Lưu ý đặc biệt trong phòng ngừa và điều trị cúm ở phụ nữ mang thai

Phụ nữ có thai là đối tượng rất dễ bị mắc cúm và những biến chứng do cúm gây ra. Bệnh không chỉ gây nguy hiểm cho mẹ mà còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, việc điều trị sớm và dự phòng cúm là rất cần thiết trong giai đoạn thai kỳ.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc cúm và biến chứng nghiêm trọng do cúm

Cúm có thể tự khỏi trong khoảng 5 – 7 ngày nhờ đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên với những người có nguy cơ cao gặp biến chứng do cúm, đáp ứng miễn dịch yếu, do đó cúm có khả năng gây nguy hại cho cơ thể.

Những đối tượng này bao gồm: trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai và người mắc một số bệnh lý mạn tính như hen phế quản, đái tháo đường và bệnh tim mạch.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo, cần điều trị kịp thời khi những người có nguy cơ cao này mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm. Phụ nữ mang thai bị cúm cần điều trị sớm nhằm rút ngắn thời gian mắc bệnh, giảm nhẹ triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ biến chứng do cúm cho cả mẹ và thai nhi.

Điều trị cúm ở phụ nữ mang thai

Hầu hết các trường hợp mắc cúm ở mức độ nhẹ chỉ cần sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng. Với những trường hợp cúm nặng hoặc những người có nguy cơ cao gặp biến chứng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị đặc hiệu để điều trị cúm, gọi là thuốc kháng virus. Thuốc có tác dụng tiêu diệt virus, ngăn ngừa chúng nhân lên trong cơ thể. Để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, thuốc cần được bắt đầu sớm, tốt nhất trong vòng 2 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc sau thời điểm 2 ngày vẫn có thể mang lại lợi ích.

Phụ nữ mang thai bị cúm có thể uống thuốc kháng virus

Nếu bạn mắc cúm, nghi ngờ mắc cúm hoặc đã tiếp xúc với người mắc cúm trong thai kỳ, bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus với mục đích dự phòng hoặc điều trị cúm.

Có một số thuốc kháng virus đã được cấp phép trên thế giới trong điều trị cúm nói chung và cúm ở phụ nữ có thai nói riêng. Tại Việt Nam, loại thuốc được lưu hành phổ biến là Oseltamivir (tên thương mại là Tamiflu) với chế độ liều cho người lớn như sau:

  • Điều trị cúm: 1 viên 75mg/lần x 2 lần/ngày. Uống trong 5 ngày.
  • Dự phòng cúm: 1 viên 75mg/lần x 1 lần/ngày. Uống trong 10 ngày.

Các nghiên cứu đã cho thấy Oseltamivir an toàn và mang lại lợi ích điều trị cho phụ nữ có thai.

Phòng ngừa cúm ở phụ nữ có thai

Cách dự phòng cúm hiệu quả nhất là tiêm phòng cúm hằng năm. Nếu bạn đã có thai khi chưa tiêm vacxin cúm, bạn vẫn có thể tiêm phòng tại bất kì thời điểm nào của thai kỳ. Bởi việc tiêm vacxin trong giai đoạn này không chỉ giúp bảo vệ bạn trong suốt thai kỳ mà còn giúp bé có được kháng thể từ mẹ, bảo vệ bé trong suốt 6 tháng đầu đời, khi mà bé còn quá nhỏ để tiêm vacxin phòng cúm.

Tiêm vacxin cúm là biện pháp phòng cúm hiệu quả nhất cho phụ nữ mang thai

Xét về hiệu quả, tiêm vacxin cúm giúp giảm tỉ lệ viêm đường hô hấp cấp liên quan đến cúm ở phụ nữ mang thai tới 50%. Nghiên cứu đa quốc gia năm 2018 đánh giá hiệu quả của vacxin cúm trên phụ nữ mang thai tuổi từ 18 – 50 cho thấy, tiêm vacxin phòng cúm làm giảm 40% tỉ lệ phụ nữ mang thai cần nhập viện do cúm.

Xét về độ an toàn, vacxin cúm được sử dụng bởi hàng triệu phụ nữ mang thai trên toàn thế giới mỗi năm với dữ liệu an toàn tốt. Những nghiên cứu đều cho thấy vacxin cúm được xem là an toàn cho cả mẹ và thai mà không làm tăng nguy cơ sảy thai hay các biến cố bất lợi trên thai nhi.

Vacxin cúm được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho phụ nữ mang thai

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi mẹ tiêm vacxin phòng cúm không có gì khác so với những người không mang thai. Những biểu hiện này ít gặp, có thể bao gồm:

  • Đau, đỏ và sưng tại vị trí tiêm
  • Đau đầu
  • Sốt
  • Đau cơ
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi
  • Ngất

Những triệu chứng trên thường nhẹ, khởi phát ngay sau khi tiêm và hết sau 1-2 ngày. Trường hợp hiếm gặp là phản ứng dị ứng. Do đó, không sử dụng vacxin ở những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với thành phần của vacxin.

DS Phạm Hảo

Tài liệu tham khảo:

  1. “Influenza (Flu)”, Centers of Disease control and Prevention, last reviewed: November 15, 2019
  2. Hướng dẫn sử dụng Tamiflu, lưu hành tháng 6/2012
  3. Mark G Thompson et al. “Influenza Vaccine Effectiveness in Preventing Influenza-associated Hospitalizations During Pregnancy: A Multi-country Retrospective Test Negative Design Study, 2010–2016”, Clinical Infectious Diseases, Volume 68, Issue 9, 1 May 2019, Pages 1444–1453,