấu sinh sôi và tiến triển mạnh dẫn tới nhiễm trùng.
Viêm bàng quan có thể cũng xuất phát từ nguyên nhân do sử dụng sản phẩm vệ sinh không phù hợp hoặc sử dụng một loại thuốc nào đó.
Các triệu chứng của bệnh viêm bàng quang
Các triệu chứng dễ nhận biết khi bị viêm bàng quang bao gồm:
- Thường xuyên đi tiểu, mỗi lần chỉ đi một lượng ít (tiểu rắt, tiểu són)
- Vừa mới đi tiểu đã muốn đi tiếp
- Nước tiểu đục, có mùi nồng
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Tiểu buốt
- Có máu trong nước tiểu
- Khó chịu ở vùng chậu
- Cảm giác tức bụng dưới
- Sốt nhẹ
Ở trẻ nhỏ, những đợt đái dầm vào ban ngày cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên với những bé tè dầm vào ban đêm thì thường không liên quan tới bệnh nhiễm trùng này.
Nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang
Hệ tiết niệu của mỗi người bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Vai trò của bộ phận này chính là loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Hai quả thận có hình hạt đậu nằm phía sau của bụng trên giúp lọc chất thải từ máu và điều chỉnh nồng độ của nhiều chất. Các ống niệu quản mang nước tiểu từ thận tới bàng quang, nơi lưu trữ cho tới khi thoát ra ngoài qua niệu đạo.
Viêm bàng quang có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Viêm bàng quan do vi khuẩn
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra khi vi khuẩn bên ngoài cơ thể xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo và bắt đầu sinh sôi. Hầu hết các trường hợp viêm bàng quang xuất phát từ vi khuẩn E.coli gây ra.
Nhiễm trùng bàng quang do vi khuẩn có thể xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới do quan hệ tình dục. Tuy nhiên, đôi khi viêm bàng quang cũng xảy ra ở phụ nữ ít quan hệ bởi vì vùng kín phái nữ thường chứa nhiều vi khuẩn có khả năng gây viêm niệu đạo.
Viêm bàng quang không do nhiễm trùng
Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây viêm bàng quang, tuy nhiên một số yếu tố không lây nhiễm cũng có thể khiến bàng quang bị viêm. Ví dụ như:
- Viêm bàng quang kẽ: Viêm bàng quang kẽ là bệnh mạn tính, gây đau đớn. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng. Bệnh dễ gặp ở phụ nữ và khó có thể chẩn đoán, điều trị.
- Viêm bàng quang do sử dụng thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là hóa trị clyclophosphanmide và ifosfamide có thể gây viêm bàng quang khi các thành phần của thuốc được thận lọc và đào thải.
- Viêm bàng quang do bức xạ: Người bệnh ung thư xạ trị vùng xương chậu có thể bị viêm ở trong mô bàng quang.
- Viêm bàng quang do dị vật: Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài dễ dẫn tới nhiễm trùng và tổn thương mô gây viêm bàng quang.
- Viêm bàng quang do hóa chất: Một số người có cơ địa nhạy cảm với các loại hóa chất có trong sữa tắm, dung dịch vệ sinh vùng kín dẫn tới dị ứng và viêm bàng quang.
- Viêm bàng quang do một số bệnh khác: Viêm bàng quang đôi khi là biến chứng của một số bệnh khác có liên quan như bệnh tiểu đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt hoặc chấn thương tủy sống.
Ai có nguy cơ dễ mắc phải viêm bàng quang?
Viêm bàng quang có thể gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, viêm bàng quang có thể gặp nhiều ở phụ nữ hơn so với nam giới bởi niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn.
Phụ nữ có nguy cơ viêm bàng quang cao hơn nếu như:
- Đang mang thai
- Đang duy trì hoạt động tình dục
- Sử dụng bao cao su có chất diệt tinh trùng
- Đang ở thời kỳ mãn kinh
- Đang sử dụng các sản phẩm vệ sinh cá nhân có gây kích ứng
Nam giới sẽ có nguy cơ viêm bàng quang nếu bị phì đại tuyến tiền liệt do giữ lại nhiều nước tiểu trong bàng quang.
Một số yếu tố nguy cơ chung cho cả nam và nữ sẽ dễ dẫn tới viêm bàng quang gồm:
- Từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu
- Xạ trị
- Hóa trị
- Sử dụng ống thông tiểu
- Mắc bệnh sỏi thận
- HIV/AIDs
- Bị chấn thương cột sống
Phương pháp điều trị viêm bàng quang
Sử dụng thuốc
Viêm bàng quang do vi khuẩn thì sử dụng kháng sinh là phương pháp điều trị phổ biến. Viêm bàng quang kẽ cũng có thuốc điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể điều trị viêm bàng quang nhưng thông thường sẽ không được ưu tiên điều trị.
Chỉ các trường hợp bệnh mạn tính bác sĩ mới đề xuất phương án phẫu thuật. Phương pháp này thường được chỉ định nhằm giúp khắc phục vấn đề về cấu trúc của hệ tiết niệu.
Khắc phục tình trạng viêm bàng quang tại nhà
Một số liệu pháp chăm sóc ngay tại nhà có thể giúp giảm bớt khó chịu do tiểu rắt, tiểu buốt khi bị viêm bàng quang.
Nếu bị đau, bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen và acetaminophen. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, bạn cần phải dùng hết đợt thuốc để ngăn ngừa vi khuẩn kháng thuốc.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để kiểm soát các triệu chứng:
- Chườm nóng: Chườm nóng lên bụng, lưng để giảm đau và khó chịu.
- Uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước: Bổ sung chất lỏng thường xuyên rất quan trọng đặc biệt đối với những người đang hóa trị hoặc xạ trị.
- Đi tiểu ngay nếu cảm thấy muốn: Nếu như bạn muốn đi tiểu hãy đi ngay, đừng trì hoãn việc đi vệ sinh.
- Lau từ trước ra sau khi đi “nặng”: Đây là cách ngăn vi khuẩn ở vùng hậu môn lan sang âm đạo và niệu đạo.
- Tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn: Đối với người dễ bị viêm nhiễm vùng chậu, hãy tắm bằng vòi hoa sen thay vì tắm bồn để ngăn ngừa lây lan vi khuẩn.
- Vệ sinh “vùng kín” nhẹ nhàng: Nên thực hiện vệ sinh hàng ngày với dung dịch vệ sinh chuyên dụng, tránh dùng xà phòng có khả năng tẩy rửa mạnh. Bởi da ở khu vực này khá mỏng manh và rất dễ kích ứng.
- Làm rỗng bàng quang càng sớm càng tốt sau khi quan hệ: Nên uống một cốc nước đầy để đi vệ sinh, giúp loại bỏ vi khuẩn có khả năng lây nhiễm khi quan hệ.
- Tránh dùng xịt khử mùi hoặc sản phẩm dưỡng ở vùng sinh dục: Bởi các sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng niệu đạo và bàng quang.
Đào Tâm